Cập nhật hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh sốt xuất huyết
Qua nghiên cứu, kinh nghiệm điều trị bệnh sốt xuất huyết của các bệnh viện tuyến cuối, khuyến cáo của tổ chức quốc tế, Bộ Y tế đã sửa đổi, bổ sung hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh sốt xuất huyết nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả điều trị, hạn chế tỷ lệ tử vong.
Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở y tế rà soát, điều chỉnh lại các quy trình tiếp nhận, sàng lọc, tiêu chí phân loại cụ thể đối với từng ca bệnh sốt xuất huyết Dengue. Bố trí phòng khám lại, thời gian khám lại các ca bệnh sốt xuất huyết Dengue vào các khung giờ phù hợp với tình hình thực tế tại đơn vị tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh sốt xuất huyết Dengue và người bệnh khác.
Các cơ sở y tế cần tăng cường việc theo dõi người bệnh sốt xuất huyết Dengue đang nằm nội trú tại cơ sở khám, chữa bệnh trong các ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ cuối tuần để phát hiện, điều trị kịp thời các ca bệnh sốt xuất huyết Dengue có diễn biến nặng lên, ghi chép hồ sơ bệnh án đầy đủ, chi tiết.
Bên cạnh đó, các cơ sở y tế cần tăng cường củng cố và duy trì hoạt động của “Nhóm điều trị sốt xuất huyết Dengue” và “Đường dây điện thoại nóng phòng, chống dịch sốt xuất huyết Dengue” tại các đơn vị khám, chữa bệnh để có thể thường xuyên tư vấn, trao đổi thông tin về chuyên môn, yêu cầu hỗ trợ khi cần thiết; các cơ sở y tế phải bảo đảm việc đáp ứng đầy đủ các phương tiện, trang thiết bị, thuốc, dịch truyền, máu và các chế phẩm của máu, các lưu đồ xử trí để cấp cứu người bệnh, đặc biệt là dung dịch cao phân tử để chống sốc phải là HES 200 6% (trọng lượng phân tử 200.000 dalton).
Các cơ sở y tế có trách nhiệm cung cấp tài liệu, tư vấn, giải thích cho người bệnh hiểu để an tâm điều trị đúng tuyến, theo dõi phát hiện kịp thời các dấu hiệu cần khám lại, hạn chế quá tải các tuyến, sắp xếp không để người bệnh nằm ghép. Đối với người bệnh đã ổn định về sức khỏe thì cần được tư vấn, giải thích nhằm chuyển người bệnh về tuyến dưới để theo dõi, chăm sóc.
Mặc dù ông Đặng Quang Tấn - Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, trong những tuần gần đây, số ca mắc sốt xuất huyết có chiều hướng giảm, nhưng tại nhiều địa phương đang ghi nhận bệnh nhân sốt xuất huyết tăng đột biến.
Đơn cử tại Hà Nội, thời điểm này đang là đỉnh dịch sốt xuất huyết trong năm. Nếu như trong tháng 8/2019, Hà Nội ghi nhận từ 200 ca đến 300 ca mắc sốt xuất huyết/tuần, thì tháng 9/2019, số ca mắc sốt xuất huyết đã tăng lên từ 400 đến 500 ca/tuần, xuất hiện tại tất cả các quận, huyện, thị xã.
Vào đầu tháng 10, những cơn mưa lớn tại Hà Nội đang dấy lên nỗi lo ngại về dịch sốt xuất sẽ tiếp tục lan mạnh trở lại, đặc biệt là những khu vực đang trong quá trình đô thị hóa, nhiều công trường xây dựng.
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, cộng dồn từ đầu năm 2019 đến ngày 11/10, toàn thành phố đã ghi nhận gần 6.000 ca mắc sốt xuất huyết, nhưng không có trường hợp tử vong.
Trong khi đó thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM, số ca mắc sốt xuất huyết ở thành phố vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Trong tháng 9 số người mắc số xuất huyết là 8.128, tương đương tháng 8; đã có 9 trường hợp tử vong (2 trẻ em và 7 người lớn).
Tại tỉnh Quảng Bình, từ đầu năm đến nay đã ghi nhận trên 5.300 ca mắc sốt xuất huyết, cao gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2018. Bệnh nhân gia tăng đột biến khiến nhiều bệnh viện trên địa bàn quá tải, buộc phải cho người bệnh nằm ghép giường.
Từ giữa tháng 5, dịch sốt xuất huyết xuất hiện đầu tiên tại địa bàn huyện Hướng Hóa (Quảng Trị). Đến nay dịch đã lây lan ra trên địa bàn toàn tỉnh, đặc biệt là khu vực thành phố Đông Hà. Hiện tại, trên toàn tỉnh Quảng Trị ghi nhận gần 3.000 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết. Năm nay, do ảnh hưởng thời tiết, mưa không lớn, nắng nhiều, độ ẩm cao, nên đã làm phát sinh muỗi và bò gậy, điều này đã làm cho dịch sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh Quảng Trị ngày càng phát triển.
Thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, nơi tiếp nhận bệnh nhi ở các địa phương khu vực ĐBSCL, từ đầu năm đến cuối tháng 9 đã có hơn 2.100 trẻ mắc sốt xuất huyết nhập viện điều trị nội trú và hơn 3.000 trường hợp điều trị ngoại trú, tăng gấp 2,2 lần so với cùng kỳ năm 2018. Trong số này, bệnh nhi ở các quận, huyện thành phố Cần Thơ chiếm khoảng 50-60%. Còn lại đến từ một số tỉnh lân cận như Hậu Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp... Do số lượng bệnh nhi nhập viện tăng cao và liên tục, Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ đã bố trí thêm giường bệnh dọc hành lang, hạn chế tình trạng 2 trẻ nằm 1 giường.