Cập nhật Covid-19 ngày 25/11: Toàn cầu vượt 60 triệu ca nhiễm, số người mắc bệnh ở Hàn Quốc tăng mạnh; Tiếp tục tin vui về vaccine
Theo trang thống kê Worldometers, đến nay, số ca nhiễm Covid-19 toàn cầu đã vượt ngưỡng 60 triệu, trong đó có hơn 41,5 triệu người đã bình phục.
Toàn cầu có đến 1.413.793 trường hợp nhiễm Covid-19 không qua khỏi, trong khi có 103.449 bệnh nhân nặng, nguy kịch.
Mỹ vẫn đang là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất của dịch bệnh với 12.955.007 ca nhiễm, trong đó có 265.891 ca tử vong. Tiếp đến là Ấn Độ với 9.221.998 ca nhiễm, trong đó có 134.743 ca tử vong và Brazil với 170.179 ca tử vong trên tổng số 6.121.449 ca nhiễm.
* Châu Âu hiện đang là tâm dịch Covid-19 của thế giới với hơn 16 triệu ca nhiễm, trong đó có 365.639 ca tử vong.
Ngày 24/11, Bộ Y tế Italy cho biết trong 24 giờ qua đã ghi nhận thêm 853 ca tử vong, mức cao nhất kể từ khi làn sóng dịch bệnh thứ hai bùng phát và cũng là mức tăng mạnh nhất so với giai đoạn đỉnh điểm cuối tháng 3 (969 ca tử vong trong ngày 27/3). Cũng trong 24 giờ qua, nước này đã có thêm 23.232 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca mắc bệnh lên 1.455.022.
Italy hiện là quốc gia ghi nhận số ca tử vong do Covid-19 cao nhất châu Âu, với 51.306 ca sau khi đại dịch bùng phát hồi tháng 2. Kể từ khi làn sóng thứ hai bùng phát, số ca mắc Covid-19 nhập viện đã gia tăng nhanh chóng trong giai đoạn nửa đầu tháng 11, trung bình khoảng 1.000 người mỗi ngày, trong khi số ca phải chăm sóc tích cực tăng khoảng 100 ca mỗi ngày.
Tại Pháp, Tổng thống Emmanuel Macron tuyên bố các cửa hàng sẽ được phép mở lại vào ngày 15/12 tới sau nhiều tuần đóng cửa, tuy nhiên sẽ vẫn duy trì một số biện pháp hạn chế tránh để làn sóng dịch bệnh tái bùng phát, dẫn tới nguy cơ phải tái áp đặt lệnh phong tỏa.
Theo giới chức y tế, làn sóng dịch bệnh thứ hai đã lên tới đỉnh điểm vào tuần trước, hiện số ca nhiễm, trường hợp nhập viện và cần điều trị tích cực đều đã đồng loạt giảm, trong khi số ca tử vong duy trì ở mức ổn định.
* Tại châu Mỹ, chính phủ Colombia thông báo bà Maria Juliana Ruiz, phu nhân của Tổng thống Ivan Duque đã có xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19. Tổng thống Duque cũng đã được xét nghiệm nhưng cho kết quả âm tính.
Ngày 24/11, Trung tâm Phòng và kiểm soát dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết, đang cân nhắc rút ngắn thời gian tự cách ly khuyến cáo sau khi phơi nhiễm virus SARS-CoV-2. Thời điểm cách ly được khuyến cáo hiện nay là 14 ngày, song một quan chức y tế cấp cao của Mỹ cho biết: "Có bằng chứng cho thấy thời gian này có thể được rút ngắn nếu bệnh nhân được xét nghiệm trong thời gian cách ly".
The Wall Street Journal cho biết, thời gian này có thể từ 7-10 ngày và phải tiến hành xét nghiệm với kết quả người cách ly không nhiễm bệnh.
Chính quyền bang Louisiana, thông báo sẽ siết chặt các biện pháp hạn chế trước kỳ nghỉ lễ Tạ ơn sắp tới. Theo đó, bang Louisiana sẽ quay trở lại giai đoạn hai kể từ ngày 25/11 để khống chế dịch bệnh và giai đoạn này sẽ có hiệu lực trong 28 ngày.
Các biện pháp hạn chế trong giai đoạn này bao gồm giới hạn các nhà hàng, cửa hàng bán lẻ hoạt động với 50% công suất, các gia đình không được phép tụ tập với người bên ngoài.
Thông báo này được đưa ra sau khi số ca nhiễm tại bang miền Nam nước Mỹ tăng liên tiếp trong nhiều tuần, đặc biệt số ca nhiễm mới đã tăng mạnh trong tháng 11.
* Tại châu Á, số ca nhiễm toàn châu lục đã xấp xỉ 16 triệu, ở mức 15.990.428, trong đó có 281.546 bệnh nhân tử vong.
Ngày 25/11, số ca mắc Covid-19 mới ở Hàn Quốc đã lên tới 382 ca do lây nhiễm lẻ tẻ trên khắp đất nước, khiến các cơ quan y tế phải xem xét áp dụng các biện pháp chống dịch cứng rắn hơn trên toàn quốc.
Theo Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), trong số 382 ca mới phát hiện, có 363 ca lây nhiễm trong nước.
Giới chức y tế Hàn Quốc kêu gọi hành động mạnh mẽ hơn chống Covid-19 trước kỳ thi đại học trên toàn quốc vào ngày 3/12, đồng thời cảnh báo đang diễn ra làn sóng lây nhiễm thứ 3 từ các tụ điểm tư nhân, cơ sở công cộng, bệnh viện và quân đội.
* Liên quan vaccine ngừa Covid-19, ngày 24/11, Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ Alex Azar cho biết, Mỹ có thể bắt đầu phân phối các loại vaccine ngay sau ngày 10/12.
Ông Azar đồng thời bày tỏ tin tưởng có thể phân phối vaccine cho tất cả 64 khu vực có thẩm quyền trong vòng 24 giờ kể từ khi Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cho phép.
Tại Nga, Phó Thủ tướng Tatyana Golikova cho biết, nước này dự kiến triển khai một chương trình tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 đại trà vào năm 2021, ưu tiên đội ngũ nhân viên y tế, giáo viên và những cá nhân có nguy cơ mắc bệnh cao.
Tổng thống Pháp Macron cùng ngày cho biết, sẽ triển khai chương trình tiêm vaccine ngừa Covid-19 sớm nhất là vào cuối năm nay và đầu năm tới, nếu nhà chức trách phê duyệt việc sử dụng vaccine. Nhóm người dễ bị tổn thương nhất, trong đó có người lớn tuổi, sẽ được ưu tiên tiêm trước. Tuy nhiên, việc tiêm phòng sẽ không bắt buộc.
Trong khi đó, tại Thái Lan, Giám đốc Viện vaccine quốc gia (NVI) Nakhon Premsri cho biết, người dân nước này sẽ nhận được liều vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên do công ty dược phẩm AstraZeneca và Đại học Oxford phát triển sớm nhất vào giữa năm 2021.
(tổng hợp)