Cấp thẻ Căn cước cho người dưới 6 tuổi phải thông qua người đại diện hợp pháp
Theo quy định của Luật Căn cước vừa được Quốc hội khóa XV thông qua, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-7-2024, việc cấp thẻ Căn cước cho người dưới 6 tuổi phải thông qua người đại diện hợp pháp.
Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội thông tin Luật Căn cước có nhiều điểm mới, trong đó có quy định cấp thẻ Căn cước cho nhóm đối tượng từ 0-6 tuổi.
Bộ Công an đang xây dựng thông tư quy định về mẫu thẻ căn cước, mẫu giấy chứng nhận căn cước. Theo đó, hai mẫu thẻ gồm thẻ dùng cho các trường hợp từ 6 tuổi trở lên và mẫu cho công dân dưới 6 tuổi (không có thông tin sinh trắc, ảnh, vân tay).
Việc cấp thẻ căn cước cho trẻ từ 0-6 tuổi phải thông qua người đại diện hợp pháp. Để thực hiện, người đại diện hợp pháp làm thủ tục cấp thẻ căn cước cho con em dưới 6 tuổi qua cổng dịch vụ công hoặc ứng dụng VNeID.
Nếu người dưới 6 tuổi chưa đăng ký khai sinh, người đại diện hợp pháp thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước qua các thủ tục liên thông với đăng ký khai sinh trên cổng dịch vụ công, VNeID hoặc trực tiếp tại cơ quan quản lý căn cước.
Ngoài ra, khoản 2 điều 38 Luật Căn cước quy định công dân không phải nộp lệ phí khi được cấp thẻ căn cước lần đầu.
Cũng theo Đại tá Vũ Văn Tấn, Luật Căn cước quy định, khi công dân đề nghị cấp thẻ căn cước thì cơ quan chức năng thu nhận thông tin về mống mắt của người đó.
Việc thu nhận thông tin về mống mắt giúp nhanh chóng cung cấp thông tin để xác thực cá nhân với độ chính xác cao qua các thiết bị không yêu cầu tiếp xúc vật lý.
Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát QLHC về TTXH nhấn mạnh, nhận dạng mống mắt giúp xác thực chính xác và nhanh chóng ngay cả khi không có căn cước. Sử dụng kết hợp với dữ liệu sinh trắc học bổ sung lẫn nhau, chẳng hạn như vân tay, ảnh khuôn mặt, cho phép xác thực cá nhân một cách chính xác, chống lại hành vi mạo danh.
Do đó, thông tin về mống mắt giúp việc xác thực cá nhân bảo đảm tính chính xác cao, dễ dàng trong việc thực hiện, triển khai các ứng dụng để phục vụ công tác quản lý, phòng chống tội phạm và phát triển kinh tế số, công dân số.
Còn về vấn đề bảo mật, an toàn thông tin, Đại tá Vũ Văn Tấn khẳng định, thông tin công dân được bảo mật dựa trên các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế ở mức mã hóa cao nhất. Người dân hoàn toàn có thể yên tâm về việc không bị lộ, lọt dữ liệu.
Còn việc thu thập cả ADN và giọng nói vào cơ sở dữ liệu căn cước sẽ do cơ quan có thẩm quyền chuyển cho cơ quan quản lý căn cước, hoặc xuất phát từ sự tự nguyện của công dân.