Cấp thiết xây dựng thêm đường cao tốc
Từ khi tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết được đưa vào sử dụng, việc lưu thông từ TP HCM đi Phan Thiết đã được rút ngắn đáng kể - về chiều dài giảm khoảng 20 km; về thời gian giảm gần một nửa. Điều này tác động trực tiếp đến chi phí đi lại, chi phí vận chuyển…, từ đó góp phần làm tăng tính cạnh tranh cho một số hàng hóa do giảm giá thành.
Lưu thông thuận tiện cũng có ý nghĩa quan trọng vào việc vận chuyển hàng hóa, giúp đáp ứng nhu cầu mua và bán tốt hơn; đồng thời tác động mạnh mẽ đến phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương liên quan. Ví dụ, với tuyến cao tốc Phan Thiết - Vĩnh Hảo, du lịch Bình Thuận và Ninh Thuận có điều kiện phát triển vượt bậc.
Một số địa điểm du lịch khác phải chủ động cải tiến chất lượng sản phẩm, cung cách phục vụ, từ đó các hoạt động này được nâng chất hơn, có ý nghĩa tác động đến nhiều địa phương, nhiều lĩnh vực khác.
Ở khía cạnh khác, khi xảy ra vụ sạt lở đèo Bảo Lộc (tháng 7-2023), tuyến đường từ TP HCM và Đồng Nai đi Đà Lạt bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Dù hiện nay, một số cung đường có thể tránh đèo Bảo Lộc nhưng tuyến đi qua Quốc lộ 20 vẫn thuận tiện nhất.
Trong khi đó, cung đường mới đi từ tuyến cao tốc Phan Thiết - Vĩnh Hảo qua Quốc lộ 28 tuy xa hơn nhưng có thể tận dụng tốc độ nhanh của các tuyến cao tốc, làm giảm thời gian di chuyển. Như vậy, từ TP HCM đi Đà Lạt hay các tỉnh, thành miền Trung thì các tuyến cao tốc mới mở đều rất có ý nghĩa.
Hiện ở khu vực miền Tây, các tuyến cao tốc còn quá ít; sự kết nối và thuận tiện cũng rất hạn chế. Tuyến cao tốc Long Thành - Bến Lức xây dựng đã nhiều năm vẫn chưa xong; tuyến TP HCM - Trung Lương đã xuống cấp và thường xuyên bị quá tải; tuyến Trung Lương - Mỹ Thuận quá hẹp và thiếu an toàn; tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi cũng trong tình trạng tương tự và chưa có sự kết nối.
Trong khi đó, các địa phương miền Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ đều thuộc khu vực kinh tế trọng điểm, nhu cầu giao thông rất lớn. Hiện nay, tuyến Quốc lộ 1 đi từ Đồng Nai về các tỉnh, thành miền Tây luôn trong tình trạng quá tải và thiếu an toàn. Các đường nhánh (cả quốc lộ và tỉnh lộ) tuy được xây dựng nhiều nhưng một số nơi còn chưa đồng bộ, chưa có sự kết nối tốt.
Do đó, trong thời gian tới, cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng các tuyến cao tốc ở khu vực Nam Bộ. Phải tạo sự kết nối thông suốt và hợp lý giữa các tuyến cao tốc, cũng như với các tuyến quốc lộ hiện hữu, để từ đó hình thành các đường vành đai, đường vòng cung, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa các địa phương trong vùng, nhất là ở nơi đang phát triển kinh tế mạnh mẽ. Việc xây dựng các tuyến cao tốc cần có tầm nhìn xa, tránh việc thực hiện chắp vá.
Một vấn đề rất quan trọng nữa là việc thực hiện các phương án xây dựng đường cao tốc. Với một số tuyến quan trọng, cấp thiết, nhà nước cần mạnh dạn sử dụng ngân sách để đầu tư và không thu phí. Suy cho cùng, khi không thu phí, lợi ích đó thuộc về người dân, giá thành một số loại hàng hóa, dịch vụ không bị đẩy lên cao, tránh được tình trạng phí chồng phí hoặc phí chồng thuế.
Với những dự án đường cao tốc tạo thêm sự lựa chọn khác cho người dân (bên cạnh tuyến quốc lộ đã có), có thể thực hiện theo các phương thức công - tư, cho phép doanh nghiệp đầu tư và thu phí với mức phí hợp lý, trong thời gian phù hợp.
Có thể thấy, nhu cầu đường cao tốc hiện nay, đặc biệt với các tỉnh, thành khu vực Nam Bộ, là rất bức thiết. Tuy Chính phủ đã có quy hoạch chi tiết mạng lưới đường cao tốc nhưng theo tiến độ xây dựng hiện nay, sự tăng thêm các tuyến thường đi sau so với nhu cầu và mức độ phát triển của các địa phương, vùng và cả nước.
Do đó, cần có những giải pháp đột phá để phát triển mạng lưới đường cao tốc sớm hơn, dày hơn, dài hơn và kết nối tốt hơn.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/ban-doc/cap-thiet-xay-dung-them-duong-cao-toc-20230813205733405.htm