Cấp phiếu Lý lịch tư pháp trên VNeID: Chú trọng thúc đẩy phát triển cơ sở dữ liệu
Chiều 9/5, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh đã chủ trì Hội nghị Giao ban Tổ công tác Đề án 06 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia, giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến 2030.
Báo cáo tại Hội nghị, Phó Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Lê Tuấn Phong cho biết, về tiến độ số hóa hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) tại Bộ Tư pháp, hiện nay, việc thực hiện số hóa hồ sơ giải quyết TTHC thuộc lĩnh vực nuôi con nuôi, hộ tịch, đăng ký giao dịch bảo đảm đang được tiếp tục thực hiện và đảm bảo theo quy định.
Về việc xây dựng Báo cáo về lộ trình thực hiện chi tiết đối với việc thực hiện số hóa dữ liệu có thông tin liên quan đến thực hiện dịch vụ công theo Đề án 06 và các dịch vụ công được người dân sử dụng nhiều nhất gửi Tổ Công tác Đề án 06 của Chính phủ. Cục Công nghệ thông tin đã tham mưu Bộ ban hành Công văn số 1879/BTP-CNTT về việc tham gia ý kiến các mô hình nghiệp vụ dự kiến triển khai tại Trung tâm dữ liệu quốc gia, theo đó, đã cung cấp một số thông tin về hiện trạng số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC tại Bộ Tư pháp.
Về phục vụ xử lý thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công đối với các nhóm thủ tục hành chính, Dịch vụ công liên thông thuộc trách nhiệm chủ trì của Bộ Tư pháp đạt nhiều kết quả, trong đó, nhiệm vụ cấp Phiếu LLTP trên VNeID đã có nhiều kết quả rất tích cực, cụ thể, từ ngày 22/4 - 7/5/2024, TP Hà Nội và tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện cấp Phiếu LLTP trên ứng dụng VNeID, kết quả, tại Hà Nội hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu LLTP trên VNeID là 2269/5779 (39.26%); tại Thừa Thiên Huế hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu LLTP trên VneID là 515/826 (62.34%). Qua theo dõi thông tin, các địa phương đều cho rằng, việc triển khai phương thức mới này trong cấp phiếu LLTP là rất thuận lợi cho người dân và cả cán bộ tiếp nhận hồ sơ; thuận lợi trong phối hợp xác minh thông tin LLTP.
Về kết nối CSDL hộ tịch điện tử và một số phần mềm nghiệp vụ trong các lĩnh vực: LLTP; Quốc tịch; Trợ giúp pháp lý; Thi hành án dân sự với CSDLQG về dân cư, Bộ Tư pháp tiếp tục duy trì, bảo đảm kết nối, cung cấp đầy đủ, ổn định nguồn thông tin đầu vào (dữ liệu đăng ký khai sinh) cho CSDLQG về dân cư, bảo đảm cấp số định danh cá nhân cho trẻ em khi đăng ký khai sinh theo quy định. Ngày 19/4/2024, Bộ Tư pháp đã có Công văn số 1993/BTP-HTQTCT gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai việc trang bị máy tính, trang thiết bị phục vụ công tác đăng ký, quản lý hộ tịch.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh đề nghị các đơn vị tích cực làm việc với Thường trực Tổ công tác Đề án 06 tháo gỡ các khó khăn, điểm nghẽn về kết nối, chia sẻ dữ liệu, xây dựng kế hoạch, lộ trình số hóa các trường dữ liệu đầy đủ, đảm bảo triển khai các CSDLQG, CSDL chuyên ngành; làm việc với Hà Nội về việc thực hiện thí điểm TTHC Đăng ký kết hôn, xác nhận tình trạng hôn nhân.
Đối với các nhiệm vụ liên quan đến cấp Phiếu LLTP trên VNeID thí điểm tại TP Hà Nội và tỉnh Thừa Thiên Huế, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh đề nghị Trung tâm LLTP quốc gia có tổng hợp, đánh giá tình hình triển khai, tìm kiếm các giải pháp khắc phục các khó khăn, vướng mắc, trong đó, chú trọng thúc đẩy phát triển CSDL; bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của quá trình triển khai cấp Phiếu LLTP trên VNeID; chủ động báo cáo, tham mưu lãnh đạo Bộ phụ trách để có những chỉ đạo sát sao, nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện, đáp ứng những yêu cầu đã đề ra.
Đồng thời, đề nghị các đơn vị xây dựng pháp luật tiếp tục phối hợp, tham gia tích cực với các bộ, ngành trong xây dựng các VBQPPL liên quan triển khai Đề án 06. Cục Bổ trợ tư pháp, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia khẩn trương hoàn thành nhiệm vụ sửa đổi, bổ sung VBQPPL để thực thi phương án đơn giản hóa TTHC theo yêu cầu tại Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 04/7/2017 đảm bảo đúng thời hạn như đã đề xuất tại Báo cáo số 155/BC-TCT của Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ.