Cấp thiết xây dựng 2 trung tâm xạ trị proton điều trị ung thư tại Việt Nam

Đại biểu Quốc hội, bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM), nhấn mạnh việc xây dựng 2 trung tâm xạ trị proton tại Việt Nam để điều trị ung thư kĩ thuật chuyên sâu, giúp bệnh nhân ung thư không phải ra nước ngoài điều trị là vấn đề cấp bách

- Phóng viên: Thưa ông, trong phiên thảo luận ở tổ về kinh tế - xã hội tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, hôm 24-10, ông đề xuất xây dựng 2 trung tâm xạ trị proton tại Hà Nội và TP HCM để điều trị ung thư kĩ thuật chuyên sâu. Xin ông cho biết lý do của đề xuất này?

Đại biểu Quốc hội, bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy

Đại biểu Quốc hội, bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy

+ Bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chơ Rẫy: Sau đại dịch, ai cũng nói nhiều đến y tế cơ sở. Điều này đúng, nhưng cũng cần chú ý đến y tế chuyên sâu. Con đường mà TP HCM đang đi là phát triển y tế chuyên sâu và mong muốn xây dựng nơi đây là một trung tâm du lịch y tế - đây là hướng đi rất tốt. Để phát triển y tế chuyên sâu, ngoài việc đào tạo con người với chiến lược lâu dài, thì trang thiết bị hiện đại là không thể thiếu. Ở đây, tôi muốn nói cụ thể đến phương pháp điều trị ung thư.

Theo Globocan 2020, mỗi năm thế giới có khoảng 18 triệu ca ung thư mới mắc. Tại Việt Nam có khoảng 182.563 ca ung thư mới mắc và trong đó khoảng 60% bệnh nhân ung thư có chỉ định xạ trị.

Hiện nay, Việt Nam có 84 máy xạ trị Linac (61 Elekta, 19 Varian, 4 Siemens) đang phục vụ điều trị cho quy mô 100 triệu dân và mới đáp ứng 60-70% nhu cầu xạ trị cơ bản. Nhiều máy gia tốc đã hoạt động từ 10-15 năm và thường xuyên bị hỏng hóc, ảnh hưởng tới công tác điều trị. Đồng thời tại Việt Nam chưa có máy xạ proton nào.

Vì vậy, để đạt được tiêu chí tối thiểu 8 máy xạ trị/1 triệu dân của Chính phủ và Bộ Y tế, cần phải đầu tư lắp đặt thêm 35 - 40 máy xạ trị mới trong thời gian tới.

Theo thống kê, nhiều bệnh nhân ung thư tại Việt Nam có nhu cầu điều trị chất lượng cao phải ra nước ngoài điều trị (chủ yếu tại Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan) với chi phí hàng năm rất lớn, tốn kém hàng tỉ USD.

Các nước phát triển trên thế giới như Mỹ, Nhật, Đức, Pháp, Anh, Nga, Trung Quốc và một số nước, vùng lãnh thổ trong khu vực Đông Nam Á (Singapore, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc)) đều đã và đang ứng dụng rộng rãi kỹ thuật xạ trị proton nhằm nâng cao chất lượng điều trị ung thư.

Vì vậy, việc đầu tư xây dựng các trung tâm ung thư chất lượng cao được trang bị các hệ thống máy xạ trị tiên tiến tầm khu vực và thế giới, đặc biệt là xạ trị proton, là một vấn đề cấp bách nhằm thu hút bệnh nhân ung thư điều trị trong nước, không phải đi nước ngoài điều trị. Từ đó tiết kiệm chi phí ngoại tệ cho đất nước.

- Phương pháp điều trị xạ trị proton khác biệt gì so với phương pháp điều trị ung thư hiện nay ở Việt Nam? Kinh nghiệm quốc tế về tính hiệu quả trong điều trị bằng phương pháp này?

+ Trong những năm gần đây, nhiều kỹ thuật chiếu xạ mới, hiện đại đang được phát triển và ứng dụng nhanh chóng như: Xạ trị điều biến liều (IMRT), xạ trị quay điều biến thể tích (VMAT), xạ trị dưới hướng dẫn hình ảnh (IGRT), xạ phẫu (SRS), xạ trị lập thể định vị thân (Stereotactic Body Radiation Therapy - SBRT), xạ trị proton (Proton Therapy - PT),...

Xạ trị proton là kỹ thuật xạ trị chiếu ngoài tiên tiến nhất hiện nay. Kỹ thuật này cho phép đưa một liều tia xạ tối ưu chính xác vào khối u, kể cả những khối u có hình dạng phức tạp và nằm gần những cơ quan lành nhạy cảm với tia xạ, trong khi giảm tối đa liều tia xạ lên tổ chức lành xung quanh, giúp đưa liều tối đa tới khối u trong khi vẫn giữ được liều thấp cho tổ chức lành.

Xạ trị proton sẽ khắc phục được điểm yếu của xạ trị gia tốc tuyến tính hiện nay là phần lớn liều tia xạ tập trung ở điểm chiếu vào cơ thể và làm tổn thương tổ chức lành, trong khi không đủ liều hiệu quả tới khối u, cho nên thường phải dùng liều cao để đạt hiệu quả điều trị, gây nhiều tác dụng phụ cho bệnh nhân.

Đặc biệt, khi khối u nằm gần các tổ chức nguy cấp (OAR) thì xạ trị proton là phương pháp điều trị tối ưu nhất. Đặc biệt ở trẻ em đang độ tuổi lớn, xạ trị thông thường có thể làm chậm phát triển, do vậy khi tăng liều xạ để có thể điều trị hiệu quả khối u thì cũng gây nguy cơ cao làm cho trẻ mắc ung thư thứ phát sau này. Với những bệnh nhân này, xạ trị proton là phương pháp đảm bảo hiệu quả và an toàn nhất.

- Vậy điều trị bằng xạ trị proton sẽ có hiệu quả như thế nào đối với các bệnh ung thư cụ thể?

+ Ung thư tiền liệt tuyến là loại ung thư được điều trị nhiều nhất bằng xạ trị proton do ưu điểm làm giảm tác dụng phụ viêm và chảy máu trực tràng, bàng quang cho bệnh nhân.

Với ung thư ở mắt, xạ trị proton rất hiệu quả trong điều trị ung thư hắc tố màng bồ đảo, các khối u sát với thần kinh thị giác, giúp bảo tồn thị lực và giảm nguy cơ phải khoét bỏ nhãn cầu.

Với u não, xạ trị proton giúp nâng cao hiệu quả điều trị các u thần kinh đệm và các khối u phức tạp gần các vùng chức năng, u vùng nền sọ và làm giảm tổn thương não do tia xạ so với xạ trị bằng chùm photon trên các máy gia tốc thẳng.

Ung thư ở vùng đầu-cổ, xạ trị proton có nhiều ưu việt với việc làm giảm nguy cơ tái phát bằng cách tăng liều cho khối u và giảm liều đến tuyến nước bọt và xương hàm, phương pháp này làm giảm nguy cơ khô miệng, mất răng và thoái hóa xương.

Các ung thư vùng ngực, đặc biệt phổ biến là ung thư phổi, loại ung thư phổ biến trên toàn thế giới, phương pháp điều trị proton làm giảm nguy cơ tổn thương đến các cơ quan lành xung quanh như thực quản, phổi và từ đó làm tăng hiệu quả trị liệu.

Với ung thư thực quản, xạ trị proton làm giảm sự phơi nhiễm phóng xạ của mô bình thường và giảm các biến chứng và tử vong liên quan đến tim, phổi, dạ dày, ruột và tủy sống.

Ung thư vú là ung thư phổ biến nhất trên nữ giới. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng xạ trị proton là phương pháp có hiệu quả cao làm giảm nguy cơ độc tính trên tim, đặc biệt ở bệnh nhân ung thư vú trái, so với xạ trị photon.

Còn với ung thư gan, xạ trị proton ngày càng được ứng dụng nhiều hơn trong điều trị ung thư gan và làm tăng thêm 58% tỉ lệ sống thêm toàn bộ sau 2 năm.

Các ung thư ở trẻ em như u nguyên bào tủy, u nguyên bào thần kinh, u nguyên bào thận, u nguyên bào võng mạc, sarcoma cơ vân, bệnh hạch ác tính, xạ trị proton có lợi thế là giảm tối đa hiệu chiếu đến các tổ chức lành, do đó sẽ làm tăng chất lượng sống, giảm các tác dụng phụ cho bệnh nhi, đặc biệt là nguy cơ ung thư thứ phát. Vì vậy, xạ trị proton là phương pháp ưu việt cho điều trị ung thư ở trẻ em so với xạ trị photon thông thường.

- Trước mắt, việc xây dựng mỗi trung tâm xạ trị proton ở phía Hà Nội và TP HCM, cần bao nhiêu máy xạ trị proton?

+ Hằng năm, tại Việt Nam, ước tính 5% số bệnh nhân ung thư mới mắc (8.938 ca) có chỉ định xạ trị proton tại nhóm 1 theo khuyến cáo của Hội Xạ trị ung thư Mỹ (ASTRO). Dự tính mỗi buồng proton điều trị khoảng 300 bệnh nhân/năm thì Việt Nam cần khoảng 30 buồng điều trị proton. Trong khi đó, Việt Nam chưa có buồng điều trị proton nào.

Do đó, chúng ta cần mạnh dạn đầu tư 2 trung tâm xạ trị proton ở phía Bắc (tại Hà Nội) và phía Nam (tại TP HCM), để chăm sóc sức khỏe, đáp ứng nhu cầu cho người dân. Đây mới là phát triển về y tế chuyên sâu. Kinh phí khoảng 2.500-3.000 tỉ đồng một hệ thống máy.

Đây là xu thế tất yếu và chúng ta phải đi đầu trong điều trị ung thư. Do đó, tôi đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm trang bị 2 trung tâm xạ trị proton ở Hà Nội và HCM để người dân Việt Nam có thể áp dụng và thụ hưởng kỹ thuật tiên tiến nhất của thế giới.

Chúng ta có một điều kiện rất thuận lợi, đó là các bác sĩ đang công tác trong ngành xạ trị ở Hà Nội và TP HCM hoàn toàn có thể tiếp cận kỹ thuật này sau 6 tháng được đào tạo ở nước ngoài. Rất mong Quốc hội, Chính phủ quan tâm trang bị 2 trung tâm xạ trị proton.

Tính đến năm 2023, theo thống kê, số lượng trung tâm xạ trị proton đang hoạt động trên thế giới là 123, trong đó Mỹ là 43 trung tâm, châu Âu 34, Nhật Bản 26, Trung Quốc 7, Nga 5, Hàn Quốc 2, Singapore 2, Thái Lan 2, Đài Loan (Trung Quốc) 1.

Số lượng trung tâm xạ trị proton đang xây dựng khu đặt máy là 35 (châu Âu 13, Trung Quốc 10, Mỹ 4, Nhật Bản 2, Hàn Quốc 2, Ấn Độ 2, Úc 1, Đài Loan 1) và dự án xạ trị proton đang xây dựng là 23 (Mỹ 6, Trung Quốc 6, châu Âu 5, Đài Loan 2, Nga 1, Ấn Độ 1, Singapore 1, Indonesia 1).

Bài và ảnh: Văn Duẩn

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/suc-khoe/cap-thiet-xay-dung-2-trung-tam-xa-tri-proton-dieu-tri-ung-thu-tai-viet-nam-20231104181233271.htm