Cập nhật phiên tòa xử bà Nguyễn Phương Hằng và đồng phạm

Ngày 21-9, TAND TPHCM xét xử sơ thẩm vụ án bà Nguyễn Phương Hằng và đồng phạm về tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Sáng 21-9, nhiều người dân đứng bên ngoài TAND TPHCM theo dõi phiên tòa xét xử bà Nguyễn Phương Hằng và đồng phạm. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Sáng 21-9, nhiều người dân đứng bên ngoài TAND TPHCM theo dõi phiên tòa xét xử bà Nguyễn Phương Hằng và đồng phạm. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Trong 4 đồng phạm của bà Nguyễn Phương Hằng có 3 người là nhân viên Công ty cổ phần Đại Nam và 1 người là tiến sĩ, giảng viên luật.

Bà Nguyễn Phương Hằng tại cơ quan điều tra

Bà Nguyễn Phương Hằng tại cơ quan điều tra

Cáo trạng của VKSND TPHCM xác định bà Hằng đã lợi dụng quyền tự do dân chủ, thực hiện nhiều buổi livestream (phát trực tiếp) trên mạng, phát ngôn có nội dung bịa đặt, biết rõ thông tin không đúng sự thật hoặc thông tin chưa được kiểm chứng, xúc phạm nghiêm trọng uy tín, danh dự cá nhân.

Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đến tòa. Ảnh: TRẦN YÊN

Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đến tòa. Ảnh: TRẦN YÊN

Bà Hằng đưa lên mạng những thông tin thuộc bí mật riêng tư của nhiều người trái quy định pháp luật, gồm ông Võ Nguyễn Hoài Linh (nghệ sĩ Hoài Linh), bà Nguyễn Thị Mỹ Oanh (ca sĩ Vy Oanh), Trần Thị Thủy Tiên (ca sĩ Thủy Tiên), ông Lê Công Vinh, Huỳnh Minh Hưng (ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng), bà Đặng Thị Hàn Ni, ông Nguyễn Đức Hiển, bà Đinh Thị Lan, bà Lê Thị Giàu và bà Trương Thị Việt Hà.

Đông đảo phóng viên và người dự tòa đến làm thủ tục từ sớm. Ảnh: TRẦN YÊN

Đông đảo phóng viên và người dự tòa đến làm thủ tục từ sớm. Ảnh: TRẦN YÊN

Giảng viên luật, tiến sĩ Đặng Anh Quân tương tác, tham gia bình luận trực tiếp với bà Hằng trong 11 buổi livestream. Trong một buổi livestream, ông Quân còn phát ngôn mang tính xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín, danh dự và nhân phẩm của nghệ sĩ Hoài Linh.

Bị cáo Nguyễn Phương Hằng có quốc tịch Cộng hòa Síp

Phiên tòa dự kiến kéo dài trong 2 ngày 21 và 22-9, do thẩm phán Bùi Đức Nam làm chủ tọa. Chủ tọa phiên tòa cho biết, trước khi phiên tòa diễn ra, tòa nhận được nhiều kiến nghị, khiếu nại về xác định tư cách của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Các đương sự được trình bày việc này tại tòa và HĐXX sẽ xem xét quyết định. Do bà Hằng có thêm quốc tịch Cộng hòa Síp, tòa đã thông báo cho cơ quan ngoại giao thực hiện bảo hộ công dân.

Trong phần thủ tục phiên tòa, luật sư Nguyễn Thành Công, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Nguyễn Đức Hiển, đề nghị hoãn phiên tòa để xác định lại tư cách tham gia tố tụng của thân chủ mình là người bị hại, thay vì người có quyền và nghĩa vụ liên quan.

Cụ thể, luật sư Nguyễn Thành Công cho biết, ông Nguyễn Đức Hiển đã gửi khiếu nại đến tòa. Ngày 12-9, Phó Chánh án TAND TPHCM đã trả lời việc xác định ông Hiển là người có quyền nghĩa vụ liên quan là đúng quy định pháp luật. Sau đó, ông Hiển đã khiếu nại lên Chánh án TAND cấp cao tại TPHCM, đang chờ kết quả giải quyết khiếu nại. Do đó, luật sư Nguyễn Thành Công đề nghị hoãn phiên tòa để chờ kết quả.

Luật sư bào chữa cho ca sĩ Vy Oanh cũng đề nghị phải xác định tư cách tố tụng ngay tại phần thủ tục phiên tòa, vì đây là tiền đề giải quyết vụ án. Một số luật sư khác cũng có ý kiến tương tự. Trong khi đó cũng có luật sư cho rằng, phiên tòa nên tiếp tục đến phần tranh luận, khi đó hoãn hay không thì mới có căn cứ xác định chính xác.

Đại diện Viện Kiểm sát thống nhất quan điểm của HĐXX, việc xem xét tư cách của người tham gia tố tụng thuộc về HĐXX và được quyết định trong bản án. Người có quyền lợi liên quan được quyền kháng cáo với bản án đó. Trong vụ án này, các bị cáo bị truy tố về tội lợi dụng quyền tư do dân chủ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.

Khách thể của tội này là trật tự quản lý hành chính. Nếu người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án này được xác định thành bị hại thì sẽ trở thành tội danh khác. Sau khoảng 5 phút xem xét trong phòng nghị án, HĐXX quyết định tiếp tục phiên tòa.

Trả lời xét hỏi đầu tiên, bị cáo Nguyễn Phương Hằng thừa nhận những hành vi cáo trạng nêu là đúng, bà không bị oan sai. Tuy nhiên, bà Hằng nói cáo trạng đã không thể hiện rõ câu chuyện xuất phát từ vấn đề từ thiện, mà trong chuyện này, bà là người bị hại.

Theo bà Hằng, trước đó bà từng thực hiện nhiều livestream chia sẻ cuộc sống nên câu chuyện bị cáo livestream là hoàn toàn bình thường. Bị cáo Hằng nói chồng bà là ông Huỳnh Uy Dũng có biết việc mình làm và có can gián, nhưng bị cáo không nghe vì bị cáo nghĩ rằng mình không làm gì sai.

“Bị cáo ban đầu không nghĩ là mình vi phạm. Bị cáo thấy mọi người cũng mắng nhiếc trên mạng và bị cáo cũng mắng một thời gian dài không thấy ai nói gì. Khi bị bắt, bị cáo mới biết mình sai. Là do bị cáo không kiềm chế được cảm xúc, bị nhiều người tấn công nên bị cáo không kiềm chế được và phản ứng tiêu cực như vậy”, bị cáo Hằng khai trước tòa.

Bà cũng nói thêm, bị cáo không thấy oan sai, nhưng chỉ thấy buồn vì chưa được nói rõ vì sao, động cơ bị cáo làm những việc này.

Cả 3 bị cáo là nhân viên Công ty Đại Nam bị xét xử với vai trò đồng phạm đều cho rằng mình không bị oan sai. Riêng tiến sĩ, giảng viên luật Đặng Anh Quân cho rằng mình vô tội. Ông Quân nói mình tham gia 11 buổi livestream của bị cáo Hằng với mục đích để "phản biện xã hội, phổ biến chính sách pháp luật" đến người nghe. Ông không có mâu thuẫn gì và không có phát ngôn xúc phạm đến nghệ sĩ Hoài Linh như cáo trạng quy kết.

Bị cáo Quân cũng cho rằng, kết luận giám định ông không được tiếp cận đầy đủ và kết luận này đã cắt ghép, đảo lộn trật tự phát ngôn của ông.

Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng chỉ yêu cầu bà Hằng xin lỗi

Được triệu tập đến tòa với tư cách là người có quyền nghĩa vụ liên quan, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng ban đầu đề nghị bồi thường thiệt hại vật chất số tiền hơn 40 tỷ đồng, nhưng tại tòa ông cho rằng thiệt hại kinh tế có thể làm lại được, còn tổn thất tinh thần thì không thể. Do đó ông chỉ yêu cầu bà Hằng xin lỗi trực tiếp ngay tại tòa. Ca sĩ Vy Oanh cũng yêu cầu tương tự.

Vợ chồng ca sĩ Thủy Tiên - Công Vinh thông qua luật sư cũng thay đổi yêu cầu, từ chỗ yêu cầu bồi thường hơn 30 tỷ đồng tổn hại vật chất và 14 triệu đồng bù đắp tổn thất tinh thần, nay chỉ còn yêu cầu bồi thường hơn 2,3 tỷ đồng tổn hại vật chất và 14 triệu đồng tổn thất tinh thần.

Trước những yêu cầu này, chủ tọa hỏi bị cáo Hằng: “Bị cáo có xin lỗi không?”. Bị cáo Hằng trình bày rằng một lời xin lỗi không phải là vấn đề, nhưng bản thân bà cảm thấy bị xúc phạm, bị tổn thương, thấy mình bị tấn công trước chứ không phải bị cáo đi kiếm chuyện. Bị cáo Hằng nói: “Cho bị cáo suy nghĩ chút ạ”.

Sau một lúc suy nghĩ, khi được hỏi lại, bị cáo Hằng quyết định không xin lỗi. Bởi vì bị cáo đã bị tạm giam 18 tháng rồi, "đó là cái giá bị cáo phải trả quá đắt rồi”.

Cũng được xác định là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, bà Đặng Thị Hàn Ni cho rằng cáo trạng không đầy đủ và toàn diện. Bà tố cáo bị cáo Hằng còn nhiều đồng phạm khác nữa, nhưng không được đưa vào. Cụ thể là ông Huỳnh Uy Dũng đã tham gia livestream, nói ủng hộ vợ tới cùng.

Ngoài hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Bà Hàn Ni còn tố cáo bà Hằng về hành vi làm nhục người khác và vu khống.

Bà Hàn Ni cũng không đồng ý việc tách vụ án của bà và bà Phương Hằng, vì như vậy là không toàn diện. Bà Hàn Ni hiện đang bị tạm giam để điều tra về hành vi Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

>>> Một số hình ảnh ghi nhận bên ngoài phiên tòa xét xử bà Nguyễn Phương Hằng và đồng phạm, sáng 21-9. Ảnh: HOÀNG HÙNG

×

×

TRẦN YÊN - KHÁNH CHÂU

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/cap-nhat-phien-toa-xu-ba-nguyen-phuong-hang-va-dong-pham-post108245.html