Cập nhật diễn biến 'nóng' về bão số 3
Chiều tối 21/7, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia tổ chức buổi họp báo khẩn nhằm cập nhật các diễn biến mới nhất liên quan đến cơn bão số 3.
(Video: Khoảnh khắc mưa lớn tại Ninh Bình trong ngày 21/7, một người phụ nữ bị cây đè may mắn được cứu sống)
Bão số 3 gây mưa lớn và lũ diện rộng, nhiều địa phương có nguy cơ sạt lở và ngập lụt
Theo ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm, từ tối và đêm 21/7 đến sáng 23/7, khu vực Bắc Trung Bộ và Bắc Bộ sẽ xuất hiện đợt mưa to trên diện rộng. Một số địa phương như Hưng Yên, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và vùng nam Phú Thọ có thể ghi nhận lượng mưa lên tới 200-350mm, riêng một số điểm có thể vượt 600mm.
Các khu vực còn lại của Bắc Bộ và Hà Tĩnh cũng sẽ xuất hiện mưa vừa đến mưa rất to, có nơi trên 300mm.
Đường đi của bão số 3 cập nhật lúc 20h ngày 21/7.
Ngoài ra, cảnh báo về mưa lớn cường suất cao (trên 150mm trong 3 giờ) đã được đưa ra, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ lũ quét, sạt lở tại các khu vực đồi núi, cũng như ngập lụt tại vùng trũng, thấp.
Triều cường kết hợp nước dâng do bão dự kiến đạt đỉnh vào chiều 22/7, với mực nước tại một số điểm dao động như sau: 2,4–2,6m tại Ba Lạt (Hưng Yên), 3,9–4,3m tại Hòn Dấu (Hải Phòng), 4,6–5,0m tại Cửa Ông và 3,6–4,0m tại Trà Cổ (Quảng Ninh).
Từ đêm 21/7 đến hết ngày 25/7, dự báo trên hệ thống sông khu vực Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An sẽ xuất hiện một đợt lũ mới. Biên độ nước sông có thể tăng từ 3–6m. Đỉnh lũ trên các sông nhỏ và thượng nguồn sông Mã có khả năng đạt mức báo động 2 đến báo động 3.

Nhiều địa phương có mưa lớn do ảnh hưởng của bão Wipha. (Ảnh minh họa/Nguồn: TUẤN MINH/ báo Thanh niên)
Trong khi đó, đỉnh lũ tại các con sông như Thao, Lô, Đà (khu vực hồ Hòa Bình), Thái Bình, Hoàng Long và thượng nguồn sông Cả dao động ở mức báo động 1 đến báo động 2, có nơi vượt báo động 2. Riêng hạ lưu sông Hồng và sông Mã – sông Cả sẽ duy trì ở mức thấp hơn báo động 1.
Nguy cơ ngập úng ở các vùng trũng ven sông, đô thị thuộc đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An, cùng với hiện tượng lũ quét, sạt lở đất ở các sườn đồi núi được cảnh báo ở mức cao.
Khuyến cáo khẩn để ứng phó hiệu quả với bão và mưa lũ
Cơ quan khí tượng đề nghị người dân cập nhật thường xuyên các bản tin dự báo từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, các đài phát thanh, truyền hình hoặc ứng dụng thời tiết chính thống nhằm chủ động phòng tránh rủi ro thiên tai.
Người dân cần gia cố nhà cửa, đặc biệt là mái tôn, cửa sổ; chặt tỉa cây xanh gần nhà; thu gom các vật dụng dễ bị gió cuốn. Đồng thời, nên chuẩn bị sẵn thực phẩm, thuốc men, đèn pin, sạc dự phòng để đối phó với tình huống mất điện hoặc sơ tán khẩn cấp.
Không nên ra khỏi nhà trong thời điểm có gió lớn, mưa lớn kèm sấm sét. Tránh xa khu vực dễ sạt lở, ngập sâu, các công trình đang thi công, ao hồ hoặc điểm có nguy cơ rò rỉ điện khi trời mưa.
Người dân cũng được khuyến cáo tuyệt đối không băng qua ngầm tràn hay vùng ngập lụt khi mưa bão xảy ra. Trong trường hợp cần sơ tán, phải tuân thủ nghiêm hướng dẫn của chính quyền địa phương.

Để đảm bảo an toàn, tàu thuyền cần được đưa vào nơi neo đậu đúng quy định.
Đối với người dân vùng ven biển và ngư dân, tuyệt đối không được ra khơi trong suốt thời gian bão đổ bộ. Tàu thuyền cần được đưa vào nơi neo đậu an toàn, đảm bảo tránh va đập. Việc di chuyển tàu thuyền cần hoàn tất trước khi gió mạnh xuất hiện, theo chỉ đạo từ lực lượng chức năng.
Tại các khu vực nuôi trồng thủy sản, cần ngắt toàn bộ nguồn điện tại chòi canh, lồng bè; tuyệt đối không ở lại trên biển kể cả khi đã neo đậu an toàn. Nếu có thể, nên đẩy nhanh tiến độ thu hoạch hải sản để hạn chế tối đa thiệt hại do bão gây ra.