Cập nhật Covid-19 ngày 8/3: Số ca mắc ở Campuchia vượt 1.000 người; Hơn 300 triệu dân đã tiêm vaccine; Xuất hiện thuốc làm giảm mạnh mật độ virus
Theo trang thống kê Worldometers, đến nay, toàn cầu ghi nhận hơn 117,4 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó có 2,6 triệu ca tử vong và xấp xỉ 93 triệu bệnh nhân bình phục.
* Tại châu Mỹ, đến nay ghi nhận tổng cộng hơn 51,6 triệu ca mắc bệnh Covid-19, trong đó có hơn 1,2 triệu ca tử vong. Châu Mỹ hiện là khu vực có số ca nhiễm cao nhất thế giới, chiếm hơn 44% tổng số ca bệnh toàn cầu.
Bộ Y tế Mexico cho biết đã ghi nhận thêm 2.734 ca mắc mới và 247 ca tử vong, nâng tổng số ca lần lượt lên 2.128.600 ca và 190.604 ca.
Nhà sản xuất dược phẩm Mỹ Merck&Co Inc cho biết, loại thuốc kháng virus mang tên molnupiravir mà họ đang phối hợp phát triển cùng với công ty công nghệ sinh học Ridgeback cho thấy có tác dụng làm giảm nhanh chóng mật độ virus SARS-CoV-2 trong giai đoạn nghiên cứu 2a ở những người tham gia thử nghiệm mới mắc Covid-19.
Thuốc molnupiravir đang được thử nghiệm ở giai đoạn 2 và 3 vốn được dự kiến hoàn tất vào tháng 5.
* Đến nay, châu Âu ghi nhận hơn 35,1 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó 835.001 ca tử vong.
Anh ghi nhận thêm 5.177 ca mắc trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 4.218.520 ca. Số ca tử vong tại Anh tăng thêm 82 ca lên 124.501 ca.
Pháp công bố 21.825 ca mắc mới ngày 7/3, giảm so với 23.306 ca mắc mới một ngày trước đó, nâng tổng số ca mắc lên 3.904.233 ca.
Quốc gia Tây Âu này cũng ghi nhận thêm 130 ca tử vong, nâng tổng số ca không qua khỏi tại đây lên 88.574 ca. Đến nay, đã có 3.772.579 người tại Pháp được tiêm mũi vaccine đầu tiên ngừa Covid-19.
Bộ Y tế Italy thông báo, 207 ca tử vong cùng ngày, tăng so với 307 ca một ngày trước trong khi số ca mắc mới trong ngày đã giảm từ 23.641 ca một ngày trước xuống 20.765 ca. Như vậy, đến nay Italy đã ghi nhận tổng cộng 3.067.486 ca mắc, trong đó có 99.785 ca tử vong.
Hãng tin Bloomberg cảnh báo, Liên minh châu Âu (EU) có thể mất tới 100 tỷ Euro do chậm tiêm vaccine ngừa Covid-19.
Cụ thể, bài viết của Bloomberg nhận định: “Theo tính toán của Bloomberg Economics, việc trì hoãn mở lại kinh doanh trong 1 hoặc 3 tháng có thể khiến nền kinh tế EU thiệt hại từ 50 đến 100 tỷ Euro”.
Các nhà đầu tư lo ngại sự chậm trễ trong tiêm chủng có thể làm trì hoãn quá trình phục hồi nền kinh tế, cũng như hoạt động kinh doanh ở châu Âu.
* Tại châu Á, khu vực ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 cao thứ 3 thế giới, đến nay đã có hơn 25,5 triệu bệnh nhân, trong đó có 404.212 ca tử vong.
Ấn Độ, quốc gia có số ca bệnh cao nhất khu vực, đến nay ghi nhận gần 11,23 triệu ca nhiễm bệnh.
Chính quyền thành phố Aurangabad thuộc bang miền Tây Maharashtra của Ấn Độ thông báo, bắt đầu từ ngày 11/3 tới sẽ áp đặt lệnh phong tỏa một phần vào các ngày trong tuần và phong tỏa hoàn toàn vào các ngày cuối tuần do số ca mắc tại đây tăng mạnh.
Đến nay, thành phố Aurangabad - điểm đến du lịch nổi tiếng với nhiều địa điểm lịch sử, trong đó có Di sản văn hóa thế giới là các hang động Ajanta và Ellora - ghi nhận 37.637 ca mắc với 938 ca tử vong. Hiện chính quyền thành phố đang áp đặt lệnh giới nghiêm ban đêm từ 23h-6h.
Ngày 8/3, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc thông báo, Trung Quốc đại lục ghi nhận thêm 19 ca mắc mới ngày 7/3, đều là các ca nhập cảnh và không có thêm ca tử vong.
Trong khi đó, nước này cũng công bố thêm 9 bệnh nhân được chữa khỏi bệnh và xuất viện. Tính đến hết ngày 7/3, Trung Quốc đại lục có tổng cộng 89.994 ca mắc, trong đó có 4.636 ca tử vong, 85.175 người bình phục.
Cùng ngày, số ca mắc mới trong ngày ở Hàn Quốc đã giảm trở lại mức dưới 400 ca, có thể là do số lượng mẫu bệnh phẩm được xét nghiệm ít hơn vào cuối tuần.
Cụ thể, Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (KDCA) công bố thêm 346 ca mắc, trong đó có 335 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc bệnh lên 92.817 ca. Trước đó, số ca mắc mới đã tăng lên trên 400 ca/ngày trong 2 ngày liên tiếp, với 418 ca ngày 6/3 và 416 ca ngày 7/3.
Cũng theo KDCA, số ca tử vong tại Hàn Quốc tăng thêm 8 ca lên 1.642 ca. Tỷ lệ tử vong tại nước này hiện là 1,77%.
Tại Campuchia, đến nay, số ca mắc Covid-19 đã nhanh chóng vượt ngưỡng 1.000 người hơn hai tuần sau "Sự kiện lây nhiễm cộng đồng ngày 20/2".
Trong thông điệp chiều 7/3, Thủ tướng Campuchia Hun Sen thông báo dừng hoạt động cách ly quy mô lớn tại khu vực biên giới Campuchia-Thái Lan và trả về các làng, xã để quản lý vì tình hình lây nhiễm cộng đồng tại nước láng giềng đã được kiểm soát.
Hiện nay, nhiều địa phương tại Campuchia đối mặt với nguy cơ bùng phát dịch Covid-19 sau khi "Sự cố lây nhiễm cộng đồng ngày 20/2" ở thủ đô Phnom Penh chính thức lan ra 5 tỉnh gồm Preah Sihanouk, Kandal, Svay Rieng, Kampong Thom và Prey Veng.
Trong ngày 7/3, Bộ Y tế Campuchia đã phải cho tạm ngừng chiến dịch tiêm chủng vaccine Astra Zeneca tại thủ đô Phnom Penh và hai tỉnh Kandal, Preah Sihanouk do quá tải về số lượng người muốn tiêm chủng.
Bộ Y tế cho biết, đến ngày 10/3 sẽ nối lại kế hoạch tiêm chủng này sau khi chính quyền mỗi địa phương thu thập đủ danh tính những người trên 60 tuổi và sẽ lập kế hoạch triển khai theo từng ngày, tránh tình trạng người đổ xô về các trung tâm tiêm chủng.
* Liên quan tình hình tiêm chủng vaccine Covid-19, theo ước tính của hãng TASS dựa trên các báo cáo truyền thông, chính phủ và chuyên gia, đến nay, khoảng 301,4 triệu người đã được tiêm chủng, tương ứng 3,8% dân số, cao hơn 2,5 lần so với số ca mắc Covid-19.
Trước đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, khoảng 70% dân số toàn cầu nên được tiêm chủng để đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng. Tỷ lệ tiêm chủng đã tăng lên 7,4 triệu lượt tiêm mỗi ngày trong tuần này, so với 4,4 triệu lượt tiêm chủng hàng ngày vào thời điểm cuối tháng 2 vừa qua.
5 quốc gia hàng đầu chiếm tới 50% tổng số cá nhân được tiêm chủng. Hơn 90 triệu người đã được tiêm vaccine ở Mỹ, 52,5 triệu ở Trung Quốc, khoảng 23 triệu ở Vương quốc Anh, 20,7 triệu ở Ấn Độ và 10,6 triệu ở Brazil.
Israel đứng đầu danh sách về tỷ lệ dân số được tiêm chủng (hơn 97%). Seychelles giữ vị trí thứ hai (84,5%) và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đứng thứ ba (65%).
Trong khi đó, Nhật Bản cho biết, có thể sẽ cấp phép lưu hành vaccine khác vào tháng 5 và sẵn sàng xem xét việc cấp phép lưu hành vaccine 1 liều của Johnson & Johnson, nếu hãng nộp đơn lên các cơ quan chức năng của nước này.
Ngày 7/3, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Trung Quốc thông báo, một loại vaccine tái tổ hợp do nước này phát triển mới được cấp phép sử dụng tại Uzbekistan, hứa hẹn trở thành một công cụ hữu hiệu khác nhằm giúp đẩy lùi đại dịch Covid-19.
* Về thuốc điều trị Covid-19, ngày 6/3, nhà sản xuất dược phẩm Mỹ Merck&Co Inc cho biết, loại thuốc kháng virus mang tên molnupiravir mà họ đang phối hợp phát triển cùng với công ty công nghệ sinh học Ridgeback có tác dụng làm giảm nhanh chóng mật độ virus SARS-CoV-2 trong giai đoạn nghiên cứu 2a ở những người tham gia thử nghiệm mới mắc bệnh Covid-19.
Thuốc molnupiravir hiện đang được thử nghiệm ở giai đoạn 2/3, dự kiến hoàn tất vào tháng 5.
(tổng hợp)