Cập nhật dịch COVID-19 sáng 24/7: Bắc Mỹ bị ảnh hưởng nặng nhất thế giới
Theo trang thống kê worldometers.info, đến 7h30 sáng 24/7 thế giới đã ghi nhận tổng cộng 1.639.705 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 635.597 ca tử vong. Khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là Bắc Mỹ.
Theo trang thống kê worldometers.info, đến 7h30 sáng 24/7 thế giới đã ghi nhận tổng cộng 1.639.705 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 635.597 ca tử vong. Số người bình phục là 9.528.282 người.
Khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất đến nay là Bắc Mỹ, với 4.878.304 ca nhiễm, và 203.093 ca tử vong. Tiếp đó là châu Á với 3.675.108 ca nhiễm và 85.939 ca tử vong.
Nam Mỹ ghi nhận 3.543.591 ca nhiễm và 129.132 ca tử vong, trong khi con số này ở châu Âu lần lượt là 2.735.015 và 200.507 ca. Châu Phi và châu Đại Dương tình trạng dịch bệnh lần lượt là 791.968 ca nhiễm và 16.756 ca tử vong ở châu Phi và 14.998 ca nhiễm và 155 ca tử vong ở châu Đại Dương.
Mỹ hiện ghi nhận nhiều ca nhiễm và tử vong nhất thế giới, với 4.169.152 ca nhiễm và 147.297 ca tử vong. Ngày 23/7 là ngày thứ ba liên tiếp Mỹ ghi nhận hơn 1.000 ca tử vong.
Các bệnh viện ở California, Florida và Texas đã quá tải. Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết sẽ không có những hoạt động tổ chức Đại hội Quốc gia của đảng Cộng hòa tại Jacksonville thuộc bang Florida. Ông khẳng định trọng tâm là bảo vệ người dân Mỹ.
Trước đó, do những bất đồng với Thống đốc bang Carolina Bắc về quy mô tổ chức đại hội, đảng Cộng hòa đã quyết định chuyển một số sự kiện sang tổ chức tại bang Florida.
Tuy nhiên, hiện Florida đang là một trong những bang ghi nhận nhiều ca mắc trên cả nước Mỹ, với tổng số ca bệnh mới ghi nhận tăng vọt trong những ngày gần đây. Dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tái bùng phát cũng đã buộc chính quyền bang này phải tạm ngừng kế hoạch mở cửa trở lại các doanh nghiệp.
Tại châu Âu, Bỉ đã quyết định dừng áp dụng giai đoạn 5 dỡ bỏ cách ly xã hội nhằm tránh để tình hình trở nên xấu hơn. Công bố các biện pháp bổ sung sẽ được thực hiện cả ở cấp quốc gia cũng như địa phương, Thủ tướng Sophie Wilmès cho biết việc gia tăng các ca mới không phải điều quá bất thường trong quá trình dỡ bỏ các biện pháp cách ly xã hội, nhưng mọi diễn biến phải được đặt dưới sự kiểm soát và thận trọng tuyệt đối.
Theo quy định mới, người dân sẽ buộc phải đeo khẩu trang tại các chợ ngoài trời và lễ hội, phố mua sắm cũng như các khu vực đông người qua lại, không phân biệt nơi công cộng hay tư nhân (những khu vực này phải được chính quyền cấp quận xác định rõ). Sử dụng khẩu trang trở thành bắt buộc trong các tòa nhà công cộng nơi người dân có thể tiếp cận và trong nhà hàng, khách sạn, quán cà phê, quán bar, trừ những người ngồi cùng bàn.
Cùng ngày, vùng thủ đô Madrid của Tây Ban Nha khuyến nghị người dân đeo khẩu trang, thậm chí ngay ở trong nhà nếu tổ chức các cuộc gặp mặt hoặc tụ tập với những người không sống cùng.
Người đứng đầu cơ quan y tế vùng Madrid Enrique Ruiz Escudero nhấn mạnh việc đeo khẩu trang trong các cuộc tụ họp riêng tư tùy thuộc vào mỗi công dân, đồng thời công nhận rằng đa số người dân ở Madrid đều đeo khẩu trang khi ra ngoài dù đây không phải là điều bắt buộc.
Madrid là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất tại Tây Ban Nha. Tuy nhiên, trong những tuần qua, khu vực này lại ghi nhận số ca nhiễm thấp hơn so với 2 vùng Catalonia và Aragon, nơi có nhiều ổ dịch mới được phát hiện trong thời gian gần đây.
Tại Italy, chính phủ vừa thông qua đề xuất chi tiêu bổ sung 25 tỷ euro (29 tỷ USD) nhằm tiếp tục vực dậy nền kinh tế vốn đang bị ảnh hưởng nặng nề. Khoản kích thích trọn gói này sẽ giúp chính phủ thực hiện chương trình hỗ trợ số lao động buộc phải tạm thời nghỉ việc do dịch, cấp thêm các khoản trợ cấp cho chính quyền địa phương, giãn thời hạn nộp thuế cho cá nhân, doanh nghiệp và hỗ trợ các trường học với mục tiêu trẻ em, học sinh, sinh viên có thể đến trường trở lại vào tháng 9 tới.
Hiện, Chính phủ Italy vẫn chưa chính thức gia hạn tình trạng khẩn cấp liên quan đến đại dịch này. Nội các Italy về nguyên tắc đã nhất trí kéo dài tình trạng khẩn cấp đến ngày 31/10. Italy hiện là quốc gia có số ca tử vong cao nhất trong Liên minh châu Âu (EU), với 245.338 ca nhiễm, trong đó có 35.092 ca tử vong.
Về phần mình, Chính phủ Pháp cũng quyết định đầu tư 6,5 tỷ euro tạo việc làm cho giới trẻ hậu COVID-19. Kế hoạch được thực hiện trong 2 năm 2020 – 2021 với ưu tiên hàng đầu là hỗ trợ việc tuyển dụng những lao động từ 25 tuổi trở xuống. Đây được coi như là một trang mới trong nhiệm kỳ 5 năm của Tổng thống Emmanuel Macron, rất cụ thể và được triển khai đồng đều trên các vùng lãnh thổ. Chính phủ đưa kế hoạch việc làm cho giới trẻ trong cuộc khủng hoảng y tế trở thành biểu tượng chiến lược của cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.
Tại châu Phi, Nam Phi hiện là nước bị ảnh hưởng nhiều nhất, với 408.052 ca nhiễm và 6.093 ca tử vong. Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa tuyên bố bắt đầu từ ngày 27/7 sẽ tạm thời đóng cửa tất cả các trường phổ thông công lập trên cả nước trong 4 tuần. Trong khi đa số học sinh các khối phổ thông sẽ quay lại trường vào ngày 24/8, học sinh lớp 7 và lớp 12 - hai khối học cuối cấp - sẽ quay lại trường sớm hơn nhằm đảm bảo việc hoàn thành các kỳ thi tốt nghiệp.
Theo ông Ramaphosa, năm học có thể sẽ phải kéo dài đến năm 2021 do dịch. Nam Phi bước sang ngày thứ 119 áp dụng lệnh phong tỏa trên quy mô toàn quốc do dịch. Quốc gia 59 triệu dân này hiện đứng thứ 5 trong số các nước có nhiều ca mắc COVID-19 nhất thế giới./.