Cấp thiết cải tạo 144 cầu tạm, cầu yếu ở Hà Nội
Hiện tại trên địa bàn Hà Nội còn 144 cây cầu tạm, cầu yếu không đảm bảo và không đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Lan can xuất hiện nhiều vết nứt, bong tróc lộ cả sắt bên trong, là tình trạng xuống cấp xảy ra tại cầu Trắng thuộc địa bàn quận Hà Đông (Hà Nội). Không những thế, miếng sắt ở một số khe co giãn trên thành cầu bị hoen gỉ, tạo ra những lỗ hổng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn đối với người đi bộ.
Hàng ngày đi bộ qua cây cầu này, chị Nguyễn Thị Thảo Huyền (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ: "Phương tiện giao thông qua lại nhiều khiến cầu bị rung lắc nhẹ, mỗi lần đi qua cầu tôi đều cảm thấy bất an. Thi thoảng lại có khe hở trên mặt đường, nhìn cả được xuống dưới lòng sông. Nếu ai không để ý rất dễ bị vấp, té ngã".
Là người dân ở gần cây cầu Trắng, chị Tạ Thị Thoan cho biết: "Từ lâu, lan can của cầu đã bị xuống cấp, nứt, bong tróc lộ hết cả sắt. Giờ người ta lại gắn thêm đèn, rồi thêm cả các búi dây điện, càng làm cho lan can của cầu nứt, bong tróc thêm".
Theo thông tin của Sở GTVT Hà Nội, hiện nay trên địa bàn thành phố còn 144 cầu tạm, cầu yếu, cầu dân sinh đã xuống cấp chưa được đầu tư cải tạo, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Trong đó, hiện có 55 công trình cầu do thành phố quản lý cần thiết phải đầu tư cải tạo, sửa chữa.
TS. Phan Lê Bình, một chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm về lĩnh vực giao thông, Trưởng đại diện văn phòng tư vấn OCG Nhật Bản nhận định: "144 cây cầu ở Hà Nội được đánh giá bị yếu, xuống cấp là thực trạng đáng quan ngại. Những cây cầu yếu ở Hà Nội phần nào sẽ ảnh hưởng tới việc đi lại của người dân, đặc biệt là hoạt động chuyên chở với khối lượng lớn.
Nguyên tắc, trong trường hợp cầu yếu, chúng ta phải hạn chế chủng loại xe. Chẳng hạn, một số cầu trước đây ô tô có thể lưu thông, nhưng sau khi xác định bị yếu thì phải hạn chế lưu thông hoặc hạn chế tải trọng…, buộc phương tiện phải đi đường vòng. Sau khi cơ quan chức năng kiểm tra, đánh giá và phân loại được, hy vọng thời gian sớm nhất, tất cả những cây cầu này sẽ được sửa chữa hoặc thay thế mới, đảm bảo an toàn, thuận tiện cho người dân, cũng như các hoạt động, sản xuất kinh doanh khác", TS. Bình nói.
Thông tin từ Sở GTVT Hà Nội cho biết, Sở đã đánh giá, phân loại các công trình cầu tạm, cầu yếu thành 3 nhóm để làm cơ sở đề xuất danh mục và thứ tự ưu tiên đầu tư. Sở này khẳng định, trong giai đoạn 2024 – 2025 sẽ ưu tiên xử lý ngay các cây cầu đã xuống cấp nghiêm trọng, mất an toàn giao thông.
Đối với cầu đầu tư xây dựng mới, công tác chuẩn bị sẽ diễn ra trong giai đoạn năm 2024 - 2025. Giai đoạn từ năm 2026 - 2030, các cầu sẽ bước vào giai đoạn thực hiện đầu tư bao gồm: tổ chức khởi công, thi công xây dựng; bàn giao đưa vào khai thác sử dụng; quyết toán dự án hoàn thành.