Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 6/12
Rét kéo dài cả tháng 12, Tết Nguyên đán có khả năng rét đậm; Khuyến khích đồng xử lý chất thải rắn bằng lò hơi tầng sôi tại các nhà máy sản xuất giấy; Thiên tai gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế năm 2022... là những tin tức môi trường nổi bật hôm nay.
Rét kéo dài cả tháng 12, Tết Nguyên đán có khả năng rét đậm
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, giai đoạn tháng 1-3/2023 nhiệt độ trung bình ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Trong đó thời gian chính Đông tập trung từ tháng 12 đến tháng 2 năm sau. Dịp nghỉ Tết Âm lịch rơi vào khoảng thời gian cuối tháng 1, đầu tháng 2 năm 2023, trong giai đoạn chính Đông ở Việt Nam. Thời tiết chủ đạo ở Bắc Bộ được dự báo vẫn là rét, một số ngày có rét đậm. Tại Tây Nguyên và Nam Bộ, có khả năng thời tiết Tết Nguyên đán thuận lợi, khô ráo nắng ấm.
Với các tỉnh miền Trung, trong các ngày trước Tết, khu vực từ tỉnh Thanh Hóa đến tỉnh Quảng Ngãi dự báo có mưa rào nhẹ. Những ngày cận Tết, miền Trung có vẻ khá khô ráo. Nhiệt độ ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên huế xu hướng có rét nhẹ về đêm và sáng. Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ, thời tiết Tết phổ biến là ít mưa, trời nắng. Với các tỉnh miền Nam, thời tiết dịp Tết 2023 sẽ khá giống với các năm trước, nhiệt độ trung bình từ 22 đến 32 độ C.
Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn cho biết, nền nhiệt độ các tháng chính Đông năm nay ở mức xấp xỉ đến cao hơn một ít so với trung bình nhiều năm. Xen kẽ các đợt không khí lạnh tăng cường yếu với thời tiết oi nóng thì có thể xuất hiện đợt không khí lạnh mạnh gây rét đậm, rét hại.
Trong các đợt có ảnh hưởng của không khí lạnh mạnh, gây rét đậm, rét hại, với nhiệt độ thấp nhất 11-14 độ C, vùng núi 8-11 độ C, vùng núi cao dưới 5 độ C và có khả năng xảy ra băng giá thì có thể ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Theo nhận định, rét đậm năm nay đến khá sớm khi xuất hiện từ ngày 30/11. Nền nhiệt thấp nhất ở Bắc Bộ trong đợt lạnh lần này phổ biến 12.0 - 14.0 độ C, xảy ra vào sáng sớm 02.12. Gió Đông Bắc ở Vịnh Bắc Bộ mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9. Rét đậm diện rộng đã xảy ra ở phía Đông Bắc Bộ: vùng đồng bằng Bắc Bộ có rét đậm trong ngày 02/12 với nền nhiệt trung bình ngày phổ biến 14.0 - 15.0 độ C; vùng núi và trung du Bắc Bộ có rét đậm, rét hại với mức nhiệt trung bình ngày phổ biến 12.0 - 15.0 độ C.
Như vậy, rét đậm năm nay đến sớm hơn trung bình nhiều năm khoảng 3 tuần (trung bình nhiều năm là khoảng ngày 26/12 dương lịch) dù chưa kéo dài thành một đợt tính trên toàn miền Bắc (theo quy định là tối thiểu 02 ngày).
Mưa lớn gây thiệt hại nghiêm trọng tại các tỉnh miền Trung
Mưa lớn cùng nhiều hình thái thiên tai nguy hiểm những ngày qua đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản cho các địa phương tại miền Trung và Nam Bộ.
Báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Phú Yên, An Giang và Vĩnh Long cho biết, mưa lớn từ ngày 2-5/12 kèm nhiều hình thái thiên tai đã gây nhiều thiệt hại về người và tài sản.
Cụ thể, tại tỉnh Thừa Thiên Huế có 3 người bị thiệt mạng. Về giao thông, tại tỉnh Hà Tĩnh: Sạt lở tuyến quốc lộ 8A đoạn từ xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn đi cửa khẩu quốc tế Cầu Treo với khối lượng khoảng 500m3 đất đá. Đến nay các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương đã thông tuyến.
Tại tỉnh Quảng Nam: Sạt lở taluy dương đường Trường Sơn Đông gây tắc đường tại Km70-Km73, đã thông xe một làn lúc 13h ngày 5.12.2022; tắc đường do ngập các tuyến: Quốc lộ 40B tại Km62+380, quốc lộ 14H tại K65+402, ĐT.615 đoạn từ Km5+100-Km7+900.
Tại tỉnh Phú Yên: Sạt lở 7.000m3 mái ta luy dương gây bồi lấp toàn bộ mặt đường quốc lộ 19C, tại Km143+650 thuộc xã Ea Trol, huyện Sông Hinh, đã thông xe một làn lúc 17h ngày 4.12.2022. Làn đường thứ 2 bị tắc đang được tiếp tục xử lý.
Mưa lớn đã làm 31 căn nhà sập và tốc mái (ở An Giang); 2.903 nhà bị ngập (2.860 nhà ở Thừa Thiên Huế, 43 nhà tại Phú Yên), hiện nước đã rút hết.
Mưa lớn cũng khiến 10,3ha lúa gieo sạ, 4 ha cây cảnh và 620,3ha hoa màu, 15ha ao nuôi cá tại Quảng Nam bị thiệt hại.
Đặc biệt, tại tỉnh Vĩnh Long, tình trạng sạt lở đất bờ sông Cổ Chiên đoạn qua ấp Bình Thuận 1, xã Hòa Ninh, huyện Long Hồ với chiều dài 500m, chiều rộng 300m làm mất khoảng 37.721m2 đất, gây thiệt hại cho 11 căn nhà cấp 4 và nhiều tài sản, vật dụng khác.
Ước tính tổng thiệt hại ban đầu khoảng 7 tỉ đồng. Địa phương đã cắm biển cảnh báo, không cho người dân đi vào khu vực nguy hiểm và tổ chức di dời 17 hộ dân với 80 người trong vùng ảnh hưởng đến nơi an toàn
Khuyến khích đồng xử lý chất thải rắn bằng lò hơi tầng sôi tại các nhà máy sản xuất giấy
Sáng 6/12, tại Hà Nội, Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam phối hợp cùng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường tổ chức Hội thảo “Đồng xử lý chất thải rắn trong lò hơi tầng sôi tại các nhà máy sản xuất giấy bao bì công nghiệp từ nguyên liệu giấy thu hồi”.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Việt Đức – Chủ tịch Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam cho biết: Ngành giấy là một trong những ngành kinh tế lớn, có tầm quan trọng trong cơ cấu kinh tế nói chung và kinh tế công nghiệp nói riêng. Trong định hướng phát triển, đến năm 2030, ngành Giấy Việt Nam sẽ trở thành ngành sản xuất lớn ở Khu vực và châu Á, với ước tính khoảng 10 triệu tấn giấy các loại, 9 triệu tấn giấy bao bì, 1 triệu tấn bột giấy và 0,5 triệu tấn giấy vệ sinh.
Ngành giấy vẫn luôn xác định bảo vệ môi trường, hướng tới mô hình kinh tế tuần hoàn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, việc xử lý, tái chế và tái sử dụng hoàn toàn các chất thải là một trong những mục tiêu quan trọng của chiến lược phát triển ngành trong những năm tới. Trong những năm gần đây, nhằm đáp ứng nhu cầu giấy bao bì làm hòm hộp cho sản phẩm hàng hóa tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu, ngành công nghiệp giấy đã có sự phát triển vượt bậc về đầu tư công suất mới và gia tăng sản lượng, nhất là về sản xuất giấy bao bì công nghiệp từ nguyên liệu giấy thu hồi.
Theo ông Nguyễn Trung Thắng – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, tại các nhà máy sản xuất giấy, bột giấy nói chung hay các nhà máy sản xuất giấy bao bì từ nguyên liệu giấy thu hồi có một lượng lớn rác thải công nghiệp thông thường cần xử lý. Bình quân để sản xuất ra 1 tấn sản phẩm giấy bao bì công nghiệp từ nguyên liệu giấy thu hồi thì nhà máy sẽ thải ra khoảng 120kg rác thải, trong đó lượng rác thải có thể thu hồi và tái chế, tái sử dụng chiếm một tỷ trọng lớn. Với tổng công suất giấy bao bì toàn ngành hiện nay khoảng 7 triệu tấn/năm, và dự báo sẽ tăng nhanh trong những năm tới thì lượng rác thải công nghiệp của ngành sẽ đạt tới hàng triệu tấn. Trước thực trạng đó, kinh tế tuần hoàn được coi là một trong những giải pháp hữu hiệu giúp giảm lượng chất thải, bảo vệ môi trường, góp phần đạt được mục tiêu về kinh tế xanh, kinh tế carbon thấp.
Thiên tai gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế toàn cầu trong năm 2022
Cơn bão Ian đổ bộ vào Florida hồi tháng tháng 9 mang theo gió cực mạnh và mưa xối xả đã gây ra thiệt hại từ 50 - 65 tỷ USD sau khi trừ bảo hiểm. Báo cáo từ Viện nghiên cứu bảo hiểm Swiss Re chỉ rõ, con số khổng lồ đó đã khiến bão Ian không chỉ là thảm họa thiên nhiên gây thiệt hại nặng nề nhất trong năm nay, mà còn là mức tổn thất lớn thứ hai sau cơn bão Katrina năm 2005.
Sau khi tính toán thiệt hại do các thảm họa tự nhiên như lũ lụt, bão và cháy rừng, Swiss Re ước tính tổng thiệt hại kinh tế của thế giới lên tới 260 tỷ USD vào năm nay, sau khi trừ thanh toán bảo hiểm. Đáng chú ý, con số này giảm 11% so với năm ngoái, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mức trung bình 10 năm là 207 tỷ USD.
Mặc dù chỉ một phần thiệt hại tài sản được bảo hiểm thanh toán, nhưng số tiền mà các công ty bảo hiểm phải chi trả sẽ cán mốc 115 tỷ USD vào năm 2022, thấp hơn 6% so với năm ngoái, song vẫn cao hơn mức trung bình 10 năm là 81 tỷ USD.
Ông Martin Bertogg, người đứng đầu Bộ phận các rủi ro thiên tai của công ty tái bảo hiểm Swiss Re cho biết: “Các sự kiện thời tiết cực đoan đã dẫn đến con số thiệt hại lớn vào năm 2022, tạo cơ sở cho rủi ro gia tăng và lan rộng ở mọi châu lục”.
Ông lưu ý khi cơn bão Andrew tấn công 30 năm trước, mức thiệt hại 20 tỷ USD là chưa từng xảy ra trước đây. Nhưng gần đây, đã có bảy cơn bão gây thiệt hại nặng nề như vậy xảy ra chỉ trong vòng 6 năm qua.
Biến đổi khí hậu đang làm ấm các đại dương vào tạo thành những cơn bão siêu tích điện. Theo đó, các cơn bão thường gây thiệt hại bằng sức gió và triều cường. Nhưng với tình trạng biến đổi khí hậu như hiện nay, bão sẽ gây mưa lớn và lũ lụt nghiêm trọng hơn, cũng như mở rộng phạm vi ảnh hưởng.
Tuy nhiên, do biến đổi khí hậu, những sự kiện này đã trở nên nguy hiểm và có sức tàn phá mạnh hơn. Trong năm 2022, các thiên tai thứ cấp, điển hình là mưa lớn xối xả đã gây ra lũ lụt ở Australia trong hai tháng 2 - 3 và gây thiệt hại 4 tỷ USD. Đây chính là thảm họa thiên nhiên gây thiệt hại nặng nhất của quốc gia này.