Cập nhật Covid-19 ngày 10/4: Hơn 2,9 triệu ca tử vong; Ca mắc mới ở Ấn Độ cao nhất thế giới; WHO cảnh báo khả năng thất bại trước virus

Theo trang thống kê Worldometers.info, tính đến 8h00 ngày 10/4 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 135.280.582 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19, trong đó có 2.927.555 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 108.851.958 người.

Tính đến 8h00 ngày 10/4 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 135.280.582 ca nhiễm bệnh Covid-19.

Tính đến 8h00 ngày 10/4 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 135.280.582 ca nhiễm bệnh Covid-19.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 574.823 ca tử vong trong tổng số 31.802.258 ca nhiễm. Tiếp đó là Brazil với 348.934 ca tử vong trong số 13.375.414 ca bệnh. Ấn Độ đứng thứ 3 với 168.467 ca tử vong trong số 13.202.783 bệnh nhân.

Đáng chú ý, dịch bệnh tái diễn phức tạp hơn tại Ấn Độ khi quốc gia Nam Á này ghi nhận thêm 144.829 ca mắc mới, cao nhất thế giới và 773 ca tử vong.

Các nước Mỹ và Brazil, vốn đang đứng đầu thế giới về số ca mắc và tử vong, lần lượt có thêm 84.854 và 89.090 ca mắc mới. Trong đó, Brazil tiếp tục chứng kiến ngày tang thương khi ghi nhận thêm 3.647 ca tử vong. Thổ Nhĩ Kỳ lại ghi nhận số ca mắc mới vượt ngưỡng 50.000 ca/ngày với 55.791 ca. Iran và Philippines lần lượt ghi nhận 22.478 và 12.225 ca mắc mới, cho thấy diễn biến dịch tại những nước này trở nên xấu đi.

Tại châu Âu, tình hình dịch chưa có chiều hướng cải thiện khi loạt nước lớn tiếp tục ghi nhận hàng chục nghìn ca mắc mới. Cụ thể, Pháp đứng đầu châu lục này với 41.243 ca mắc mới, tiếp đó Ba Lan và Đức khi lần lượt ghi nhận thêm 22.281 và 28.487 ca. Italy, Ukraine và Tây Ban Nha cũng chứng kiến số ca mắc mới vượt ngưỡng 10.000 ca/ngày.

Trước tình hình này, một số quốc gia đã thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt hơn. Cùng ngày, Chính phủ Bolivia thông báo quyết định gia hạn việc đóng cửa đóng cửa biên giới với Brazil thêm 1 tuần, đến ngày ngày 16/4, nhằm ngăn chặn sự lây lan biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 từ quốc gia láng giềng.

Một biến thể mới của virus SARS-CoV-2, được cho là dễ lây lan hơn, đã được phát hiện ở vùng Amazon của Brazil và đây là lý do các thị trấn biên giới của Bolivia được đặt trong tình trạng báo động.

Thứ trưởng Ngoại giao Bolivia Benjamin Blanco cho biết, trong vài ngày tới các cơ quan chức năng Bolivia sẽ đánh giá xem liệu việc đóng cửa biên giới với Brazil có kéo dài thêm hay không.

Hiện Bolivia ghi nhận hơn 12.400 ca tử vong do Covid-19 trong tổng số hơn 279.000 ca nhiễm.

Tương tự, các nhà chức trách Mali đã quyết định đình chỉ tất cả các lễ hội và hoạt động biểu tình, đóng cửa tất cả các địa điểm vui chơi giải trí trong 2 tuần do diễn biến"đáng lo ngại" của đại dịch Covid-19.

Chính phủ Mali cho biết, nước này đang đối mặt với sự gia tăng rõ ràng và đáng lo ngại về sự lây lan của đại dịch với gần 1/3 các trường hợp xét nghiệm có kết quả dương tính. Để cắt đứt chuỗi lây nhiễm, các nhà chức trách Mali đã quyết định đóng cửa tất cả các địa điểm giải trí từ ngày 10-25/4 tới cũng như cấm tổ chức tất cả các lễ hội và sự kiện trong trong thời gian này.

Đồng thời, Mali cũng quyết định tiến hành một đợt phân phối khẩu trang "khổng lồ và miễn phí" cho người dân, yêu cầu thực hiện nghiêm túc việc bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng, cũng như cấm tụ tập hơn 50 người. Bên cạnh đó, Mali cũng tiếp tục đẩy nhanh việc mua vaccine mới và tăng cường chiến dịch tiêm chủng.

Theo số liệu thống kê mới nhất, Mali đã ghi nhận hơn 11.300 trường hợp mắc Covid-19 và 404 ca tử vong.

* Giới chức y tế Panama ngày 9/4 đã cấp phép sử dụng khẩn cấp đối với vaccine CoronaVac do công ty dược phẩm Sinovac của Trung Quốc sản xuất. Vụ trưởng Vụ Dược phẩm và Thuốc men thuộc Bộ Y tế Panama, bà Elvia Lau nêu rõ: "Có thêm một cơ hội nữa cho người dân Panama khi có thêm một loại vaccine ở nước này và nhiều người được chủng ngừa, qua đó đạt được miễn dịch cộng đồng vào một thời điểm nào đó".

Tính tới ngày 8/4, hơn 450.000 liều vaccine Covid-19 đã được phân phối tại Panama - quốc gia với hơn 4 triệu dân. Panama đã ghi nhận 357.704 ca mắc Covid-19, trong đó có 6.152 ca tử vong.

* Nguồn tin từ Ủy ban châu Âu (EC) ngày 9/4 cho biết, Liên minh châu Âu (EU) sẽ khởi động các cuộc đàm phán để đặt hàng thêm 1,8 tỷ liều vaccine "thế hệ thứ 2" để phòng bệnh Covid-19. Đây là loại vaccine có hiệu quả chống lại các biến thể trong tương lai của virus SARS-CoV-2.

Lo ngại việc tiêm chủng cho trẻ em và thanh thiếu niên, nhưng lại xuất hiện các biến thể virus mà các loại vaccine hiện tại sẽ không hiệu quả, nên EC muốn ký hợp đồng mua 900 triệu liều chính thức và thêm 900 triệu liều bổ sung, với lịch giao hàng hàng tháng và có ràng buộc chặt chẽ. Việc giao hàng sẽ phải bắt đầu trong năm nay và tiếp tục vào năm 2022 và 2023.

* Hãng dược Pfizer (Mỹ) cùng đối tác BioNTech của Đức ngày 9/4 đã kêu gọi Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) cấp phép để vaccine của hãng này được sử dụng khẩn cấp với đối tượng trẻ em từ 12-15 tuổi tại Mỹ.

Pfizer/BioNTech trích dẫn nghiên cứu được công bố hồi tháng trước rằng, vaccine của họ 100% hiệu quả đối với trẻ em từ 12-15 tuổi. Trong một tuyên bố, Pfizer/BioNTech cũng cho biết, họ có kế hoạch đưa ra đề nghị tương tự đối với các cơ quan quản lý khác trên khắp thế giới trong những ngày tới.

* Giám đốc điều hành hoạt động của Ngân hàng Thế giới (WB) Axel van Trotsenburg ngày 9/4 cho biết ngân hàng này đã cam kết tài trợ 2 tỷ USD để cung cấp vaccine ngừa Covid-19 cho khoảng 40 nước đang phát triển vào cuối tháng này.

Phát biểu tại một diễn đàn của WB, ông Trotsenburg nêu rõ số tiền tài trợ trên là một phần trong ngân quỹ khoảng 12 tỷ USD mà WB có sẵn dành để hỗ trợ việc phát triển, phân phối và sản xuất vaccine tại các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Cũng về vấn đề này, Chủ tịch WB David Malpass cho hay, WB dự kiến sẽ mở rộng cam kết trên lên 4 tỷ USD để cung cấp vaccine ngừa Covid-19 cho 50 nước vào giữa năm nay.

Trong khi đó, cũng tại diễn đàn trên, giới chức y tế công cộng cảnh báo cuộc chạy đua trong việc bào chế vaccine phòng ngừa nguy cơ nhiễm virus SARS-CoV-2 có thể sẽ thất bại nếu tiến độ tiêm chủng vaccine tại các nước đang phát triển không được đẩy nhanh. Theo Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, các loại vaccine ngừa Covid-19 có sẵn có thể sẽ không còn hiệu quả nếu virus tiếp tục lây lan và biến đổi. Ông cho biết thêm, ngay cả ở những quốc gia có tỷ lệ người được tiêm chủng cao cũng sẽ không còn được an toàn do các loại vaccine này không thể ngăn chặn được những biến thể mới của virus trên.

Trước đó, ngày 9/4, Ủy ban Phát triển của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và WB ra thông cáo cho hay, 2 tổ chức tài chính này nên hợp tác chặt chẽ với nhau để giảm bớt những ảnh hưởng tiêu cực do đại dịch Covid-19 và đảm bảo việc phân phối vaccine phòng bệnh một cách công bằng và hiệu quả tại tất cả các quốc gia trên thế giới.

Theo ủy ban này, việc cung cấp kịp thời các loại vaccine an toàn và hiệu quả tại tất cả các quốc gia là yếu tố rất quan trọng để chấm dứt đại dịch, đặc biệt là khi các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 xuất hiện.

Riêng đối với các nước đang phát triển, họ cần tăng cường khả năng sẵn sàng cho các chiến dịch tiêm chủng và phát triển các chiến lược có sự phối hợp để tiếp cận những nhóm dân số dễ bị tổn thương. Thông cáo của ủy ban trên nhấn mạnh, đại dịch Covid-19 đã để lại những hậu quả có ảnh hưởng sâu rộng, vì vậy "chúng ta cần phải tăng cường khả năng sẵn sàng đối phó của toàn cầu với các đại dịch trong tương lai, đồng thời đạt được tiến bộ trong việc xây dựng các hệ thống y tế mạnh mẽ với phạm vi hoạt động trên quy mô toàn cầu"

(theo AFP, THX, TTXVN)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cap-nhat-covid-19-ngay-104-hon-29-trieu-ca-tu-vong-ca-mac-moi-o-an-do-cao-nhat-the-gioi-who-canh-bao-kha-nang-that-bai-truoc-virus-141869.html