Cấp 'sổ đỏ' trước cho 33.000 căn hộ tại các dự án vi phạm
Hà Nội sẽ cấp trước giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 33.000/62.000 căn hộ tại 206 dự án có vi phạm trên địa bàn
Chiều 14-6, Thường trực HĐND TP Hà Nội tổ chức phiên họp nghe giải trình về việc giải quyết kiến nghị của cử tri từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 đến nay trên địa bàn TP Hà Nội.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết trong thời gian qua, công tác tiếp xúc cử tri, giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri luôn được Thành ủy, HĐND, UBND thành phố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo với nhiều đổi mới theo hướng thực chất, hiệu quả.
Tuy nhiên, qua giám sát của Thường trực HĐND, các Ban HĐND, Tổ đại biểu HĐND thành phố, bên cạnh những kết quả đạt được, việc giải quyết và trả lời kiến nghị cử tri ở một số lĩnh vực, địa phương chất lượng còn chưa cao. Một số kiến nghị của cử tri đã nhiều năm, qua nhiều kỳ tiếp xúc của đại biểu HĐND thành phố nhưng chưa được giải quyết dứt điểm, hiệu quả.
Thường trực HĐND thành phố sẽ thông qua kết luận phiên giải trình và tổ chức giám sát việc thực hiện để đảm bảo kỷ luật, kỷ cương, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý của bộ máy chính quyền, đáp ứng sự mong mỏi, kỳ vọng của cử tri và nhân dân Thủ đô.
Tại buổi giải trình, đại biểu Hồ Thị Vân Nga (Trưởng Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND thành phố) cho biết với 300 kiến nghị trong lĩnh vực kinh tế ngân sách thì có 50 câu trả lời chưa rõ, chưa hết nội dung, 127 câu chưa rõ tiến độ giải quyết; hiện vẫn còn 101 nội dung cử tri kiến nghị cần phải giải quyết triệt để.
Theo bà Nga, một số kiến nghị, các sở, ngành còn trả lời chưa thỏa đáng. Đại biểu dẫn chứng kiến nghị của các hộ dân nhà chung cư G4 phường Trung Hòa (quận Cầu Giấy), cử tri ở chung cư CT6 và 16B Nguyễn Thái Học (quận Hà Đông) hay cư dân khu nhà HH Linh Đàm (quận Hoàng Mai) về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bảo đảm quyền lợi của người dân khi chủ đầu tư vi phạm…
"Chủ đầu tư vi phạm đã có kết quả thanh tra, kiểm tra nhưng khi các chủ đầu tư không có khả năng thực hiện kết luận thanh tra, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) sẽ làm gì để trả lời, giải quyết dứt điểm kiến nghị của cử tri?" - bà Nga đặt câu hỏi.
Bà Nga nêu ví dụ dự án mở rộng và hoàn thiện đường Láng-Hòa Lạc từ lâu nhưng chủ đầu tư là Công ty Vinaconex vẫn nợ dân tiền giải phóng mặt bằng, tiền tạm cư thì bao giờ mới giải quyết xong?
Trả lời đại biểu, ông Lê Thanh Nam, Giám đốc Sở TN-MT Hà Nội, cho biết hiện toàn thành phố còn 206 dự án còn vướng mắc do sai phạm về quy hoạch, tự ý chuyển đổi công năng, nghĩa vụ tài chính… Thành phố đã có chỉ đạo, sẽ thực hiện song song việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân cùng với xử lý vi phạm của chủ đầu tư.
Theo ông Nam, 206 dự án trên có khoảng 62.000 căn hộ. Sở đã báo cáo UBND thành phố để cấp trước giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 33.000 căn hộ xây đúng quy hoạch, còn 29.000 căn hộ xây dựng vi phạm quy hoạch đang chờ xử lý, việc này Thanh tra Chính phủ đã vào cuộc. Thanh tra Chính phủ đã báo cáo cấp có thẩm quyền cho ý kiến chỉ đạo về việc cho phép tồn tại hay không, xử phạt thế nào với các công trình vi phạm. Sở sẽ bám sát Thanh tra Chính phủ để sớm giải quyết kiến nghị của cử tri.
Với kiến nghị của người dân liên quan đến dự án mở rộng và hoàn thiện đường Láng-Hòa Lạc, Giám đốc Sở TN-MT Hà Nội cho hay một số hộ bàn giao đất nhưng phương án có sai nên các cơ quan chức năng phải xem xét lại. Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ TN-MT sẽ sớm có kết luận và Sở sẽ bám sát các cơ quan chức năng để tháo gỡ những tồn đọng.
Về vấn đề này, ông Phạm Quý Tiên, Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội, cho rằng nội dung liên quan mở rộng và hoàn thiện đường Láng-Hòa Lạc đã kiến nghị 5 năm qua, ông Tiên yêu cầu lần này phải cố gắng giải quyết dứt điểm...