Cặp vợ chồng người Mường bỏ phố về quê khởi nghiệp với hoa hồng
Bỏ phố về quê khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, cặp vợ chồng người Mường quyết định cải tạo vườn hoang dưới chân đồi để trồng hoa hồng.
Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng
Năm 2018, khi đang có công việc ổn định tại Hà Nội, Trần Thị Hồng (30 tuổi) cùng chồng là anh Phạm Hùng Giang (33 tuổi, người dân tộc Mường) quyết định khăn gói về quê lập nghiệp. Quyết định bỏ phố về quê của cặp vợ chồng người dân tộc Mường mang theo khát vọng được làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
“Nếu vẫn ở lại thành phố, cả hai cũng chỉ làm thuê kiếm sống, trong khi xu hướng của 2 vợ chồng là được làm cho chính mình. Hơn nữa, chúng tôi làm về mảng nông nghiệp nên cũng rất thích hợp ở thôn quê.
Tuy nhiên, ngày mới về của hai vợ chồng theo đúng nghĩa 2 bàn tay trắng, vừa không có đất cũng chẳng dư dả tiền bạc. Tôi đang mang bầu em bé nên mọi thứ khi đó thật sự rất khó khăn”, chị Hồng chia sẻ.
Để có vốn liếng làm ăn, vợ chồng Hồng quyết định vay vốn ngân hàng được hơn 100 triệu đồng. Với số tiền này, cả hai mở quán kinh doanh cây cảnh tại thị trấn Cẩm Thủy. Đồng thời, cải tạo khu vườn hoang gần 2.000 m2 nằm dưới chân đồi của gia đình để trồng hoa và các loại cây cảnh.
Chị Hồng vốn là kỹ sư công nghệ sinh học, còn chồng tốt nghiệp khoa Cây trồng (Đại học Nông nghiệp), cả hai từng có nhiều năm kinh nghiệm làm bên lĩnh vực nông nghiệp sạch. Vì vậy, khi về về quê hai vợ chồng quyết định trồng và chăm sóc cây theo phương pháp hữu cơ.
“Thông thường, khi trồng hoa để thuận tiện các nhà vườn sẽ chăm sóc cây bằng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên, với kinh nghiệm làm bên lĩnh vực nông nghiệp sạch, mình không chấp nhận điều đó. Cây trong vườn của vợ chồng mình đều được trồng và chăm bón bằng phương pháp hữu cơ”, Hồng cho hay.
Theo cô, việc lạm dụng phân bón hóa học sẽ phá vỡ hệ vi sinh tự nhiên có trong đất. Khi thường xuyên sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật sẽ khiến đất bị chai cằn, ảnh hưởng đến môi trường không khí xung quanh. Do đó, người đầu tiên chịu tác hại chính là người sản xuất chứ chưa nói đến người tiêu dùng.
Nếu cây trồng được chăm bón theo phương pháp hữu cơ sẽ khỏe mạnh, cứng cáp và ít bệnh tật. Vợ chồng Hồng thường cung cấp dưỡng chất cho đất bằng phân chuồng ủ hoai kết hợp với rơm để giữ độ ẩm cho đất. Ngoài ra, cô cũng tận dụng phế phẩm nông nghiệp, bã đậu tương để cung cấp thêm dưỡng chất cho cây. Từ đó giúp cây khỏe mạnh, có khả năng kháng bệnh tốt.
“Thời gian đầu làm vườn, kinh doanh cây cảnh của hai vợ chồng khá vất vả. Đặc biệt là chồng mình, ngày nào anh ấy cũng thức dậy từ 3h sáng rồi miệt mài đến 11 giờ khuya. Hồi đó, mình đang có em bé nên chỉ đỡ đần chồng công việc buôn bán tại cửa hàng”, Hồng chia sẻ.
Từ diện tích ban đầu, vợ chồng Hồng quyết định thuê thêm đất vườn của các gia đình khác tại địa phương để trồng hoa. Hiện tại, diện tích trồng hoa hồng của gia đình cô đã tăng lên gần 20.000 m2, với tổng cộng 4 vườn. Điểm xa nhất cách trung tâm khoảng 10km.
Tấm gương vượt khó cho thế hệ trẻ
Hồng cho biết, lúc đầu vợ chồng cô chỉ trồng hoa hồng với mục đích bán cây giống. Tuy nhiên, quá trình chăm sóc cây, Hồng thấy xót những bông hoa hồng phải cắt bỏ để cây sớm ra mầm mới.
Vì vậy, Hồng nảy sinh ý tưởng sản xuất một số sản phẩm chăm sóc da từ cánh hoa hồng. Dành thời gian mày mò tìm hiểu, tham khảo ý kiến của một số anh, chị có kinh nghiệm trong nghề, cô quyết định sản xuất nước hoa hồng chăm sóc da. Đây cũng là dòng sản phẩm không quá phức tạp, phù hợp với những người mới chập chững vào lĩnh vực sản xuất chế biến.
Sau nhiều lần trải nghiệm sản phẩm mình làm ra, Hồng đều chưa ưng ý do mùi hương khá nhẹ. Sau đó, cô quyết định thay đổi loại hoa từ hồng cổ Sa Pa sang hồng cổ Tường Vy.
“Hồng cổ Tường Vy không chỉ cho mùi hương thơm hơn mà chất lượng cánh cũng tốt hơn nên mình khá hài lòng với sản phẩm làm ra”, Hồng nói.
Sau nhiều tháng vật lộn, vợ chồng Hồng cũng thành công với dòng sản phẩm nước cất hoa hồng hữu cơ bằng sự hài lòng của người dùng. Chưa dừng lại, bà mẹ 9X này còn phát triển dòng sản phẩm trà hoa hồng, sản xuất theo phương pháp sấy lạnh.
Để có chất lượng trà tốt nhất, Hồng thường cho thu hoạch hoa vào thời điểm sáng sớm, lúc vừa tan sương. Hoa sau khi hái sẽ được rửa sạch nhẹ nhàng rồi đưa vào máy vắt ly tâm trước khi sấy lạnh. Việc sấy ở nhiệt độ thấp sẽ giữ được dưỡng chất cũng như màu sắc cho sản phẩm.
Với diện tích vườn gần 20.000 m2, vợ chồng Hồng đang thuê thêm khoảng 6-7 lao động, phần lớn là nông dân người dân tộc thiểu số. Công việc của họ là trồng, chăm bón và thu hoạch hoa theo hướng dẫn của vợ chồng cô.
“Trung bình mỗi lao động mình trả tiền công từ 160.000 - 200.000 đồng/ngày, tùy công việc. Tuy không nhiều song hai vợ chồng cũng cảm thấy vui vì có thể góp phần tạo công ăn việc làm cho người lao động tại địa phương”, Hồng bộc bạch.
Sắp tới, cô dự tính sẽ hoàn thiện các hạng mục tại các khu vườn để tiếp đón khách đến tham quan, trải nghiệm trong thời gian tới. Sau 5 năm bỏ phố về quê, Hồng cho biết, vợ chồng cô cảm thấy mãn nguyện với cuộc sống hiện tại, vừa được làm công việc yêu thích vừa có thời gian bên các con.
Bà Đỗ Thị Nga (Chủ tịch Hội phụ nữ xã Cẩm Bình) cho biết, chị Hồng là hội viên hội phụ nữ xã. Công việc hiện nay của vợ chồng chị Hồng ngoài phát triển kinh tế cho gia đình còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho khoảng 7 lao động tại địa phương.
“Vợ chồng chị Hồng đi lên từ hai bàn tay trắng, mạnh dạn vay vốn ngân hàng để phát triển kinh tế. Có thể nói, tấm gương vượt khó của vợ chồng chị Hồng rất xứng đáng cho thế hệ trẻ học tập về sự mạnh dạn, quyết đoán trong việc phát triển kinh tế”, bà Nga nói.
Theo bà Nga, sản phẩm trà hoa hồng của vợ chồng chị Hồng cũng vừa được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh Thanh Hóa cuối năm 2022.