Cập nhật động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria: Số tử vong tăng kinh hoàng lên hơn 3.700 người, thế giới hành động khẩn
Trận động đất kinh hoàng ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria rạng sáng ngày 6/2 (giờ địa phương) hiện đã khiến ít nhất hơn 3.700 người tử vong, một con số kinh hoàng.
Theo cập nhật mới nhất từ AFP, đến sáng sớm ngày 7/2 (giờ Việt Nam), ít nhất 1.444 người đã thiệt mạng trên khắp Syria sau trận động đất kinh hoàng có tâm chấn ở Tây Nam Thổ Nhĩ Kỳ.
Bộ Y tế Syria cho biết, tại các khu vực do chính phủ nước này kiểm soát, số người thiệt mạng đã lên tới 711 người trong khi số người bị thương là 1,431.
Trong khi đó, tại các khu vực do phiến quân kiểm soát ở phía Tây Bắc Syria, đã có ít nhất 733 người thiệt mạng và hơn 2.100 người khác bị thương.
Hiện, Syria đang ở trong “tình trạng thảm họa” sau vụ động đất này.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng thông báo có khoảng 2.316 người tử vong. Số liệu mới cập nhật nâng tổng số người thiệt mạng bởi trận động đất ở cả Thổ Nhĩ Kỳ và Syria lên ít nhất 3.760 người.
Trận động đất có độ lớn 7,8 đã làm rung chuyển Thổ Nhĩ Kỳ và Syria vào rạng sáng 6/2 (giờ địa phương). Các đội cứu hộ ở hai nước đang vật lộn với mưa và tuyết để tìm kiếm những người sống sót trong đống đổ nát.
Theo Viện Khảo sát địa chất của Đan Mạch và Greenland, rung chấn của trận động đất có thể cảm nhận được xa tới tận Greenland. Đến chiều 6/2, tiếp tục có thêm một trận động đất với cường độ 7,5 làm rung chuyển Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngày 6/2, cả Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đều khẩn cấp kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ nhằm khắc phục hậu quả của thảm họa thiên tai và nhận được hưởng ứng từ nhiều quốc gia trên thế giới.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres thông báo, nhân viên của tổ chức này đã có mặt tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria để đánh giá nhu cầu của mỗi nước và hỗ trợ, đồng thời bày tỏ tin tưởng cộng đồng quốc tế sẽ giúp đỡ hàng ngàn gia đình bị ảnh hưởng bởi thảm họa này.
Cùng ngày, Thụy Điển, quốc gia hiện đang giữ chức Chủ tịch luân phiên Hội đồng châu Âu, đã quyết định kích hoạt Phản ứng khủng hoảng chính trị kèm theo (IPCR) để điều phối các biện pháp hỗ trợ của Liên minh châu Âu (EU) nhằm giúp Thổ Nhĩ Kỳ và Syria vượt qua ảnh hưởng của trận động đất mới đây.
Tại Nga, Tổng thống Vladimir Putin đã có các cuộc điện đàm với những người đồng cấp Recep Tayyip Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ và Bashar al-Assad của Syria cam kết sẽ gửi lực lượng cứu hộ tới hỗ trợ.
Theo Bộ Quốc phòng Nga, 300 quân nhân nước này đã được triển khai tới Syria nhằm hỗ trợ dọn dẹp các đống đổ nát sau trận động đất kinh hoàng khiến hàng trăm người thiệt mạng.
Về phía Trung Quốc, cũng ngày 6/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mao Ninh cho biết, nước này đang theo sát tình hình ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, đồng thời bày tỏ lời chia buồn tới các nạn nhân của thảm họa và sự đồng cảm với các gia đình có người thân thiệt mạng và những người bị thương.
Trong khi đó, nhiều nước cũng đã lên tiếng chia sẻ và gấp rút triển khai việc hỗ trợ cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngay sau khi xảy ra động đất, lãnh đạo các quốc gia thành viên Nhóm Visegrad (còn gọi là Nhóm V4, gồm Czech, Slovakia, Ba Lan và Hungary) đã bày tỏ sự chia sẻ sâu sắc với Ankara, đồng thời khẩn trương cử các đội cứu hộ tới Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ.
Cùng ngày, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis đã điện đàm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và đề nghị “hỗ trợ Ankara ngay lập tức”.
Tại Mỹ, Tổng thống Joe Biden cho biết, chính quyền nước này đã hợp tác chặt chẽ với Thổ Nhĩ Kỳ, cho phép Washington phản ứng ngay lập tức sau trận động đất kinh hoàng.
Ông Biden cho hay, các đội cứu trợ của Mỹ đang nhanh chóng triển khai để bắt đầu hỗ trợ các nỗ lực tìm kiếm và cứu nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời giải quyết nhu cầu của những người bị thương và sơ tán sau trận động đất.
Tối 6/2, đoàn cứu hộ nhân đạo của Israel mang tên “Những cành ôliu” mang theo thuốc men, trang thiết bị y tế và cứu hộ cũng đã lên đường sang Thổ Nhĩ Kỳ để hỗ trợ khắc phục hậu quả vụ động đất sáng sớm cùng ngày.
Đến nay, đã có ít nhất 45 quốc gia thông báo cử và sẵn sàng cử lực lượng cứu hộ tới Thổ Nhĩ Kỳ để hỗ trợ quốc gia này khắc phục hậu quả do trận động đất mạnh tới 7,8 độ gây ra.
Cho đến cuối ngày 6/2, chưa ghi nhận thông tin có công dân Việt Nam bị ảnh hưởng bởi trận động đất.
Bà Nguyễn Phú Tân Hương, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, Đại sứ quán đã liên tục theo dõi chặt chẽ và tích cực liên hệ với các cơ quan chức năng sở tại cũng như bà con cộng đồng người Việt để tìm hiểu thông tin và sẵn sàng triển khai các biện pháp bảo hộ công dân.
Trong những ngày tới, Đại sứ quán sẽ cử cán bộ đến một số địa phương có bà con bị ảnh hưởng bởi động đất để nắm tình hình và kịp thời hỗ trợ.
Để nhận được sự hỗ trợ trong trường hợp cần trợ giúp, công dân có thể liên hệ theo số đường dây nóng bảo hộ công dân:
- Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ: +90 545 7858548.
- Đại sứ quán Việt Nam tại Iran (kiêm nhiệm Syria): +98 9306459865.
- Tổng đài Bảo hộ công dân: +84 981848484.