Cấp thiết nhưng phải bền vững

Sau trận lũ quét tại huyện Kỳ Sơn, chính quyền và ban, ngành các cấp của tỉnh Nghệ An đang lên kế hoạch bố trí chỗ ở mới cho hàng trăm hộ dân bị mất nhà cửa và trong diện di dời khẩn cấp.

Việc tái định cư (TĐC) cho người dân vùng lũ quét, sạt lở đất là điều cấp thiết nhưng cũng đặt ra bài toán là tính hiệu quả bền vững của dự án khi nhiều bài học về bố trí TĐC kém hiệu quả tại Nghệ An còn đang hiện hữu.

Nhu cầu cấp thiết

Mặc dù đã gần 1 tháng sau trận lũ quét nhưng anh Vi Văn Ỏn (bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn) vẫn không dám ngủ lại nhà mình vì phía sau nhà có khoảng đồi đang bị sạt lở. Ban ngày gia đình anh Vi Văn Ỏn trở về dọn dẹp nhà cửa, buổi tối cả gia đình anh đi ngủ nhờ nhà người thân ở địa bàn khác. Gia đình anh đã ký cam kết di dời và đang chờ bố trí TĐC.

Theo số liệu mới nhất từ Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Kỳ Sơn, toàn huyện có 55 nhà bị trôi, sập hoàn toàn và 269 hộ dân trong diện phải di dời khẩn cấp, tập trung ở các xã: Tà Cạ, Bảo Nam, Nậm Cắn và thị trấn Mường Xén. Tại bản Hòa Sơn, phần lớn mặt bằng đã bị đất đá san phẳng. Ông Vi Văn Truyền, Trưởng bản Hòa Sơn cho biết: “Bản có 240 hộ thì có 138 nhà trong diện có nguy cơ cao sạt lở đất, cần phải di dời khẩn cấp. Số hộ còn lại cũng đang sống trong nơm nớp lo sợ vì sạt lở, lũ quét vẫn còn có nguy cơ tái diễn nên nhu cầu về TĐC sẽ rất lớn. Đại đa số bà con đều ám ảnh bởi trận lũ quét, không dám ở lại và nhất trí với chủ trương TĐC”.

 Cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh Nghệ An giúp dân khắc phục hậu quả lũ quét tại huyện Kỳ Sơn.

Cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh Nghệ An giúp dân khắc phục hậu quả lũ quét tại huyện Kỳ Sơn.

Trước mắt, để bảo đảm an toàn cho người dân, chính quyền huyện Kỳ Sơn đã nghiên cứu phương án làm nhà bạt, nhà tạm trong khi chờ xây dựng khu TĐC. UBND huyện Kỳ Sơn cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An đang xây dựng kế hoạch bố trí TĐC cho 269 hộ dân nằm trong các khu vực có nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất với diện tích 15ha, tổng kinh phí gần 70 tỷ đồng. 100% người dân thuộc diện di dời đều đồng thuận, nhất trí với chủ trương TĐC. Tuy nhiên, đối với huyện miền núi Kỳ Sơn, bố trí đất TĐC cho hàng trăm hộ dân rất khó khăn khi diện tích đất đai bằng phẳng chỉ chiếm khoảng 1% diện tích toàn huyện. Dù vậy, huyện Kỳ Sơn cũng đã nỗ lực khảo sát được 3 địa điểm trên địa bàn thị trấn Mường Xén và xã Tà Cạ. Trong đó, khu vực đất tại bản Cầu 8 của xã Tà Cạ là có nhiều thuận lợi nhất để kết nối giao thông, xây dựng điện lưới quốc gia và nước sinh hoạt tự chảy, trường học...

Đồng chí Vi Hòe, Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn cho biết: “Hiện chúng tôi đang phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định địa điểm khảo sát và khi có kết quả cuối cùng sẽ trưng cầu ý kiến người dân để tạo sự thống nhất, đồng thuận”.

Đừng lặp lại “vết xe đổ”

Khó khăn nhất trong TĐC đó là chọn được vị trí có các tiêu chí tốt hơn, hoặc chí ít cũng bằng nơi ở cũ. Nhiều bài học về các dự án TĐC xây dựng rồi bỏ hoang, kém hiệu quả còn hiện hữu khi người dân chỉ được quy hoạch chỗ ở, thiếu đất sản xuất nông nghiệp hoặc có đất sản xuất nhưng ở rất xa nơi TĐC, hệ thống giao thông đi lại không thuận lợi. Đơn cử như dự án: “Xây dựng mẫu các khu TĐC cho hộ dân vạn chài trên sông Lam và vùng đặc biệt khó khăn huyện Thanh Chương”. Theo đó, có gần 200 hộ dân vạn chài ven sông Lam và vùng đặc biệt khó khăn của huyện Thanh Chương sẽ được bố trí tại khu TĐC Khe Mừ, xã Thanh Thủy và khu TĐC Triều Dương, xã Thanh Lâm (Thanh Chương). Dự án được phê duyệt 84 tỷ đồng, triển khai từ năm 2016, đã xây dựng các hạng mục cơ bản như: Mặt bằng đất ở, đường dân sinh, đường điện, nhà văn hóa... rồi sau đó phơi nắng, phơi mưa, bỏ hoang nhiều năm. Được biết nguyên nhân dự án dừng lại giữa chừng là do thiếu vốn, vị trí TĐC chưa phù hợp nên người dân không chuyển đến. Người dân làng chài ven sông Lam có tập quán sinh sống, mưu sinh sông nước, trong khi đó, vùng đất TĐC được quy hoạch tại vị trí đất rừng.

Hay một ví dụ điển hình khác về bất cập trong bố trí TĐC là công trình thủy điện Bản Vẽ tại huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An. Dự án này đã bố trí TĐC 3.022 hộ dân, trong đó có 2.127 hộ phải di dời về các khu TĐC tập trung ở huyện Thanh Chương, cách nơi ở cũ hơn 100km. Dù đã được bố trí khu TĐC mới nhưng nhiều hộ dân đã rời khu TĐC, quay trở lại nơi ở cũ là vùng lòng hồ thủy điện để sinh sống, gây ra nhiều hệ lụy về công tác quản lý, phát triển kinh tế-xã hội, an ninh trật tự. Nguyên nhân là do điều kiện sống tại khu TĐC không bảo đảm; việc hỗ trợ, đền bù đất đai tại nơi ở cũ vùng lòng hồ chưa thỏa đáng; nơi ở mới không phù hợp với tập quán, sinh hoạt, cuộc sống người dân.

Một khó khăn cần lưu tâm trong việc xây dựng khu TĐC đó là nguồn kinh phí. Với quy hoạch chỗ ở mới cho 269 hộ dân và tổng kinh phí 70 tỷ đồng chắc chắn là vượt ngoài tầm với của huyện Kỳ Sơn, một huyện biên giới nghèo nhất, nhì tỉnh Nghệ An. Ngoài nguồn vốn TĐC theo quy định của Nhà nước, huyện Kỳ Sơn cũng cần chủ động các nguồn vốn xã hội hóa mới có thể hoàn thành các hạng mục của dự án. Đặc biệt, bố trí TĐC đối với đồng bào dân tộc thiểu số càng phải quan tâm đến phong tục, tập quán và sinh kế lâu dài cho bà con như đất sản xuất, việc làm, điều kiện để phát triển tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ... để hỗ trợ người dân an cư, lạc nghiệp.

Việc bố trí TĐC cho người dân vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất là một việc làm cấp thiết nhưng cũng không vì thế mà làm qua loa để rồi mang lại hiệu quả thấp, lãng phí tài sản, đầu tư của Nhà nước. Thực tế thời gian qua, nhiều dự án TĐC tại Nghệ An thực hiện còn chậm, chưa đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu. Tại cuộc họp bàn về công tác khắc phục hậu quả lũ quét tại huyện Kỳ Sơn, nói về việc TĐC cho bà con vùng bị ảnh hưởng, đồng chí Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho hay: “Đối với việc TĐC, tỉnh nhất trí chủ trương nhưng trên cơ sở phải bảo đảm sự đồng thuận của bà con và mang lại hiệu quả bền vững”.

Hy vọng rằng, dự án TĐC cho bà con vùng lũ quét, sạt lở đất sẽ sớm được hiện thực hóa theo đúng tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh Nghệ An, mang lại một cuộc sống tốt hơn cho người dân, không lặp lại “vết xe đổ” của những dự án TĐC đã từng triển khai.

Bài và ảnh: HOÀNG HOA LÊ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/cap-thiet-nhung-phai-ben-vung-709038