Cập nhật những kiến thức điều trị các bệnh không lây nhiễm trong bối cảnh dịch Covid-19
Ngày 12/11 tại Hà Nội, Tổng hội Y học Việt Nam phối hợp Bộ Y tế tổ chức Hội nghị khoa học với chủ đề 'Đại dịch Covid-19 và phòng chống các bệnh không lây nhiễm: Chuyên đề hô hấp, tim mạch, ung thư, đái tháo đường, tâm thần và bệnh hiếm'.
PGS, TS Nguyễn Thị Xuyên, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam cho biết có 13 báo cáo khoa học được trình bày tại hội hội nghị. Báo cáo viên là các chuyên gia đầu ngành về truyền nhiễm, hồi sức cấp cứu và chống độc, tim mạch, ung thư, đột quỵ, nội tiết và đái tháo đường, hô hấp, tâm thần…. Đây là các báo cáo viên vừa có kinh nghiệm trong quản lý, uy tín trong chuyên môn, đều là các bác sĩ đã và đang trực tiếp tham gia tư vấn, điều trị, cấp cứu người bệnh Covid-19 tại cộng đồng và tại các Bệnh viện dã chiến trong thời gian vừa qua.
Những thông tin thảo luận, chia sẻ những kinh nghiệm từ thực tiễn trong phòng chống dịch Covid-19 và phòng chống các bệnh không lây nhiễm sẽ là diễn đàn để cập nhật các kiến thức y khoa, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đẩy lùi dịch bệnh, thực hiện có hiệu quả mục tiêu thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đề nghị các nhà khoa học y học quan tâm nghiên cứu, chung tay giải quyết năm vấn đề y tế trọng tâm.
Dịch Covid-19, các bệnh truyền nhiễm mới nổi, tái nổi đang diễn biến nguy hiểm, phức tạp, khó kiểm soát đang ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân Việt Nam, đặc biệt trong điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực còn hạn chế.
Thách thức trước vấn đề ô nhiễm môi trường (cả trên đất liền và môi trường biển), mất an toàn thực phẩm đang là yếu tố nguy cơ hàng ngày ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người Việt Nam.
Tình trạng kháng thuốc và nhiễm khuẩn bệnh viện do kháng thuốc là một thách thức cho ngành y tế Việt Nam hiện nay. Sự xuất hiện các loại vi khuẩn đa kháng hoặc siêu kháng thuốc đang là mối đe dọa lớn nhất với sức khỏe con người.
Sự gia tăng các bệnh liên quan đến xã hội trong giai đoạn hiện nay như bệnh tự kỷ, rối loạn tâm trí, dinh dưỡng, già hóa dân số sẽ làm tăng gánh nặng bệnh tật trong giai đoạn tới của Việt Nam.
Sự biến đổi của môi trường, khí hậu, mô hình bệnh tật và yêu cầu hội nhập quốc tế đòi hỏi thích ứng đối với mô hình hệ thống y tế Việt Nam. Các vấn đề đặt ra cần giải quyết về chính sách y tế, kinh tế y tế phục vụ phát triển hệ thống y tế trong nền kinh tế phát triển và hội nhập.
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường và có thể kéo dài, Bộ Y tế mong muốn các nhà khoa học, đội ngũ thầy thuốc trong cả nước với kinh nghiệm, sự tâm huyết và trách nhiệm tiếp tục chung sức, đồng lòng, bằng những hành động thiết thực, khả thi và hiệu quả sẽ cùng cả nước chiến thắng đại dịch Covid-19, bảo đảm tính mạng, sức khỏe cho nhân dân, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường và ổn định phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.