Cấp thiết bổ sung nhân lực cho đăng kiểm

Nhằm 'chi viện' cho Cục Đăng kiểm Việt Nam, lực lượng Công an bắt đầu vào cuộc, còn lực lượng Quân đội cũng đã sẵn sàng. Song đây chỉ là giải pháp tình thế, còn về lâu dài, giải bài toán về vấn đề thiếu hụt nhân lực đang được đặt ra.

Chi viện lực lượng là cấp thiết và cần thiết

Ngày 11/3/2023, 50 chiến sĩ cảnh sát giao thông đủ điều kiện nghiệp vụ đã được tăng cường cho các trung tâm đăng kiểm (TTĐK) đang bị quá tải. Ngay sau đó, 30 cán bộ chiến sĩ đã thực thi nhiệm vụ tại 10 TTĐK ở Hà Nội, 20 cán bộ làm nhiệm vụ tại 9 TTĐK ở TP Hồ Chí Minh.

Thiếu tá Hùng Thế Huy (Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Thái Nguyên) cho biết, cán bộ đăng kiểm của lực lượng cảnh sát giao thông bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ khá nhanh vì các công đoạn kiểm định xe dân sự khá tương đồng với đăng kiểm xe trong lực lượng công an. “Trong công việc hàng ngày thường xuyên kiểm tra phương tiện cùng các đồng đội, nên qua hướng dẫn sơ bộ chúng tôi đều có thể tiến hành thuần thục mà không gặp trở ngại gì, sẵn sàng thực hiện công việc ngay lập tức” - Thiếu tá Huy cho hay.

Song song với lực lượng Công an, Cục Xe - Máy, Tổng cục Kỹ thuật, Bộ Quốc phòng - đơn vị phụ trách đăng kiểm ô tô cho lực lượng Quân đội - cũng đang rà soát các đăng kiểm viên trong ngành để tăng cường cho các trạm đăng kiểm dân sự trên cả nước. Đại diện Cục Xe - Máy cho biết, cần phải rà soát kỹ trước khi thống nhất cử bao nhiêu nhân sự chi viện cho ngành giao thông vận tải, do lực lượng này vẫn phải thường trực đáp ứng các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Bên cạnh đó, Cục Xe - Máy cũng sẽ đề nghị những nhân sự từng là đăng kiểm viên, nay đã chuyển công tác, trở lại tập huấn để hỗ trợ hoạt động đăng kiểm.

Ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, trong thời điểm này, việc tăng cường nhân lực cho Cục Đăng kiểm là vô cùng cần thiết. Vấn đề lo ngại nhất là sự khác nhau về phần mềm thì hiện việc kết nối dữ liệu đã được xử lý và kết nối với Cục Đăng kiểm để các trung tâm thuộc lực lượng Công an có thể đăng kiểm phương tiện dân sự.

Còn theo TS Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông, chi viện lực lượng Công an, Quân đội là việc nên làm trong lúc khó khăn.

Nhanh chóng điều tra kết thúc vụ án

Đến nay cơ quan Công an đã khởi tố, bắt giam hơn 400 lãnh đạo, đăng kiểm viên tại hơn 68 đơn vị đăng kiểm xe cơ giới, có 61/281 TTĐK dừng hoạt động dẫn đến tình trạng ùn tắc nghiêm trọng, đặc biệt là tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hòa Bình..., ảnh hưởng đến khả năng phục vụ nhu cầu kiểm định xe cơ giới.

Trước tình hình trên, để tháo gỡ khó khăn, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) kiến nghị Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ giao Bộ này sớm nghiên cứu xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 139/2018/NĐ-CP theo trình tự, thủ tục rút gọn để cập nhật, bổ sung các quy định phù hợp với tình hình hiện nay và xu thế phát triển. Cụ thể, trước mắt, trong thời gian xây dựng nghị định sửa đổi, bổ sung, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ ban hành Nghị quyết cho phép áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù để giải quyết tình hình ùn tắc kiểm định xe ô tô.

Theo đánh giá của chuyên gia giao thông Nguyễn Văn Thanh, hiện cơ sở vật chất kỹ thuật các TTĐK cơ bản đã đầy đủ. Do đó ngành Công an cần nhanh chóng đẩy nhanh tiến độ điều tra và kết luận vụ án. Ai có tội thì bị xử lý, còn các đăng kiểm viên khác không có tội thì để cho họ trở về làm việc. Ông Thanh cũng cho rằng, hiện đào tạo 1 đăng kiểm viên bình thường là 1 năm, đăng kiểm viên cao cấp là 4 năm. Cho nên vấn đề con người cũng cần phải có thời gian đào tạo chứ không phải muốn là có được ngay. Theo ông Thanh, có thể xây dựng phương án cho phép các cơ sở bảo dưỡng sửa chữa ô tô 3S, 4S của các nhà sản xuất ô tô chính hãng thực hiện công tác kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho xe cơ giới nhưng cần xây dựng cơ chế giám sát với tiêu chuẩn và có chế tài xử lý nghiêm nếu xảy ra sai phạm.

TS Nguyễn Xuân Thủy cũng đồng tình với việc cho phép các cơ sở bảo dưỡng sửa chữa ô tô 3S, 4S của các nhà sản xuất ô tô chính hãng thực hiện công tác kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho xe cơ giới. Theo ông Thủy, không nên lo ngại việc các cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa ô tô 3S, 4S của các nhà sản xuất ô tô chính hãng tiêu cực. Vì con người nếu có tiêu cực thì ở chỗ nào cũng tiêu cực. “Cái chính là có nề nếp, kỷ cương rõ ràng thì không thể có tiêu cực” - ông Thủy nói và nhấn mạnh rằng: Lực lượng đăng kiểm của Việt Nam rất giỏi. Chỉ có điều thời gian qua Bộ GTVT buông lỏng quản lý, thiếu kiểm soát đối với Cục Đăng kiểm nên mới để xảy ra những hậu quả đáng tiếc. Còn thực chất các cơ sở bảo dưỡng sửa chữa ô tô 3S, 4S của các nhà sản xuất ô tô chính hãng thực hiện công tác kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho xe cơ giới hoàn toàn yên tâm về chất lượng.

H.Vũ

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/cap-thiet-bo-sung-nhan-luc-cho-dang-kiem-5712072.html