Cập nhật Covid-19 ngày 13/3: Hơn 2,6 triệu ca tử vong toàn cầu; Mexico có 'vũ khí mới' diệt virus; thế khó của Tổng thống Biden
Theo trang thống kê Worldometers, đến nay, toàn cầu ghi nhận hơn 119,6 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó có hơn 2,65 triệu trường hợp tử vong và hơn 96,2 triệu bệnh nhân bình phục.
Đến thời điểm này, Mỹ đã ghi nhận 545.376 ca tử vong trong tổng số 29.990.451 ca nhiễm. Trong 24 giờ qua, Mỹ có thêm 63.813 ca nhiễm và 1.333 ca tử vong.
Tiếp đó là Ấn Độ với 158.438 ca tử vong trong số 11.333.491 ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 số tử vong với 275.276 ca trong số 11.368.316 bệnh nhân.
Về ca bệnh liên quan các biến thể mới của virus SARS-CoV-2, giới chức cho biết xuất hiện ngày càng nhiều và lây lan rộng ở nhiều nước trên thế giới.
Theo số liệu mới nhất của Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát bệnh dịch (CDC) Mỹ, gần 4.000 ca nhiễm các biến thể của chủng virus SARS-CoV-2 ban đầu gây bệnh Covid-19 đã được ghi nhận tại Mỹ tính đến ngày 11/3.
Chiếm phần lớn trong số đó, 3.701 ca, là nhiễm biến thể B.1.1.7 được phát hiện đầu tiên tại Anh. Có 108 ca nhiễm biến thể B.1.351 được phát hiện lần đầu tiên tại Nam Phi và 17 ca nhiễm biến thể P.1 được phát hiện lần đầu tiên tại Brazil.
CDC cho hay, các ca này được nhận diện trên cơ sở các mẫu dương tính với SARS-CoV-2 và không đại diện toàn bộ các ca nhiễm biến thể đang lưu hành ở Mỹ.
Các chuyên gia cũng lo ngại về một số biến thể được phát hiện tại những nơi đông dân như California và New York.
Trong khi đó, một nhóm nhà nghiên cứu Brazil cũng đã xác định được một biến thể mới của SARS-CoV-2 có tốc độ lây lan nhanh hơn loại virus gốc và đã xuất hiện ở nhiều vùng của quốc gia Nam Mỹ này trong vài tuần trở lại đây.
Kết quả nghiên cứu được công bố sau khi các chuyên gia của 5 trung tâm khoa học và trường đại học của Brazil thực hiện trình tự gene của 195 mẫu virus thu thập từ 39 địa phương. Các phân tích di truyền xác định được biến thể mới của SARS-CoV-2 trong 3 mẫu xét nghiệm với một đột biến đã có liên quan đến khả năng lây lan mạnh hơn.
Brazil là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch Covid-19. Trong hai ngày gần đây, nước này đều ghi nhận số ca tử vong vì căn bệnh này ở mức cao kỷ lục trên 2.200 người.
Đến nay, Brazil đã có khoảng 11,2 triệu trường hợp mắc Covid-19, trong đó có hơn 272.000 ca tử vong.
Ngày 13/3, Australia đã ghi nhận ca mắc Covid-19 do lây nhiễm cộng đồng đầu tiên trong hơn 2 tuần qua, sau khi một bác sĩ dương tính với virus SARS-CoV-2, khiến nước này phải triển khai các biện pháp hạn chế tại những bệnh viện khu vực.
Diễn biến dịch bệnh tại châu Âu vẫn còn rất phức tạp buộc chính phủ Italy ngày 12/3 đã thông qua sắc lệnh mới nhằm tăng cường các biện pháp ngăn chặn làn sóng thứ 3 của đại dịch Covid-19 và cả nước sẽ được đặt trong tình trạng phong tỏa dịp Lễ Phục sinh (từ ngày 3-5/4).
Có hiệu lực từ ngày 15/3-6/4, sắc lệnh bổ sung các biện pháp hạn chế đi lại của người dân cũng như các quy tắc nghiêm ngặt hơn trong việc phân định vùng màu theo tỷ lệ lây nhiễm. Khu vực có tỷ lệ lây nhiễm vượt quá 250 trường hợp/100.000 dân trong một tuần sẽ chuyển sang vùng đỏ, vùng có nguy cơ lây nhiễm cao.
Số ca nhiễm Covid-19 ở Italy trong vài ngày qua đang có chiều hướng gia tăng trở lại và hiện đang ở mức trên 20.000 ca mỗi ngày. Ngày 12/3, quốc gia châu Âu thông báo đã ghi nhận thêm 26.824 ca mắc mới cùng với 380 ca tử vong.
Cũng trong ngày 12/3, Ủy ban châu Âu đã đề xuất giải ngân 12 triệu Euro từ Quỹ đoàn kết châu Âu để giúp Serbia trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19.
Số tiền trên sẽ tập trung vào các biện pháp phòng ngừa, giám sát và kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh, mua sắm các thiết bị y tế và bảo hộ cá nhân, trang trải các chi phí mà Serbia phải gánh chịu trong cuộc chiến chống lại đại dịch.
Liên quan vấn đề vaccine ngừa Covid-19, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 12/3 đã cấp phép lưu hành khẩn cấp vaccine của hãng Johnson & Johnson (J&J), sau khi phê chuẩn cho các vaccine do Pfizer-BioNTech và Oxford-AstraZeneca bào chế.
Thông tin này được đưa ra sau khi loại vaccine tiêm một liều duy nhất này được Liên minh châu Âu (EU) cấp phép lưu hành hôm 11/3.
Ngoài ra, vaccine của J&J cũng được "bật đèn xanh" từ các cơ quan quản lý ở Mỹ, Canada và Nam Phi. WHO cho biết vaccine của J&J đã được đưa vào "danh sách sử dụng khẩn cấp" - danh sách này đánh giá tính phù hợp của các sản phẩm sức khỏe mới trong các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng và quá trình này nhanh hơn so với hệ thống cấp phép thông thường.
Chính phủ Brazil ngày 12/3 đã ký hợp đồng mua 10 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 Sputnik V của Nga, trong khuôn khổ một thỏa thuận bao gồm cả khả năng loại vaccine này được sản xuất tại các nhà máy của phòng thí nghiệm Union Quimica ở thủ đô Brasilia và thành phố Sao Paolo.
Thông báo của Bộ Y tế Brazil nêu rõ, lô vaccine Sputnik V đầu tiên gồm 400.000 liều sẽ được chuyển tới nước này vào cuối tháng 4 tới. Khoảng 2 triệu liều nữa sẽ được đưa về trong tháng 5, trong khi số còn lại sẽ tiếp tục được chuyển về trong thời gian đến cuối năm nay.
Ngoài ra, một nhóm các bang ở vùng Đông Bắc Brazil cũng đạt được thỏa thuận với Quỹ Đầu tư trực tiếp của Nga về việc mua 39 triệu liều vaccine Sputnik V.
Cùng ngày, Cơ quan Giám sát Dịch tễ Quốc gia Brazil (Anvisa) đã cấp phép sử dụng lâu dài đối với loại vaccine của phòng thí nghiệm AstraZeneca và đây là loại vaccine được “bật đèn xanh” sau vaccine của hãng Pfizer (Mỹ).
Không thiếu vaccine nhưng chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden hiện được cho là sẽ phải đối mặt với cuộc chiến khó khăn trong việc thuyết phục người dân tin tưởng vào các loại vaccine đã được cấp phép hiện nay tại Mỹ để đi chủng ngừa.
Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy những người theo đảng Cộng hòa có khả năng ít muốn tiêm vaccine ngừa Covid-19 hơn những người theo đảng Dân chủ.
Kết quả cuộc thăm dò dư luận của PBS Newshour / NPR / Marist được công bố ngày 11/3 cho thấy, 41% thành viên đảng Cộng hòa cho biết sẽ không tiêm vaccine ngừa COVID-19, trong khi kết của cuộc thăm dò do CBS News thực hiện vào cuối tháng trước cho thấy 34% thành viên viên Cộng hòa nói rằng họ sẽ không tiêm vaccine ngừa Covid-19.
Sự khác biệt trong quan điểm cho thấy đây là vấn đề nan giải đối với chính quyền của Tổng thống Joe Biden trong việc thuyết phục những người bảo thủ ủng hộ mạnh mẽ cựu Tổng thống Donald Trump để tiêm vaccine ngừa Covid-19.
Ngoài ra, nhóm người Mỹ gốc Phi, người gốc Tây Ban Nha và các cộng đồng người thiểu số cũng cho thấy sự do dự đối với việc tiêm phòng Covid-19.
Theo trang tin Euractiv.ro ngày 12/3, Romania sẽ bước vào giai đoạn 3 của chương trình tiêm chủng sớm hơn dự kiến, vào ngày 15/3 tới, do nhận được nhiều vaccine hơn so với kế hoạch ban đầu.
Thủ tướng Romania Florin Citu đã xác nhận thông tin trên đồng thời cho biết, theo kế hoạch ban đầu, Romania dự kiến nhận được 2,4 triệu liều vào cuối tháng này, nhưng nước này sẽ nhận được gần 2,6 triệu liều chỉ trong tháng 3.
Cụ thể, Romania sẽ nhận thêm 170.000 liều vaccine Pfizer/BioNTech trong số 4 triệu liều bổ sung từ Ủy ban châu Âu. Theo ông Citu, nước này sẽ chủ yếu sử dụng vaccine Pfizer/BioNTech trong tháng tới, vì Romania dự kiến sẽ nhận được 3 triệu liều vaccine này vào tháng 4/2021.
Romania đã bắt đầu chiến dịch tiêm chủng ngừa Covid-19 vào cuối tháng 12 năm ngoái, với giai đoạn đầu tiên tập trung vào các chuyên gia y tế và giai đoạn 2 dành cho những người lớn tuổi, những người dễ bị tổn thương và những người lao động trong các lĩnh vực thiết yếu.
Ngày 12/3, Ủy ban Liên bang về Phòng chống các nguy cơ y tế của Mexico (Cofepris) đã phê duyệt sử dụng khẩn cấp thuốc Remdisivir trong điều trị bệnh nhân Covid-19, sau khi đánh giá chất lượng, tính an toàn và hiệu quả của loại thuốc này.
Cơ quan y tế Mexico khuyến cáo người dân không được tự ý dùng thuốc Remdisivir khi chưa có chỉ định của bác sỹ. Remdisivir là thuốc điều trị bệnh viêm gan C, nhưng có tác dụng ngăn chặn virus SARS-CoV-2 tái tạo. Các nghiên cứu chỉ ra rằng sử dụng Remdisivir trong điều trị giúp rút ngắn thời gian nằm viện của bệnh nhân Covid-19.
Mexico hiện đứng thứ 3 thế giới về số ca tử vong do COVID-19, với hơn 193.000 ca; trong khi số ca mắc vượt 2,15 triệu người.
Chính phủ Nhật Bản dự định sẽ giới hạn số lượng người nhập cảnh vào nước này ở mức 2.000 người/ngày, nhằm ngăn chặn sự xâm nhập của các biến thể mới của virus SARS-CoV-2.
Phát biểu trên Đài truyền hình NHK, Bộ trưởng Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản (MLIT) Kazuyoshi Akaba cho biết chính phủ dự định sẽ kiểm soát số lượng người tới Nhật Bản để có thể thực hiện các biện pháp kiểm dịch một cách thích đáng.
Theo Bộ trưởng Akaba, MLIT đã đề nghị các hãng hàng không hợp tác trong đề xuất này. Cho đến nay, hai hãng hàng không lớn nhất Nhật Bản là All Nippon Airways (ANA) và Japan Airlines đã nhất trí sẽ giới hạn số lượng hành khách nhập cảnh vào nước này trên các chuyến bay ở mức 3.400 người/tuần.
Trước đó, các hãng hàng không lớn của Nhật Bản đã thông báo tạm dừng việc nhận đặt vé trên các chuyến bay tới Nhật Bản.
(tổng hợp)