Cấp thiết tăng vốn bảo trì quốc lộ trọng điểm

Bộ GTVT vừa kiến nghị Chính phủ bố trí nguồn vốn sự nghiệp kinh tế đường bộ giai đoạn 2021-2025 tăng thêm 10%/năm cho công tác bảo trì đường bộ.

Nhiều điểm giao cắt đồng mức, thiếu cầu vượt, đường gom hoặc cống chui nên thường xuyên mất ATGT (Trong ảnh: Nút giao cắt chân cầu Đoan Vĩ, xã Gia Thanh, huyện Gia Viễn, Ninh Bình). Ảnh: Phúc Tuấn

Nhiều điểm giao cắt đồng mức, thiếu cầu vượt, đường gom hoặc cống chui nên thường xuyên mất ATGT (Trong ảnh: Nút giao cắt chân cầu Đoan Vĩ, xã Gia Thanh, huyện Gia Viễn, Ninh Bình). Ảnh: Phúc Tuấn

Mỗi năm, Tổng cục Đường bộ VN được cấp khoảng 8.000 tỷ đồng phục vụ công tác bảo trì khoảng 24.000km quốc lộ. Tuy nhiên, số kinh phí này mới chỉ đáp ứng 40% nhu cầu. Trước yêu cầu cải thiện ATGT trên QL1 và các quốc lộ trọng điểm, Bộ GTVT vừa kiến nghị Chính phủ bố trí nguồn vốn sự nghiệp kinh tế đường bộ giai đoạn 2021 - 2025 tăng thêm 10%/năm so với năm 2020 cho công tác bảo trì đường bộ.

Nhiều điểm đen giao thông chưa được khắc phục do “đói vốn”

Ghi nhận của PV Báo Giao thông, trên QL1 qua Đồng Nai, các nút giao rẽ vào các đường nhánh không được vuốt nối, đường nhập làn vào QL1 không đủ chiều dài và chiều rộng theo tiêu chuẩn.

Thực tế, nhu cầu cải thiện, tăng cường ATGT trên tuyến QL1 và các quốc lộ trọng điểm còn rất lớn. Các giải pháp được Tổng cục Đường bộ VN đề xuất ở 4 nhóm đã có sự ưu tiên phân kỳ đầu tư các điểm cấp thiết trong giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, các điểm mất ATGT thuộc dự án BOT sẽ do nhà đầu tư BOT triển khai và được tính vào phương án tài chính. Riêng giải pháp ở nhóm 5 là đầu tư công và thuộc dự án BOT nên được đề xuất dùng nguồn vốn xây dựng cơ bản.
Ông Vũ Ngọc Lăng, Vụ trưởng Vụ ATGT (Tổng cục Đường bộ VN)

Nhiều nút giao chưa có hệ thống chiếu sáng, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn vào ban đêm. Tại Km 1855+150 (nút giao Ngã 3 Trị An), Km 1862+700 (nút giao QL1 và đường Hoàng Văn Bổn, Nhà máy nước Thiện Tân)... tầm nhìn hạn chế do bán kính đường cong bị che khuất bởi nhà dân hai bên đường.

Nhiều tài xế cho biết, dọc QL1 đoạn từ phường Tân Biên (TP Biên Hòa) đến giáp ranh tỉnh Bình Thuận một số đoạn không có dải phân cách giữa, không có tấm lưới chống chói.

“Nhiều nút giao chưa được mở rộng vuốt nối với đường nhánh, năng lực thoát xe chậm dẫn đến kẹt xe triền miên”, anh Nguyễn Văn Tài, lái xe tải ở quận Thủ Đức (TP HCM) nói.

Ông Nguyễn Văn Thành, Cục trưởng Cục QLĐB 4 cho biết, trên QL1 qua Đồng Nai và các tỉnh, thành phía Nam, qua khảo sát và trên cơ sở kiến nghị của địa phương, Cục đã đề xuất giải pháp khắc phục các bất cập.

Tuy nhiên, theo ông Thành, giải pháp kỹ thuật đã có nhưng khó khăn lớn nhất là nguồn vốn nhỏ giọt nên chỉ thi công trước các vị trí điểm đen theo thứ tự ưu tiên. Riêng hai nút giao Ngã 3 Trị An, đường Hoàng Văn Bổn đã được Ban QLDA 8 xác định trong danh mục đầu tư cấp bách nhưng đến nay vẫn chưa bố trí được vốn để triển khai.

Cũng theo ông Thành, trên QL1 qua các tỉnh, thành phía Nam, Ban ATGT các địa phương đã kiến nghị cải tạo nhiều nút giao như: Xử lý điểm tiềm ẩn TNGT vòng xoay phía Nam TP Phan Thiết (Km 1709+700, Bình Thuận), nút giao Long Kim (Long An), QL1 - QL30 (Tiền Giang)...

“Mặc dù địa phương rất sốt ruột và Cục đã thẩm tra lên phương án kỹ thuật cải tạo nhưng chưa thể thi công do thiếu kinh phí”, ông Thành nói.

Ở khu vực phía Bắc, trên QL1A qua địa phận Ninh Bình, nhiều nút giao cắt tại các ngã ba, ngã tư ở TP Tam Điệp, TP Ninh Bình và huyện Gia Viễn dù có hệ thống đèn tín hiệu giao thông, gờ giảm tốc nhưng những điểm đấu nối với đường địa phương tạo thành những điểm “nóng” về xung đột giao thông.

Chiều 24/11, tại khu vực cầu Vũng Trắm (thuộc phường Nam Bình, TP Ninh Bình) xảy ra vụ TNGT giữa hai xe máy khiến hai người đều bị thương. Quan sát thực tế cho thấy, tại nút giao này (theo hình chữ Y hướng về TP Ninh Bình), khi người điều khiển phương tiện từ hướng TP Ninh Bình về Thanh Hóa nếu không quan sát thì sẽ va chạm với xe lưu thông trên tuyến QL1A theo hướng Nam - Bắc.

Trong khi đó, nhiều nút giao như đường vào Khu công nghiệp Gián Khẩu (huyện Gia Viễn) đấu nối trực tiếp với QL1A chỉ có đèn chờ cảnh báo đi chậm cũng tiềm ẩn nguy hiểm, nhất là khi hàng nghìn công nhân tan ca ùa ra.

Tương tự, ở chân cầu Đoan Vĩ, lối vào UBND xã Gia Thanh và các mỏ đá cắt ngang qua QL1A ngay gần giữa cầu tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATGT. Hàng ngày, có hàng trăm lượt phương tiện xe tải từ các mỏ đá xã Gia Thanh lao vun vút ra QL1A, rồi phương tiện theo hướng Nam - Bắc cắt ngang QL1A vào mỏ đá, tạo nên điểm xung đột giao thông nguy hiểm.

Ưu tiên giải quyết những nút thắt

Nút giao QL1 - đường Hoàng Văn Bổn (TP Biên Hòa) chưa được mở rộng nên năng lực thoát xe kém, mật độ phương tiện luôn dày đặc. Ảnh: Vĩnh Phú

Nút giao QL1 - đường Hoàng Văn Bổn (TP Biên Hòa) chưa được mở rộng nên năng lực thoát xe kém, mật độ phương tiện luôn dày đặc. Ảnh: Vĩnh Phú

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Vũ Ngọc Lăng, Vụ trưởng Vụ ATGT (Tổng cục Đường bộ VN) cho biết, nhiều năm qua, hệ thống quốc lộ được đầu tư nâng cấp, cải tạo, tuy nhiên vẫn xảy ra nhiều vụ TNGT.

“Một trong những nguyên nhân khiến TNGT diễn biến phức tạp có liên quan đến kết cấu hạ tầng giao thông. Hiện, QL1A và nhiều tuyến khác: QL6, QL279, QL20, QL3, QL27C, QL51, đường Hồ Chí Minh... tồn tại nhiều điểm giao cắt đồng mức, góc mở nhỏ hẹp, tầm nhìn hạn chế, thiếu các cầu vượt dân sinh cho xe máy và người đi bộ nên thường xuyên là các điểm gây ùn tắc, TNGT”, ông Lăng nói.

Liên quan đến đề xuất của Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ bố trí nguồn vốn sự nghiệp kinh tế đường bộ giai đoạn 2021 - 2025 tăng thêm 10%/năm so với năm 2020 cho công tác bảo trì đường bộ; bố trí vốn đầu tư công trung hạn đầu tư xây dựng cơ bản các tuyến đường có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông lớn, đường hẹp, đường chưa vào cấp…, chiều 24/11, trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Tạ Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho hay: “Khi nhận được văn bản chính thức, Bộ Tài chính sẽ rà soát và có ý kiến ngay”. H.Ngân

Bất cập khác được ông Lăng chỉ ra là lưu lượng phương tiện giao thông về đêm tăng cao; một số tuyến đường có dải phân cách giữa không có thiết bị chống chói, đinh phản quang và hệ thống điện chiếu sáng, trong khi TNGT xảy ra vào khung giờ 16h - 23h chiếm hơn 40% số vụ TNGT.

Bên cạnh đó, đường miền núi qua những đoạn đèo dốc lớn, vực sâu, cong cua gấp, khuất tầm nhìn, tiềm ẩn nguy cơ TNGT cao.

“Nhiều tuyến đường hệ thống thiết bị ATGT, báo hiệu đường bộ còn thiếu, mức độ an toàn chưa đáp ứng yêu cầu giao thông. Không những vậy, nhiều cầu, cống có bề rộng mặt cầu, mặt đường bị thắt hẹp. Một số đoạn trên QL1A lưu lượng giao thông lớn nhưng vẫn chỉ có 2 làn xe cho cả chiều đi và về, tiềm ẩn TNGT”, ông Lăng nói.

Lấy ví dụ về tuyến đường huyết mạch QL1 đi các tỉnh phía Bắc là Hà Nội - Lạng Sơn, ông Lăng cho biết, đoạn Hà Nội - Bắc Ninh có hai cây cầu là cầu Xương Giang và cầu Như Nguyệt thường xuyên ắch tắc giao thông.

Đoạn đường này được xem là cao tốc châm trước có hai làn xe mỗi chiều nhưng hai cây cầu trên có khổ cầu hẹp, chỉ có 1 làn xe mỗi chiều nên thường xuyên bị ùn tắc.

“Đoạn Bắc Giang - Lạng Sơn và từ Lạng Sơn đi cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị đang được mở rộng thành cao tốc và đang tiếp tục đầu tư tuyến Lạng Sơn đi Cao Bằng. Tuy nhiên, tuyến này đang bị “chặn họng” bởi hai cầu hẹp. Cùng với lưu lượng xe trên tuyến khoảng 40.000 xe/ngày đêm nên thường xuyên ùn tắc, tiềm ẩn TNGT. Đây là điểm nghẽn trong phát triển KT-XH các tỉnh phía Bắc nên cấp thiết cần phải làm ngay”, ông Lăng cho biết.

Đề cập về đề xuất tổng thể khắc phục những tồn tại, bất cập về kết cấu hạ tầng giao thông trên QL1A và các tuyến quốc lộ trọng điểm, ông Lăng cho biết, các biện pháp được đề xuất chỉ là giải pháp tổng thể tăng cường, cải thiện ATGT. Trên cơ sở hạ tầng hiện hữu và trong nguồn vốn có hạn chỉ ưu tiên giải quyết những nút thắt về hạ tầng để cải thiện ATGT.

“Trước đây, lượng xe ít lưu thông vào ban đêm trong khi nguồn bảo trì chỉ đáp ứng 40% nhu cầu nên chỉ xử lý trước những điểm bức xúc về giao thông. Đến nay, lưu lượng xe tăng cao nên cần cấp thiết cải thiện các điều kiện an toàn cho người và phương tiện”, ông Lăng nói.

5 nhóm giải pháp

Một vụ TNGT tại ngã 3 vòng xuyến gần cầu Vũng Trắm, phường Nam Bình, TP Ninh Bình. Ảnh: Phúc Tuấn

Một vụ TNGT tại ngã 3 vòng xuyến gần cầu Vũng Trắm, phường Nam Bình, TP Ninh Bình. Ảnh: Phúc Tuấn

Về giải pháp cụ thể, ông Lăng cho biết, Tổng cục Đường bộ VN đề xuất Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ 5 nhóm giải pháp. Nhóm 1 là xử lý hơn 500 nút giao cắt đồng mức, 69 cầu vượt nhẹ như sửa chữa vuốt nối các góc giao, làn chờ rẽ, lắp thêm đèn tín hiệu, biển báo, sơn kẻ đường, tăng cường chiếu sáng, tổng kinh phí gần 1.400 tỷ đồng.

Trong đó, vốn sự nghiệp kinh tế đường bộ gần 700 tỷ đồng, vốn BOT hơn 700 tỷ đồng. Trước mắt ưu tiên các vị trí qua khu dân cư, bệnh viện, trường học, khu công nghiệp bố trí xây dựng cầu vượt nhẹ cho xe máy lưu thông, tránh xung đột ở các nút giao đồng mức.

Nhóm 2, tăng cường công trình ATGT vào ban đêm như lắp đặt tấm chống chói tại các dải phân cách giữa; lắp đinh phản quang tim đường, điện chiếu sáng tại các điểm dân cư, các vị trí nguy hiểm trên đường. Hạng mục này có tổng kinh phí 580 tỷ đồng. Trong đó, vốn sự nghiệp kinh tế đường bộ gần 400 tỷ đồng, vốn BOT hơn 200 tỷ đồng.

Nhóm 3, tăng cường ATGT tại các đoạn đèo dốc như lắp đặt hộ lan 2, 3 tầng, tường phòng hộ, tường lốp, con xoay, đường cứu nạn, hốc cứu nạn.

Bên cạnh đó, sẽ xử lý cải thiện tầm nhìn, cạp mở rộng cục bộ các đường cong cua nguy hiểm, các điểm thắt hẹp cục bộ. Tổng kinh phí được đề xuất đầu tư cho giải pháp này là hơn 1.500 tỷ đồng. Trong đó, vốn sự nghiệp kinh tế là hơn 1.300 tỷ đồng, vốn BOT hơn 160 tỷ đồng.

Nhóm 4, tăng cường các công trình, thiết bị ATGT, báo hiệu đường bộ như sơn kẻ mặt đường, đinh phản quang, tiêu phản quang, biển báo hiệu, thiết bị kiểm tra giám sát ở các vị trí xung yếu; sửa chữa, lắp đặt hộ lan các vị trí còn thiếu với tổng kinh phí 210 tỷ đồng.

Nhóm 5, mở rộng mặt cầu, mặt đường các vị trí bị thắt hẹp, các đoạn lưu lượng giao thông lớn như đường cao tốc Hà Nội - Bắc Ninh, QL3 mới. Nâng cấp mở rộng đạt 4 làn xe một số đoạn trên QL1 lưu lượng giao thông lớn nhưng chỉ có 2 làn xe cho cả chiều, dẫn đến các vụ TNGT đối đầu đặc biệt nghiêm trọng như tuyến tránh đoạn Bình Thuận - Đồng Nai.

Bên cạnh đó, xây dựng thêm đơn nguyên mới để tương thích với bề rộng mặt đường như cầu: Xương Giang, Như Nguyệt, Sông Gianh và Quán Hàu. Tổng kinh phí được đề xuất cho giải pháp này hơn 5.600 tỷ đồng. Nguồn vốn này được đề xuất từ nguồn vốn đầu tư xây dựng trung hạn hoặc bổ sung vào dự án BOT khi cân đối phương án tài chính của dự án.

Đề cập cụ thể về nguồn vốn, ông Lăng khẳng định, việc đề xuất với Chính phủ tăng 10% vốn sự nghiệp kinh tế đường bộ giai đoạn 2021 - 2025 để tăng cường, cải thiện ATGT trên QL1 và các quốc lộ trọng điểm là phù hợp, trong khả năng cân đối của nguồn ngân sách.

Theo ông Lăng, mỗi năm Tổng cục Đường bộ VN được cấp khoảng 8.000 tỷ đồng từ nguồn vốn sự nghiệp kinh tế đường bộ. Tổng cục Đường bộ VN trình Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ tăng 10%.

Như vậy, nếu được Chính phủ phê duyệt, mỗi năm sẽ được khoảng 800 tỷ đồng, trong vòng 5 năm con số này được khoảng 4.000 tỷ đồng, sẽ giúp cải thiện đáng kể hạ tầng ATGT trên các tuyến quốc lộ, từ đó hạn chế nguy cơ TNGT.

Cần nhiều cầu vượt, cầu bộ hành qua QL5

Theo đại diện TCT Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (đơn vị quản lý), trên QL5 hiện có hàng trăm khu dân cư, khu, cụm công nghiệp bám theo mặt đường. Các khu dân cư, cụm công nghiệp đa số mới hình thành, phát sinh thêm nhiều đường nhánh, ngõ tự phát đấu nối với QL5, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATGT. Hiện, tổng công ty đã và đang triển khai sửa chữa lớn các đoạn, tuyến xuống cấp, đồng thời lắp đặt hệ thống cảnh báo tại khu vực QL5 giao cắt với đường ngang, lối mở. “Tuy nhiên, để đảm bảo ATGT trên tuyến, phải cần nhiều cầu vượt, cầu bộ hành qua QL5. Việc này đòi hỏi nguồn kinh phí lớn, vượt qua khả năng của đơn vị. Chính vì thế, đơn vị đề nghị Nhà nước đầu tư bằng nguồn ngân sách để xây dựng các công trình giao cắt với QL5”, vị này nói.

V.Hòa

Nhóm phóng viên

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/cap-thiet-tang-von-bao-tri-quoc-lo-trong-diem-d487083.html