Cập nhật dịch COVID-19: TPHCM mua thêm 16 phòng áp lực âm, 30 máy thở

Ban Vận động, tiếp nhận và phân phối Quỹ Phòng chống dịch COVID-19 TPHCM đã thống nhất hỗ trợ hơn 41,3 tỷ đồng mua trang thiết bị y tế (đợt 1) gồm 16 phòng áp lực âm, 20 máy thở chức năng cao, 10 máy thở chức năng cao nâng cấp, 5.500 bộ Test Kit Covid-19…để nâng cao năng lực phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Trưa 14/4, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM đã tổ chức họp Ban Vận động, tiếp nhận và phân phối Quỹ Phòng chống dịch COVID-19 (gọi tắt: Ban Vận động) và Ban Cứu trợ TPHCM. Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Tô Thị Bích Châu chủ trì cuộc họp.

Tại cuộc họp, các thành viên Ban Vận động đã thống nhất hỗ trợ hơn 41,3 tỷ đồng mua trang thiết bị y tế (đợt 1) gồm 16 phòng áp lực âm, 20 máy thở chức năng cao, 10 máy thở chức năng cao nâng cấp, 5.500 bộ Test Kit COVID-19 và 2 xe cứu thương để nâng cao năng lực phòng chống, ứng phó với dịch bệnh.

Phòng áp lực âm dành điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19

Phòng áp lực âm dành điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19

Ban Vận động cũng thống nhất chi hỗ trợ hơn 1,5 tỷ đồng cho các y, bác sĩ, nhân viên y tế đang làm công tác phòng, chống dịch tại Bệnh viện huyện Cần Giờ và Bệnh viện dã chiến Củ Chi. Mỗi đơn vị được hỗ trợ 776 triệu đồng.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Triệu Lệ Khánh, từ ngày 20/3 đến nay, có 11 đơn vị ủng hộ Quỹ đề nghị cụ thể mua trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống dịch với số tiền hơn 44,1 tỷ đồng.

Có 3 đơn vị ủng hộ Quỹ đề nghị để hỗ trợ cho các y bác sĩ, nhân viên y tế đang làm công tác phòng, chống dịch nhưng không chỉ định cụ thể, với số tiền hơn 1,5 tỷ đồng.

Máy thở chức năng cao dành để điều trị cho các bệnh nhân nặng.

Máy thở chức năng cao dành để điều trị cho các bệnh nhân nặng.

Ngoài ra, Ban Cứu trợ TP đã hỗ trợ 5 tỷ đồng cho đồng bào bị thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn tại 5 tỉnh miền Tây (tỉnh Sóc Trăng, Cà Mau, Kiên Giang, Trà Vinh và Bạc Liêu, mỗi tỉnh 1 tỷ đồng).

Bà Triệu Lệ Khánh cho biết tính đến ngày 13/4, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM đã tiếp nhận được số tiền ủng hộ hơn 146,9 tỷ đồng. Trong số đó, hơn 128,4 tỷ đồng (gồm gần 108 tỷ đồng tiền mặt và hàng hóa trị giá hơn 20,5 tỷ đồng) ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19 và hơn 18,4 tỷ đồng ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn.

Từ số tiền ủng hộ trên, Ban Vận động đã chi hỗ trợ gần 2 tỷ đồng theo yêu cầu của đơn vị tài trợ (có chỉ định đơn vị nhận và đối tượng nhận hỗ trợ là các y, bác sĩ, nhân viên y tế); hỗ trợ gần 9 tỷ đồng cho 11.947 người bán vé số lưu động gặp khó khăn do tạm dừng phát hành xổ số kiến thiết; hỗ trợ thêm hơn 5 tỷ đồng cho 6.760 người bán vé số đang sinh sống trên địa bàn TP do tạm dừng phát hành xổ số kiến thiết (đợt 2)… với tổng số tiền hơn 36,5 tỷ đồng.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Tô Thị Bích Châu trao số tiền hỗ trợ mua trang thiết bị phòng chống dịch COVID-19. Ảnh SGGP

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Tô Thị Bích Châu trao số tiền hỗ trợ mua trang thiết bị phòng chống dịch COVID-19. Ảnh SGGP

Ngoài ra, Ban Vận động đã phân phối các thiết bị y tế, hàng hóa, nhu yếu phẩm, nước giải khát trái cây... với tổng giá trị hơn 20,5 tỷ đồng chuyển đến các cơ sở điều trị, các bệnh viện dã chiến, các khu cách ly tập trung, các y, bác sĩ, cán bộ y tế, cán bộ chiến sĩ, lực lượng tình nguyện, nhân viên phục vụ công tác phòng, chống dịch và những người cách ly.

Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Tô Thị Bích Châu yêu cầu các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục giám sát các chính sách hỗ trợ đến người dân, rà soát và đề xuất hỗ trợ đối với các trường hợp đoàn viên, hội viên khó khăn do bị tác động trực tiếp bởi dịch bệnh nhưng không thuộc diện hỗ trợ của Chính phủ và UBND TPHCM.

“TPHCM không để sót trường hợp nào gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COIVD-19 nhưng không được quan tâm, hỗ trợ”, bà Châu nhấn mạnh. (Huy Thịnh)

Huế: Xem xét xử phạt hai cơ sở lưu trú lén lút đón khách trong mùa dịch COVID-19

Ngày 14/4, tin từ UBND TP Huế cho biết, cơ quan chức năng đang củng cố hồ sơ xử phạt hai cơ sở lưu trú tại Huế do lén lút đón khách vào thời điểm cách ly xã hội phòng tránh COVID-19.

Theo đó, hai cơ sở đó là nhà nghỉ Ngọc Tùng (số 50/48 đường Ngô Quyền, phường Vĩnh Ninh) và Homestay Chic Studio (số 25 Bến Nghé, phường Phú Hội, TP Huế).

Theo cơ quan chức năng, các cơ sở này tổ chức đón khách đến lưu trú vào thời điểm dịch COVID-19. Trong khi, theo quy định của UBND tỉnh, tất cả các cơ sở lưu trú trên địa bàn chưa được phép mở cửa đón khách trở lại trong giai đoạn hiện nay. Khi có người đến lưu trú, các cơ sở đã đón khách “chui” không qua đăng ký lưu trú với Công an.

Đến chiều 14/4, Công an TP Huế đang hoàn thiện hồ sơ để trình UBND TP Huế ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hai cơ sở lưu trú này, với mức phạt dự kiến 7,5 triệu đồng mỗi trường hợp.

Trước đó, cơ sở kinh doanh karaoke Hoàng Tử (đường Điện Biên Phủ, phường Trường An, Huế) cũng bị xử phạt 7,5 triệu đồng do đón khách vào hát karaoke trong mùa dịch COVID-19. Thậm chí qua test nhanh, nhiều khách hát tại đây dương tính với ma túy. (Ngọc Văn)

Đà Nẵng: Kết quả xét nghiệm 58 người tiếp xúc với bệnh nhân 22 'tái nhiễm' COVID-19

Chiều 14/4, bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Đà Nẵng cho biết: đã xác định 58 người tiếp xúc gần với du khách người Anh trong thời gian cách ly sau khi chữa trị khỏi COVID-19 tại khách sạn Sam Grand. Kết quả xét nghiệm tất cả 58 người này đều âm tính với SARS-CoV-2.

Ngày 27/3, sau quá trình điều trị và 3 lần liên tiếp âm tính với SARS-CoV-2, nam du khách C. (quốc tịch Anh) được Bệnh viện Đà Nẵng làm thủ tục xuất viện và thực hiện cách ly 14 ngày theo quy định của Bộ Y tế. Địa điểm thực hiện cách ly là khách sạn Sam Grand (quận Sơn Trà) được Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố thống nhất, lựa chọn.

Ngày 10/4, sau khi hết thời hạn cách ly sau chữa trị theo quy định, du khách này bay vào TP Hồ Chí Minh để làm thủ tục xuất cảnh về nước. Cơ quan chức năng TP Hồ Chí Minh sau đó đã thông tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng, du khách này tiếp tục dương tính với SARS-CoV-2 sau thời gian điều trị và khỏi bệnh tại Đà Nẵng.

Sở Y tế TP ngày lập tức có văn bản báo cáo bộ Y tế và xin y kiến chỉ đạo. Đến nay, TP Đà Nẵng vẫn chưa nhận được văn bản chính thức của cơa quan chức năng TP Hồ Chí Minh thông tin về ca bệnh 22 này. Tuy nhiên, Đà Nẵng khẳng định đã thực hiện điều trị, cách ly theo đúng quy định của Bộ Y tế về phòng, chống COVID-19.

Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Đà Nẵng cho hay: ngay sau khi thông tin đăng tải, đã chủ động điều tra, giám sát và xác định những trường hợp tiếp xúc gần với du khách này để thực hiện cách ly, lấy mẫu xét nghiệm. Đến thời điểm hiện tại, có 58 người tiếp xúc gần với du khách này trong thời gian cách ly tại khách sạn được lấy mẫu và cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2. Trong số 58 người tiếp xúc gần với du khách này có 31 người phục vụ việc cách ly tại khách san Sam Gand, gồm công an, nhân viên hỗ trợ du lịch, nhân viên y tế, lái xe và 27 người khác là nhân viên làm việc tại sân bay quốc tế Đà Nẵng. Riêng tổ bay VN125 và toàn bộ hành khách đi cùng chuyến bay Đà Nẵng – TP Hồ Chí Minh hiện đã được quản lý tại TP. Hồ Chí Minh.

Đối với 58 trường hợp tiếp xúc gần âm tính với SARS-CoV-2, ngành y tế thành phố sẽ thực hiện cách ly 14 ngày (kể từ lần tiếp xúc cuối) tại các Trung tâm Y tế quận, huyện và CDC Đà Nẵng sẽ lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 một lần nữa trước khi kết thúc đợt cách ly.

Cùng ngày, liên quan đến thông tin “bệnh nhân 22 đã tái phát sau khi khỏi bệnh hoặc tái nhiễm ngay trong thời gian ở khu cách ly tại Đà Nẵng, vì nơi cách ly này có hồ bơi và có tổ chức tiệc tùng". Lãnh đạo Sở y tế TP Đà Nẵng cho hay: tại khu cách ly ở khách sạn Sam Grand không hề có hồ bơi, không tổ chức tiệc tùng và việc cách ly bệnh nhân 22 rất nghiêm ngặt. Sở đã có công văn đề nghị Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cung cấp thông tin cụ thể liên quan đến bệnh nhân 22 để làm rõ các vấn đề liên quan. (Nguyễn Thành)

Ninh Thuận: Tối 14/4 dỡ bỏ lệnh cách ly y tế thôn Văn Lâm 3

Chiều 14/4, ông Lưu Xuân Vĩnh - Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, đã ký quyết định kết thúc cách ly y tế khu vực dân cư thôn Văn Lâm 3 vào lúc 20 giờ tối cùng ngày. Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận giao UBND huyện Thuận Nam có trách nhiệm phối hợp các ban ngành địa phương tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID -19 tại khu vực dân cư thôn Văn Lâm 3 theo Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Trước đó, vào ngày 16/3, sau khi phát hiện ca nhiễm COVID-19 thứ 61 trú ở thôn Văn Lâm 3, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận đã ra quyết định cách ly y tế khu dân cư thôn Văn Lâm 3 (có 900 hộ dân, hơn 5.000 nhân khẩu) 28 ngày, bắt đầu từ 20h tối 17/3. Sau 28 ngày thực hiện nghiêm túc lệnh cách ly y tế, thôn Văn Lâm 3 không để xuất hiện thêm ca nhiễm COVID-19 mới.

Ông Lê Huyền - Chủ tịch UBND huyện Thuận Nam, cho biết: Trước thời điểm Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định bỏ cách ly, ngành y tế huyện đã phun thuốc tiêu độc khử trùng toàn thôn Văn Lâm 3. Hai ngày qua, hơn 5.000 người dân trong thôn cũng được đo thân nhiệt, kiểm tra sức khỏe. Huyện cũng tuyên truyền vận động, sau khi các ngả ra vào thôn được đi lại bình thường, người dân vẫn phải đeo khẩu trang, giữ khoảng cách ít nhất 2m khi tiếp xúc, tránh tập trung đông người và thực hiện nghiêm chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về giãn cách xã hội. (Lữ Hồ)

Huế: Nhiều người 'quên' giãn cách khi đi nhận gạo ATM

Sáng 14/4, tại thành phố Huế đồng loạt diễn ra hoạt động phát gạo thiện nguyện bằng hình thức “ATM gạo”. Đây là việc làm ý nghĩa của nhiều nhà hảo tâm, mạnh thường quân tại Huế, trong bối cảnh đời sống sinh hoạt, mưu sinh của nhiều người dân gặp nhiều khó khăn thời gian gần đây.

Theo đó, 3 địa điểm đặt “ATM gạo” tại Huế gồm: Trung tâm Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế (đường Hà Huy Tập, phường Xuân Phú), Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế (số 70 Nguyễn Huệ, phường Vĩnh Ninh) và Trường Đại học Phú Xuân (số 28 Nguyễn Tri Phương, phường Phú Nhuận, TP Huế).

Được biết, số lượng gạo các nhà hảo tâm ủng hộ hơn 40 tấn. Những người đến nhận gạo được hướng dẫn cụ thể phải đứng cách nhau 2 mét, kéo dài từ cổng vào sân trong. Trước khi vào nhận gạo, người dân phải rửa tay bằng nước sát khuẩn. Mỗi lượt, người dân được phát 2kg gạo kèm 1 chai nước mắm nhỏ. Ngay sau khi “ATM gạo” mở cửa, nhiều người dân nghèo đã được nhận gạo ngay trong buổi sáng 14/4.

Tuy nhiên, cũng trong sáng đầu tiên chính thức triển khai 3 cây “ATM gạo” ở 3 địa điểm khác nhau tại Huế, do có đông người dân đến nhận cứu trợ không tuân thủ giãn cách xã hội, tình trạng này đã gây nên sự mất an toàn về phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Ghi nhận thực tế cho thấy, dù ban tổ chức và lực lượng chức năng hết sức nỗ lực, trách nhiệm khi xây dựng các phương án tiếp đón và cấp phát gạo để bảo đảm giãn cách theo quy định; tuy nhiên, tình trạng tụ tập, chen chúc, dồn ứ người ở vòng ngoài do có quá nhiều dân chúng kéo đến cùng lúc vẫn diễn ra ở mức khó kiểm soát.

Lo ngại trước tình trạng tập trung đông người đi ngược tinh thần Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, sự việc nêu trên đã được phản ánh đến Trung tâm Điều hành Đô thị Thông minh TT-Huế (Hue-S), với yêu cầu có giải pháp thực hiện phù hợp.

Đến chiều 14/4, do những bất ổn nêu trên, cả 3 điểm “ATM gạo” tại Huế đã tạm ngưng hoạt động. (Ngọc Văn)

Nhóm PV

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/cap-nhat-dich-covid19-tphcm-mua-them-16-phong-ap-luc-am-30-may-tho-1641855.tpo