Cấp nước an toàn và nâng cao chất lượng dịch vụ - Bài 1: Nỗ lực mở rộng mạng lưới bao phủ cấp nước

Cấp nước an toàn, liên tục và nâng tầm chất lượng dịch vụ để phục vụ khách hàng một cách tốt nhất là mục tiêu mà Công ty CP Cấp nước Huế (HueWACO) luôn hướng đến.

Nhờ không ngừng nỗ lực trong đầu tư, mở rộng mạng lưới cấp nước và chú trọng cấp nước an toàn nên HueWACO là đơn vị đầu tiên được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố cấp nước an toàn tại Việt Nam từ năm 2009. Dù vậy, cũng như nhiều công ty cấp nước khác trong cả nước, HueWACO gặp không ít thách thức trong việc đầu tư hạ tầng, duy trì, đảm bảo cấp nước cho toàn bộ khu vực miền núi, nông thôn...

Mở rộng diện bao phủ cấp nước

Mở rộng diện bao phủ cấp nước

Duy trì cấp nước an toàn

Biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, đô thị hóa, nguồn nước ô nhiễm… gây ra nhiều tác động lớn đến công tác cấp nước; đặc biệt là cấp nước sạch cho sinh hoạt – một nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống của người dân. Năm 2024, các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, Nghệ An, Bình Thuận, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long… phải đối mặt với thách thức trong việc đảm bảo cấp nước sạch cho 100% người dân tại các đô thị cùng với tình trạng khan hiếm nước sạch xảy ra trên diện rộng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và an sinh xã hội của người dân. Bên cạnh đó, công nghệ xử lý nước ở nhiều nhà máy trên toàn quốc chậm được đầu tư, hạ tầng cấp nước xuống cấp… gây ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nước và dịch vụ cung cấp nước sạch. Cá biệt tại một số địa bàn chất lượng nước sau xử lý không đảm bảo theo quy chuẩn Việt Nam, hàm lượng một số chất như nitrit, sắt, mangan… còn ở ngưỡng cao, không đảm bảo để sử dụng cho mục đích sinh hoạt, có thể làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

Trong khi các đô thị lớn trên toàn quốc vẫn đang loay hoay giải bài toán “nước sạch” thì tại tỉnh Thừa Thiên Huế (nay là thành phố Huế), hơn 15 năm qua, nhờ sử dụng công nghệ tiên tiến, cộng với các giải pháp tối ưu trong xử lý nước sạch nên người dân toàn thành phố, từ đô thị đến nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa đã được sử dụng nước sạch an toàn, với chất lượng nước đảm bảo và chất lượng dịch vụ ngày càng vượt trội.

Bên cạnh việc không ngừng nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ để cải tiến công nghệ xử lý, từ năm 2022, HueWACO cũng lắp đặt các thiết bị giám sát chất lượng nước online (độ đục, pH, Clo dư) ở các công đoạn như nguồn - lắng - lọc - bể chứa và trên mạng lưới, với 92 thiết bị đo online tại các nhà máy và 22 thiết bị tại mạng. Nhờ vậy, công ty đã kịp thời theo dõi và xử lý, giảm mọi rủi ro về chất lượng xảy ra trong quá trình xử lý và cung cấp nước. Mặt khác, chất lượng nước sạch cũng được ngoại kiểm định kỳ bởi CDC, Viện Pasteur Nha Trang và công bố thông tin tại website cả công ty để người dân có thể tra cứu, giám sát dễ dàng.

HueWACO cũng tự hào là đơn vị đầu tiên được Tổ chức Y tế thế giới công nhận cấp nước an toàn tại Việt Nam từ năm 2009 ở địa bàn thành phố Huế (trước đây) và mở rộng ra toàn tỉnh (thành phố Huế hiện nay). Cấp nước an toàn của HueWACO được cụ thể hóa trên các mặt: Nước sạch đảm bảo theo quy chuẩn Việt Nam (QCVN) 01-1:2018/BYT; các chỉ tiêu về độ đục, Fe, Mn… đều đảm bảo và thấp hơn nhiều lần hơn so với quy chuẩn của Bộ Y tế, tiến tới uống được tại vòi.

Giai đoạn 2018 trở về trước, HueWACO tập trung mở rộng phạm vi cấp nước, nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch với các chỉ tiêu chất lượng hướng đến đảm bảo theo tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) và QCVN như: chất lượng nước, áp lực nước, cấp nước liên tục, tỷ lệ thanh toán không tiền mặt dưới 20%...

Không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng

Không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng

Nâng chất lượng dịch vụ

Từ sau năm 2018, đặc biệt từ năm 2022 trở lại đây, HueWACO hướng đến cấp nước an toàn, bền vững với mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ, các chỉ tiêu đều đạt cao hơn so với QCVN và TCVN hiện hành. Theo đó, đảm bảo cung cấp lưu lượng đáp ứng nhu cầu khách hàng; áp lực nước toàn thành phố lớn hơn 10m, đặc biệt tại 2 quận trung tâm duy trì trên 15m; cấp nước liên tục đảm bảo 95% điểm chảy ống D

Định hướng giai đoạn 2025 - 2027 đến 2030, tầm nhìn 2045, HueWACO tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ, ngang tầm với các đô thị lớn khu vực Đông Nam Á, tiến tới cấp nước an toàn, nước uống được tại vòi. Bên cạnh việc triển khai dịch vụ khách hàng số, nâng cao trải nghiệm của khách hàng, các chỉ tiêu về chất lượng dịch vụ cũng tiếp tục được cải thiện...

Thành phố Huế có diện tích lớn, địa bàn trải rộng trên 5.000km2, các nguồn nước đều nằm ở phía tây thành phố trong khi dân cư tập trung về phía đông, hướng biển, một số khu vực người dân sinh sống phân tán, rải rác. Trong nhiều năm qua, HueWACO không ngừng đầu tư, nâng cấp mở rộng hệ thống mạng lưới đường ống với hơn 5.400km trải rộng toàn thành phố Huế, từ đồng bằng tới miền núi, ven biển, bãi ngang… Mặc dù địa bàn rộng lớn, nhưng áp lực nước luôn được duy trì đảm bảo từ 10-15m nhờ HueWACO đã đầu tư hệ thống hơn 70 trạm tăng áp, bơm chuyền nhiều cấp. Với áp lực nước này, hầu hết mọi gia đình tại Huế đều có thể sử dụng nước đấu nối trực tiếp từ hệ thống cấp nước bên ngoài mà không cần đến hệ thống bơm và bồn chứa trên mái nhà. Điều này tạo dấu ấn đặc biệt đối với du khách đến Huế và ngay cả với cán bộ, công ty hoạt động trong ngành cấp nước của Việt Nam. Nhờ đó, mỗi hộ gia đình cũng tiết kiệm được chi phí đầu tư hệ thống, tiền điện vận hành và đảm bảo an toàn; mỹ quan đô thị Huế nhìn từ trên cao.

Khi trao đổi trong các hội thảo ngành cấp nước, Tổng Giám đốc HueWACO từng chia sẻ: Là một thành viên trong CLB cấp nước cho văn minh đô thị (CLB G9) từ năm 2022, quy tụ các công ty cấp nước hàng đầu Việt Nam; với nguồn lực còn nhiều khó khăn; giá nước sạch được ban hành từ 2016 và giữ nguyên từ 2018 (đến nay gần 10 năm); trong bối cảnh chi phí nguyên, nhiên, vật liệu, hóa chất, điện năng, nhân công… đầu vào đều tăng mạnh, nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm phát huy nội lực để mang đến chất lượng nước, chất lượng dịch vụ tốt nhất, ngày càng hoàn hảo cho người dân thành phố Huế.

Bày tỏ đồng tình với ý kiến trên, Chủ tịch Hội CTN Việt Nam - Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Điệp cho biết: Một trong những vướng mắc về xây dựng giá thành nước sạch theo hướng dẫn của Thông tư 44/2021/TT-BTC mà Hội đang trao đổi với Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính đó là: Việc xây dựng giá thành – giá nước sạch phải đi đôi với chất lượng dịch vụ (lấy chất lượng dịch vụ làm thước đo của giá bán nước sạch cho khách hàng, không thể cào bằng, phi thị trường).

Một khó khăn khác nữa mà HueWACO đang đối mặt là phải đảm bảo cấp nước cả khu vực đô thị và nông thôn, trong khi việc đầu tư hạ tầng tại khu vực nông thôn cần nguồn vốn lớn, suất đầu tư cao trong khi nhu cầu sử dụng thấp, thời gian thu hồi vốn chậm. Giá nước giai đoạn 2016-2018 phải thực hiện bù chéo giữa khu vực đô thị và nông thôn nhằm đảm bảo thực hiện mục tiêu khuyến khích người dân khu vực nông thôn, miền núi sử dụng nước sạch, nâng tỷ lệ sử dụng nước sạch toàn thành phố đạt 100%.

Dù vậy, để đáp ứng kỳ vọng của người dân thành phố Huế - đô thị trực thuộc Trung ương thứ 6 của Việt Nam; đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, khi công nghệ ngành sản xuất nước phát triển rất nhanh và mạnh, HueWACO không những nỗ lực và chuẩn bị nguồn lực, đầu tư đổi mới để không bị tụt hậu, bắt kịp xu hướng phát triển chung của ngành nước Việt Nam và thế giới.

(còn nữa)

Bài, ảnh: N. Ngọc – Q. Anh – H. My

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/kinh-te/cap-nuoc-an-toan-va-nang-cao-chat-luong-dich-vu-bai-1-no-luc-mo-rong-mang-luoi-bao-phu-cap-nuoc-152053.html