Cấp sắc - Nghi lễ bắt buộc với người đàn ông Dao trưởng thành
Với đồng bào Dao nói chung, cấp sắc là một nghi lễ quan trọng. Đã là người con trai Dao ai cũng phải qua lễ cấp sắc mới được coi là trưởng thành.
Với đồng bào Dao đỏ Lào Cai, cấp sắc ngoài ý nghĩa được công nhận là con cháu Bàn Vương, để trở thành người Dao chính thống thì trong lễ cấp sắc còn có phong sắc cho những ai có khả năng học được trở thành thầy cúng lớn (Tầm sai) để làm thầy cả trong lễ tang, lễ cấp sắc, lễ cúng Bàn Vương...
Thầy cúng lớn (Tầm sai) Chẻo Tờ Sài ở xã Tòng Sành, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai cho biết: “Người Dao đỏ chúng tôi sau khi đàn ông kết hôn, ai cũng phải làm lễ cấp sắc. Bởi theo quan niệm của đồng bào, người con trai nào không được cấp sắc, khi sống không được thờ cúng cha mẹ, khi chết không được về với tổ tiên, không được công nhận là con cháu của Bàn Vương (tổ tiên của người Dao). Có trải qua lễ cấp sắc thì sau này có thắp hương cho tổ tiên thì tổ tiên mới nhận được lòng thành của con cháu.
Lễ cấp sắc còn là dịp con cháu tìm về cội nguồn, chiêu hồn dâng lên tổ tiên những mong tổ chiên chứng giám cho sự trưởng thành, phù hộ cho con cháu, gia đình làm ăn phát tài phát lộc”.
Lễ cấp sắc của người Dao đỏ ở xã Tòng Sành chỉ làm cho đàn ông đã kết hôn. Những người bình thường đa số chỉ làm lễ cấp sắc ba đèn (quá phàm thoi tang). Chỉ có một số người có trí thông minh, có nguyện vọng thì được phong sắc 7 đèn hoặc 9 đèn (khziết phinh tang, chuaz phinh tang), chưa có cấp sắc đến 12 đèn.
Anh Chẻo Chỉn Páo, người dân ở bản Cang Hồ, xã Tòng Sành cho biết: các lễ vật chuẩn bị cho lễ cấp sắc phải có gồm lợn, gà, rượu, gạo nếp, các loại tiền giấy, quần áo mới... Bởi lễ này có ý nghĩa quan trọng với đồng bào Dao đỏ, khẳng định sự trưởng thành và vị thế của người đàn ông Dao, nên mỗi lễ vật trong nghi lễ đều phải do các thành viên trong gia đình, dòng họ tự tay chăn nuôi, chuẩn bị trong một năm.
Anh Chẻo Chỉn Páo cho biết: “Tôi cấp sắc cách đây hai năm rồi. Khi làm lễ cấp sắc ba đèn gia đình tôi phải chuẩn bị kỳ công từ khá lâu, từ chăn nuôi gia súc, gia cầm, cắt tiền giấy và ủ những chum rượu thơm nhất, chuẩn bị quần áo mới rồi đi mời 3 thầy cúng, treo tranh bàn vương, làm lễ cấp sắc cho thật chu toàn. Từ đời này quan đời khác phải làm, nếu không làm lễ cấp sắc thì làm ăn không tốt. Nét đẹp văn hóa của dân tộc mình thì con cháu không thể bỏ được”.
Trước ngày làm lễ, các thầy cúng và những người giúp việc phải tập trung trước hai ba ngày. Trước khi vào lễ, mọi ngươì̀ đều phải tắm rửa sạch sẽ. Riêng vợ chồng người được làm lễ cấp sắc phải kiêng chuyện vợ chồng trước đó một tháng và sau làm lễ ba ngày, tuyệt đối không được mắng chửi con cháu, kị nói tục.
Lễ cấp sắc 3 đèn của đồng bào được tổ chức một ngày một đêm và phải sang giờ tý. Trong lễ cấp sắc có rất nhiều nghi thức. Sau khi chuẩn bị xong các lễ vật, thầy cúng lớn làm lễ cúng báo, mời tổ tiên, các đấng thần linh về dự; sau đó 2 thầy cúng phụ treo tranh “Đại Đường”. Sau lễ trình diện của những người xin được cấp sắc, thầy cúng sẽ làm lễ lên đèn, trao quân (cấp âm binh-tức là những bậc tiền bối đã khuất luôn đi theo để bảo vệ). Với người cấp sắc ba đèn thì được trao 36 âm binh, bảy đèn thì 72 âm binh, 12 đèn thì 120 âm binh.
Xong nghi thức này sẽ đến lễ qua cầu, đặt tên âm. Đối với người cấp sắc bình thường (phàm thoi tang-cấp sắc ba đèn) thì múa rùa là nghi thức cuối cùng để kết thúc lễ. Nghi thức múa rùa có ý nghĩa mong muốn những người đã khuất linh thiêng phù hộ độ trì dương cơ âm mộ, mọi chỗ tốt lành, con cháu khỏe mạnh, gia đạo hưng long thịnh vượng.
Sau khi làm lễ xong, thầy cúng mời thần thánh về đàn uống rượu nhận lễ chia tay. Sau đó gia chủ sẽ làm một bữa rượu liên hoan mời gia đình họ hàng, bà con chòm xóm mừng cho gia chủ.
Thầy cúng Chẻo Kim Xà ở Bản Chu Cang Hồ, xã Tòng Sành cho biết: “Đây là một nghi lễ ý nghĩa của dân tộc Dao. Thứ nhất là dịp để con cháu cúng báo cho tổ tiên, thần thánh. Thứ hai lễ cấp sắc là dịp trình diện những người xin cấp sắc, có kèn trống, thanh la, não bạt. Tạo nên không khí nhộn nhịp, trang nghiêm. Thứ ba là còn có nghi thức lên đèn và giao quân (cấp âm binh cho người được cấp sắc). Thứ tư là lễ đặt tên (đặt pháp danh cho người mới được cấp sắc).
Từ đây người đàn ông Dao có thêm một cái tên thứ 3. Tên này chỉ dùng trong lúc cúng tế để tự xưng. Khi chết đi là tên của Tiên. Đây là nét đẹp văn hóa cần được phát huy và bảo tồn để con cháu mai sau biết được cội nguồn của dân tộc mình”
Cấp sắc quan trọng, ý nghĩa là vậy nên được cộng đồng người Dao giữ gìn, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và trở thành một nét văn hóa tâm linh không thể thiếu của mỗi gia đình người Dao./.