Cập nhật Covid-19 ngày 15/5: Gần 3,4 triệu ca tử vong; Phát hiện điểm yếu của SARS-CoV-2; WHO cảnh báo nguy cơ chết chóc kinh hoàng hơn
Theo trang thống kê Worldometers.info, tính đến 8h30' ngày 15/5 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 162.520.833 ca nhiễm SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19, trong đó có 3.370.772 ca tử vong do Covid-19. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 140.382.678 người.
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 599.313 ca tử vong trong tổng số hơn 33 triệu bệnh nhân. Tiếp đó là Ấn Độ với 24.372.243 ca nhiễm và 266.229 ca tử vong. Brazil đứng thứ ba với 15.521.313 ca nhiễm và 432.785 bệnh nhân không qua khỏi.
Châu Mỹ
Tại Mỹ, các quy định đeo khẩu trang đang được nới lỏng với những người đã tiêm phòng đầy đủ, một biện pháp được công bố trong hướng dẫn mới của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) nước này.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điều cần được giải đáp xung quanh hướng dẫn mới như cách thức triển khai hay định nghĩa thế nào là tiêm phòng đầy đủ. Lại một lần nữa nội bộ Mỹ rơi vào cảnh "mạnh ai nấy làm", thiếu một chính sách nhất quán, vốn từng đẩy quốc gia này vào "chảo lửa" Covid-19 hồi đầu năm 2020.
Một số bang tại Mỹ ngay từ đầu đã không áp dụng quy định đeo khẩu trang bắt buộc, một số bang lại dỡ bỏ quy định trước cả khi CDC Mỹ có hướng dẫn mới và một số bang khác vẫn đang đánh giá số liệu trong khi Maryland và Virginia lập tức làm theo hướng dẫn mới của cơ quan chức năng.
Hơn 580.000 người Mỹ tử vong vì Covid-19 nhưng cũng đã có khoảng 60% dân số nước này được tiêm ít nhất một mũi vaccine phòng bệnh, trong khi số ca mắc mới có chiều hướng giảm nhanh, đối tượng tiêm phòng được mở rộng ra cả nhóm trẻ em.
Về vấn đề này, ngày 14/5, WHO cũng cho rằng, những người đã tiêm phòng vẫn nên đeo khẩu trang tại những khu vực vẫn còn tình trạng lây nhiễm. Các quan chức của WHO đều cho rằng các nước cần cân nhắc kỹ về việc dỡ bỏ các biện pháp nhằm kiểm soát lây nhiễm, như đeo khẩu trang, đồng thời cảnh báo nguy cơ xuất hiện thêm những biến thể mới của virus.
Nhà khoa học trưởng của WHO Soumya Swaminathan khẳng định hiện có quá ít quốc gia đủ điều kiện để dỡ bỏ những biện pháp này.
Brazil đã bắt đầu triển khai chương trình tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho các vận động viên, huấn luyện viên, phóng viên và các thành viên đi theo đoàn thể thao của nước này tham dự Olympic Tokyo dự kiến diễn ra vào tháng 7 tới. Các bác sĩ ở 6 thành phố của Brazil đã tiêm vaccine cho nhóm đầu tiên gồm 1.800 người sắp tham gia sự kiện thể thao lớn này.
Châu Âu
Thủ tướng Anh Boris Johnson bày tỏ quan ngại trước sự xuất hiện của biến thể mới của virus SARS-CoV-2 phát hiện lần đầu tại Ấn Độ, biến thể B1.617.2, vốn được cho là một phần nguyên nhân chính dẫn tới làn sóng dịch bệnh tồi tệ tại quốc gia này.
Thủ tướng Johnson không loại trừ khả năng việc B1.617.2 xâm nhập vào Anh sẽ khiến quá trình mở cửa trở lại nền kinh tế và xã hội tại nước này bị gián đoạn một cách nghiêm trọng. Bộ Y tế Anh đã phát hiện ra biến thể trên tại vùng Tây Bắc xứ England và ở thủ đô London. Thủ tướng Johnson cho biết chính phủ sẽ dựa vào những dữ liệu đánh giá chính thức về mức độ nguy hiểm của biến thể này để đưa ra quyết định về các bước tiếp theo trong tiến trình mở cửa trở lại.
Hiện giới khoa học tin rằng, biến thể B1.617.2 lây lan nhanh hơn nhưng chưa xác định được cụ thể nhanh hơn bao nhiều lần so với virus gốc. Trong khi đó, một số quốc gia trong châu lục như Hy Lạp, Pháp và Tây Ban Nha đã khởi động mùa du lịch Hè với hy vọng bù đắp cho một năm 2020 ảm đạm.
Đức đã đưa Anh trở lại danh sách nguy cơ lây nhiễm cao do lo ngại sự lây lan của biến thể virus SARS-CoV-2 phát hiện ở Ấn Độ - biến thể B.1.617.2.
Tuy nhiên, du khách từ Anh tới Đức có thể được miễn cách ly theo quy định mới. Viện dịch tễ Robert Koch (RKI) của Đức đưa Vương quốc Anh và Bắc Ireland trở lại danh sách các nước có nguy cơ sau khoảng một tháng. RKI cho biết, sự xuất hiện của biến thể B.1.617.2 tại Anh đang đặt ra thách thức mới, do biến thể này có tốc độ lây nhiễm nhanh hơn virus gốc và đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa vào danh sách "biến thể đáng quan ngại".
Mặc dù đưa Anh vào danh sách có nguy cơ lây nhiễm cao nhưng theo quy định mới của Đức, những người chưa tiêm chủng mà có kết quả xét nghiệm âm tính được thực hiện trước khi bay từ Anh đến Đức vẫn sẽ được miễn cách ly.
Những người đã được tiêm chủng đầy đủ hoặc có thể chứng minh đã khỏi bệnh cũng nằm trong diện được miễn. Ngoài ra, RKI đưa Nepal vào danh sách các nước/khu vực có "biến thể đáng quan ngại", cùng nhóm với Ấn Độ, Brazil và Nam Phi. Những người từ các nước này tới Đức sẽ phải chịu những quy định hạn chế nghiêm ngặt, kể cả đã tiêm vaccine vẫn phải cách ly đủ 14 ngày.
Trong khi đó, từ ngày 25/5 tới, Nga sẽ nối lại dịch vụ vận tải đường không với các nước Iceland, Malta, Mexico, Bồ Đào Nha và Saudi Arabia. Cơ quan ứng phó dịch covid-19 của chính phủ Nga đã đưa ra quyết định trên dựa trên tình hình dịch bệnh ở các nước nói trên và dựa trên cơ sở đánh giá chung.
Châu Á
Không khí đang đè nặng xã hội Nhật Bản, khi chính phủ nước này buộc phải mở rộng tình trạng khẩn cấp vì đại dịch ra 3 vùng khác trên cả nước.
Như vậy, trong bối cảnh chỉ còn 10 tuần nữa là khai mạc Đại hội Thể thao thế giới Olympic, tình hình dịch bệnh tại nước chủ nhà vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện. Trong khi, thủ đô Tokyo và một số khu vực đã áp dụng lệnh tình trạng khẩn cấp tới hết tháng 5/2021 thì 3 tỉnh khác cũng có các địa điểm thi đấu là Hiroshima, Okayama và Bắc Hokkaido tiếp tục bị đưa vào danh sách áp dụng biện pháp này.
Ấn Độ hiện đang là điểm nóng của dịch bệnh toàn cầu với số ca mắc mới mỗi ngày cao trong thời gian gần đây ghi nhận riêng tại quốc gia Nam Á đã gần bằng tổng số ca mắc mới ghi nhận ở những khu vực còn lại trên thế giới. Hiện số ca tử vong vì dịch bệnh tại Ấn Độ cũng đã vượt mức 260.000 người. Ngày 14/5, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cảnh báo dịch bệnh đang lây lan mạnh tới các vùng nông thôn rộng lớn của nước này.
Ngày 15/5, Hàn Quốc đã thông báo trong 24 giờ qua đã ghi nhận thêm 681 trường hợp nhiễm mới Covid-19, nâng tổng số bệnh nhân tại nước này lên 131.061 người. Số ca nhiễm mới một ngày trước đó là 747 ca. Tính trung bình, số ca nhiễm mới mỗi ngày trong tuần qua tại Hàn Quốc là 617 người. Các cơ quan chức năng Hàn Quốc đã tiến hành xét nghiệm cho hơn 9,31 triệu người, trong đó hơn 9 triệu người đã có kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh và 99.216 người đang được kiểm tra.
Kể từ khi Hàn Quốc tiến hành đợt tiêm chủng đại trà từ ngày 26/2, đã có 3.731.221 người dân tại Hàn Quốc được tiêm vaccine ngừa Covid-19, trong đó 905.420 người đã được tiêm đủ liều.
* Các nhà nghiên cứu tại Viện công nghệ liên bang ETH Zurich của Thụy Sĩ đã phát hiện ra một điểm yếu quan trọng của virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19. Đó là sự nhân lên của virus trong các tế bào bị nhiễm bệnh có thể giảm đáng kể nếu quá trình sản xuất protein quan trọng của nó bị gián đoạn.
Khám phá này, được các nhà khoa học mô tả là "gót chân Achilles của virus SARS-CoV-2", có thể dẫn đến việc phát triển các loại thuốc kháng virus mà cũng có thể điều trị các loại virus corona có liên quan.
Điểm kỳ diệu xuất phát từ "chuyển đổi khung". Trong quá trình đọc từng bước bản thiết kế từ axit ribonucleic (phân tử polyme cơ bản có nhiều vai trò sinh học trong mã hóa, dịch mã, điều hòa, và biểu hiện của gene - RNA), ribosome (bộ máy sản xuất protein của chính tế bào) đôi khi “đếm sai” và bỏ qua các chữ cái. Điều này hiếm khi xảy ra ở các tế bào khỏe mạnh vì trình tự được đọc và sao chép không chính xác dẫn đến các protein bị rối loạn chức năng.
Tuy nhiên, một số loại virus như virus corona hoặc HIV dựa vào sự thay đổi như vậy trong khung đọc để điều chỉnh việc sản xuất protein của chúng. Tuyên bố của nhóm nghiên cứu ngày 13/5 cho rằng, virus SARS-CoV-2 tạo sự chuyển đổi khung bằng cách gấp RNA của nó theo một cách bất thường và phức tạp.
Do dịch chuyển khung là điều cần thiết đối với virus nhưng nó hầu như không bao giờ xảy ra trong cơ thể chúng ta, bất kỳ hợp chất nào ức chế chuyển đổi khung bằng cách nhắm mục tiêu vào nếp gấp RNA này có thể hữu ích như một loại thuốc chống lại sự lây nhiễm.
Cho đến nay, vẫn còn thiếu thông tin chính xác về sự tương tác của RNA với ribosome của tế bào chủ bị nhiễm bệnh trong quá trình chuyển đổi khung. Nhưng các nhà nghiên cứu tại ETH Zurich và các trường Đại học Bern, Lausanne và Cork (Ireland) hiện đã thành công trong việc quan sát quá trình này.
Sử dụng các thí nghiệm sinh hóa phức tạp, họ có thể nắm bắt được ribosome tại vị trí chuyển khung của RNA SARS-CoV-2. Sau đó, các nhà khoa học có thể kiểm tra phức hợp phân tử này bằng cách sử dụng kính hiển vi điện tử nghiệm lạnh.
Các nhà khoa học cũng tiến xa hơn một bước và cố gắng tác động đặc biệt đến quá trình bằng các chất hóa học. Họ đã tìm thấy hai hợp chất hóa học làm giảm sự nhân lên của virus từ 1.000 đến 10.000 lần - mà không gây độc cho các tế bào được điều trị bằng các hợp chất hóa học này. Mặc dù những hợp chất này hiện không đủ mạnh để sử dụng làm thuốc điều trị, nhưng nghiên cứu đã chứng minh, việc ức chế quá trình chuyển dịch khung của ribosome có ảnh hưởng sâu sắc đến sự nhân lên của virus. Điều này mở đường cho sự phát triển của các hợp chất tốt hơn mà cuối cùng có thể được sử dụng trong điều trị tất cả các loại virus corona.
Nenad Ban, Giáo sư Sinh học Phân tử tại ETH Zurich và là đồng tác giả của nghiên cứu cho biết: “Công việc trong tương lai của chúng tôi sẽ tập trung vào việc tìm hiểu các cơ chế bảo vệ tế bào ngăn chặn sự chuyển đổi khung của virus, vì điều này có thể hữu ích cho sự phát triển của các hợp chất nhỏ có hoạt tính tương tự
* Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cảnh báo rằng trong năm thứ hai đại dịch Covid-19 hoành hành này, tình hình sẽ tồi tệ hơn.
Phát biểu ngày 14/5, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, các chuyên gia của của tổ chức đang thiên về đánh giá trong năm thứ hai này, đại dịch Covid-19 sẽ gây ra chết chóc nhiều hơn năm đầu tiên. Tính đến nay, sau hơn một năm bùng phát, đại dịch đã khiến gần 3,4 triệu người trên thế giới tử vong.
(theo TTXVN)