Cấp phép khai quật khẩn cấp 13 cọc gỗ mới phát hiện
Hải Phòng cho phép khai quật khảo cổ khẩn cấp tại khu vực ao cá nhà ông Đào Văn Đến; Tổ chức cuộc thi 'Phụ nữ Hải Dương – Duyên dáng áo dài'; Nam Định huy động các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển văn hóa là những thông tin nổi bật tại các tỉnh Hải Phòng, Hải Dương, Nam Định.
Hải Phòng: UBND thành phố vừa cho phép Viện Khảo cổ học phối hợp với Bảo tàng Hải Phòng, UBND huyện Thủy Nguyên khai quật khảo cổ khẩn cấp tại khu vực ao cá nhà ông Đào Văn Đến, thôn 11, xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng. Thời gian khai quật từ ngày 18/2 đến 31/3/2020, diện tích khai quật là 400m2.
Theo đó, UBND thành phố Hải Phòng yêu cầu, trong thời gian khai quật 13 cọc gỗ, các cơ quan được cấp giấy phép cần chú ý bảo vệ địa tầng của di tích, có trách nhiệm tuyên truyền cho nhân dân về việc bảo vệ di sản văn hóa ở địa phương, không công bố kết luận chính thức khi chưa có sự thỏa thuận của UBND thành phố Hải Phòng và Cục Di sản văn hóa.
Những hiện vật thu thập được trong quá trình khai quật, Bảo tàng Hải Phòng, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hải Phòng có trách nhiệm giữ gìn, bảo quản tránh để hiện vật bị hư hỏng, thất lạc; đồng thời, báo cáo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; UBND thành phố Hải Phòng phương án bảo vệ, phát huy giá trị những hiện vật đó.
Hải Dương: Hội Phụ nữ tỉnh Hải Dương sẽ tổ chức cuộc thi ảnh "Phụ nữ Hải Dương - Duyên dáng áo dài" trên mạng xã hội Facebook. Toàn thể cán bộ, hội viên và phụ nữ trong tỉnh đều có thể tham gia cuộc thi này. Dự thi là những bức ảnh cá nhân, tập thể ghi lại khoảnh khắc đẹp của cán bộ, hội viên phụ nữ trong trang phục áo dài truyền thống tại các hoạt động, sự kiện của tổ chức hội, cộng đồng, gia đình... từ trước đến nay.
Ảnh dự thi sẽ được đăng tải trên Fanpage "Phụ nữ Hải Dương - Duyên dáng áo dài". Cách thức tính điểm dựa vào số lượt bày tỏ cảm xúc và chia sẻ ở chế độ công khai của mỗi tác phẩm dự thi trên Fanpage.
Nam Định: Sau hơn 10 năm thực hiện "Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020", Nam Định đã đạt được những thành tựu quan trọng trong việc huy động các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển văn hóa, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Để huy động hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa nhằm thực hiện "Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020", các cấp ủy Đảng, chính quyền đã tập trung chỉ đạo; các sở, ban, ngành, đoàn thể, các huyện, thành phố căn cứ tình hình, nhiệm vụ thực tế của địa phương, đơn vị xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể. Từ đó, công tác xã hội hóa hoạt động văn hóa được thực hiện đồng bộ ở nhiều mặt và đạt được những kết quả tích cực, tiêu biểu như: Hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể; xây dựng và khai thác có hiệu quả các thiết chế văn hóa phục vụ đời sống văn hóa tinh thần của người dân các địa phương.
Toàn tỉnh hiện có 384 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng; trong đó có 2 di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt, 83 di tích xếp hạng quốc gia, 4 nhóm bảo vật quốc gia. Trong hơn 10 năm qua, công tác xã hội hóa hoạt động trùng tu, tôn tạo di tích đã được triển khai hiệu quả. Một số di tích lịch sử - văn hóa đã được bảo tồn, tôn tạo ngăn chặn xuống cấp kịp thời từ nguồn kinh phí xã hội hóa như: Di tích quốc gia đặc biệt Đền Trần, chùa Phổ Minh, phường Lộc Vượng (thành phố Nam Định); Quần thể di tích lịch sử - văn hóa Phủ Dầy, xã Kim Thái (Vụ Bản); Đình và Miếu Cao Đài, xã Mỹ Thành; Đình làng Tiểu Liêm, xã Mỹ Thịnh (Mỹ Lộc)... Các huyện thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa công tác tu bổ, tôn tạo di tích là: Hải Hậu, Nam Trực, Mỹ Lộc, Giao Thủy...
Với bề dày truyền thống văn hóa cùng hệ thống công trình di tích tỉnh Nam Định là nơi hội tụ và lưu giữ được nhiều di sản văn hóa phi vật thể có giá trị bao gồm các loại hình nghệ thuật, diễn xướng dân gian, lễ hội, các làng nghề thủ công truyền thống. Tiêu biểu như thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; 9 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia gồm: Lễ hội Đền Trần, Lễ hội Phủ Dầy, Nghi lễ Chầu văn của người Việt tại Nam Định, Nghệ thuật Ca trù, Nghề sơn mài truyền thống Cát Đằng, Lễ hội Chùa Keo Hành Thiện, Lễ hội Chùa Đại Bi, Lễ hội Đền - Chùa Linh Quang, Lễ hội đền thờ Tổ đúc đồng Tống Xá. Thời gian qua, việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu liên quan đến các nghi lễ thờ cúng và các sinh hoạt văn hóa truyền thống trong các lễ hội được các địa phương khôi phục và phát huy thông qua huy động nguồn lực xã hội hóa, trong đó tiêu biểu là lễ hội Phủ Dầy, xã Kim Thái (Vụ Bản).
Toàn tỉnh hiện có trên 3.000 thôn, xóm, tổ dân phố có nhà văn hóa, sân tập thể thao. Nhiều địa phương như các huyện Hải Hậu, Xuân Trường, Giao Thủy, Trực Ninh, Nghĩa Hưng… đã thực hiện tốt việc xây dựng, phát huy hiệu quả thiết chế văn hóa cơ sở. Với sự tham gia của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của nhân dân, đến nay, cả 25 xã, thị trấn trong huyện đều có nhà văn hóa, trung tâm văn hóa - thể thao; 283 thôn, xóm, tổ dân phố có nhà văn hóa.
Thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh Nam Định sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vai trò của việc huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển văn hóa. Tiếp tục rà soát, tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa xuống cấp theo đúng Luật Di sản bằng các nguồn vốn hợp pháp. Khuyến khích các thành phần kinh tế, cá nhân, tập thể, doanh nghiệp, tổ chức xã hội tham gia đóng góp để xây dựng hệ thống thiết chế và tham gia hoạt động văn hóa cơ sở.