Cặp vợ chồng trẻ sống trong căn nhà 5m² ở Hồng Kông: sự thật đằng sau cái nghèo
Căn nhà giá rẻ rộng 5 mét vuông dành cho các cặp vợ chồng trẻ ở Hồng Kông tiết lộ sự thật lớn nhất về cái nghèo.
1. Cuộc sống trong nhưng "căn nhà lồng", "căn phòng quan tài"
Nhà là tổ ấm của mỗi con người và là hình ảnh thu nhỏ của cuộc sống. “Ngôi nhà của bạn như thế nào?” Trên Zhihu, có một câu trả lời rất hay thế này, "Đóng cửa lại và xoay người đến chiếc ghế sô pha lớn. Con mèo béo núc đang say giấc trong phòng khách. Mùi thơm của thức ăn trong bếp bay ra, tràn ngập khắp phòng. Bầu trời sắp tối, và những ánh sao lấp lánh phản chiếu thành phố trên tấm kính.”
Căn nhà trong mơ của bất kỳ ai. Ảnh: Sohu
Ba bữa cơm no, bốn mùa vui vẻ là điều ai cũng mong đợi, nhưng thực tế thường không như ý muốn của mọi người. Cách đây không lâu, một phóng sự đã ghi lại cảnh đời thường của một cặp đôi sống ở Hồng Kông. Cái gọi là nhà, đối với Qian'er và Rainny, chỉ là một căn nhà cho thuê giá rẻ có diện tích 5 mét vuông. Trong không gian nhỏ hẹp, trên sàn nhà chất đủ các thứ đồ, không có giường nằm, nền đất chỉ trải chiếu. Chiếc quạt cũ kỹ trên tường là thiết bị duy nhất trong cả ngôi nhà.
Qian'er và Rainny đều là vận động viên Taekwondo. Vào các ngày trong tuần, họ vừa dạy tại các trung tâm vừa chuẩn bị cho các cuộc thi.
Qian'er là nữ vận động viên xuất sắc nhất trong lịch sử của Taekwondo Hồng Kông đứng thứ 5 tại Á vận hội, đồng thời là nữ đại diện Taekwondo đầu tiên tham gia thi đấu tại các môn thể thao quốc gia. Vào năm 2020, do dịch bệnh, tất cả các lớp học taekwondo, phòng tập thể dục và sân vận động đều đóng cửa. Cả hai không chỉ bị cắt thu nhập, thậm chí còn không tìm được nơi tập luyện hàng ngày.
Bất lực, cặp đôi phải xuống đường tập luyện nhưng bị an ninh đuổi hết lần này đến lần khác. Cuối cùng, căn nhà nhỏ 5 mét vuông phải đảm nhận nhiệm vụ của sân tập cho hai vợ chồng.
Qian'er cũng đã nghĩ đến việc chuyển nghề trong thời gian dịch bệnh. Rainny có giấy phép huấn luyện viên thể hình, mở một cửa hàng trực tuyến và bán quần áo.
"Tôi còn chưa thi đấu ở Á vận hội, chưa thi đấu ở giải vô địch châu Á. Tại sao tôi phải bỏ cuộc nhanh như vậy?" Đối mặt với ước mơ của mình, cô quyết định nghiến răng chịu đựng một thời gian.
Cuộc sống nghèo khổ đè nén đôi vợ chồng trẻ, nhưng cũng đè nén hàng nghìn người Hồng Kông. Hồng Kông, thành phố phồn hoa bậc nhất với những ngôi nhà cao tầng, nhưng ẩn chứa vô vàn cay đắng.
Ngôi nhà là nỗi ám ảnh của nhiều người Hồng Kông nhưng cũng hé lộ những cảnh đời thực nhất. Chủ nhà ở Hồng Kông thường chia căn nhà thành từng không gian độc lập để cho thuê. Những ngôi này được gọi là “nhà chia nhỏ”. Phòng tắm, nhà bếp, phòng ngủ, tất cả đều cùng trong một không gian nhỏ. Bọn trẻ phải ngồi trên giường làm bài tập. Cả gia đình ăn, uống, ngủ và nghỉ trong căn phòng rộng khoảng 10 mét vuông.
“Căn nhà chia nhỏ” và “căn phòng quan tài”, không biết cái nào tốt hơn cái nào. “Căn phòng quan tài" rộng không quá 4 mét vuông nhưng được dùng để chất đầy đủ đồ dùng hàng ngày, xoong nồi, quần áo và đồ lặt vặt. Sống trong “quan tài” không chỉ làm chán nản cuộc đời hiện tại mà cả cuộc đời mai sau.
Trong “nhà lồng”, các căn phòng siêu nhỏ ngăn cách bằng lưới sắt san sát nhau. Căn nhà rộng 70m2 với hàng chục lồng sắt ba lớp có sức chứa hơn 200 người. Nơi đây không có khái niệm riêng tư, nó chỉ đơn giản là nơi ngả lưng sau ngày làm mệt mỏi. Phải trải qua cuộc sống nghèo khó, bạn mới thấy cuộc sống khó khăn như thế nào. Cái gọi là chất lượng cuộc sống, đời sống tình cảm, và sự hưởng thụ đều là những điều xa hoa với người sống dưới đáy xã hội.
Thực tế phũ phàng và đáng buồn như vậy lại chính là cuộc sống thực.
2. Những con người chăm chỉ làm việc mỗi ngày vì cơm áo gạo tiền
Cuộc sống không dễ dàng nhưng vẫn phải cố gắng để sống, đây chính là hiện thực của rất nhiều người. Trên Zhihu có câu hỏi thế này, “Chênh lệch giữa giường nằm và ghế cứng là 100 tệ, tại sao nhiều người lại chọn ghế cứng?” Tại sao? Đơn giản là một chữ: nghèo!
Chỉ 100 tệ cũng khiến nhiều người suy nghĩ, đong đếm. Trong một video trên tàu điện ngầm, chỉ vì đứa con đánh rơi mất 5 tệ mà người mẹ đã nhẫn tâm đánh con ngay trên tàu.
5 tệ, đối với nhiều người, không đủ cho một cốc trà sữa, không đủ cho mua một gói đồ ăn nhẹ. Khi có người bước tới can ngăn, người mẹ khóc lóc thảm thiết: "Tôi thường không đánh con, nhưng tôi chỉ kiếm được 900 tệ một tháng. Tôi phải nuôi con và gia đình ..." Cô vừa đi vừa khóc: "Kiếm tiền khó quá. Kiếm tiền khó quá".
Nếu không bị cuộc đời ép buộc, ai chẳng muốn sống thanh cao, đoan trang.
Nhưng thực tế thật tàn nhẫn, một số người không lo cơm ăn áo mặc, theo đuổi thú vui, nhưng nhiều người lại sống trong áp lực cùng cực.
Theo số liệu do Cục Thống kê Trung Quốc công bố, thu nhập bình quân hàng năm ở khu vực thành thị Bắc Kinh năm 2019 đạt 173.205 nhân dân tệ (hơn 1 tỉ VND). Nhưng đồng thời, có nhiều hơn 600 triệu người ở Trung Quốc còn không kiếm nổi 1.000 nhân dân tệ (khoảng 3,3 triệu VND) một tháng.
Mùa đông tuyết rơi, mặt đất đóng băng, người đàn ông trung niên một mình bước đi trong tuyết.
Sau khi làm việc một năm, bác đã suy nghĩ rất lâu nhưng bác lại tiếc 200 tệ tiền vé. Cuối cùng, bác quyết định cuốc bộ hơn 50 cây số về nhà với những chiếc túi lớn bé. “200 tệ tôi có thể mua cho bà nhà một bộ quần áo mới."
Trong quán trà sữa đông đúc, một anh shipper ngồi thu lu trong góc. Xếp hàng cả tiếng đồng hồ, khách hàng không những không đợi được đơn hàng mà còn trực tiếp hủy đơn hàng.
Không có thu nhập, lại phải tự trả tiền trà sữa, chàng trai trẻ không kìm được ấm ức trong lòng. Một người tốt bụng lấy ra 50 tệ đưa cho nhưng anh nhẹ nhàng đẩy ra, đưa tay lên lau một giọt nước mắt.
Thế giới người lớn chưa bao giờ là dễ dàng, điều nghiệt ngã hơn là nỗi khổ của cuộc đời thậm chí còn chẳng nhân nhượng với tuổi tác.
Một cậu bé 6 tuổi kéo một chiếc xe đẩy nhỏ và đưa hàng từ nhà này sang nhà khác. Cha của cậu bé qua đời vì bệnh tật, mẹ tái hôn, hiện cậu bé sống với những người bạn của bố. Trời đông lạnh giá, cậu bé chỉ khoác trên mình chiếc áo khoác mỏng và gương mặt đỏ bừng vì lạnh.
Cuộc sống thực sự không dễ dàng. Cái nghèo đã mang đến quá nhiều nỗi bất lực, tủi hờn, con người ta chỉ biết nuốt vào trong lòng.
3. Điều đẹp đẽ nảy sinh từ khó khăn trong cuộc sống
Cuộc sống giống như một tấm áo choàng bên ngoài lộng lẫy, bên trong đầy rận, nhưng điều này không có nghĩa là chúng ta phải từ bỏ cuộc sống.
Sống là phải học cách chịu đựng, chịu đựng những trách nhiệm mà cuộc đời giao phó, chịu đựng những đau khổ, buồn chán và tầm thường mà thực tại mang lại cho chúng ta.
Nhà văn Jimmy Liao từng viết thế này:
“Rơi xuống giếng sâu, tôi hét lớn, chờ cứu.
Đêm buông xuống, tôi buồn bã cúi đầu xuống, mặt nước đầy những vì sao lấp lánh.
Tôi luôn gặp những điều bất ngờ đẹp đẽ nhất trong nỗi tuyệt vọng sâu thẳm nhất.”
Cuộc sống không dễ dàng, nhưng nếu bạn tìm thấy sự ấm áp và tình yêu, và tìm thấy điểm sáng của cuộc sống, bạn có thể bắt tay với thế giới.
Dù cuộc đời có cay đắng nhưng ta có thể rót mật bất cứ lúc nào. Vào cuối ngày làm việc vất vả, những người lao động nhập cư lại trở về nhà vui vẻ như một đứa trẻ vô tư.
Làm việc chăm chỉ là chuẩn mực trong cuộc sống, nhưng hạnh phúc giản đơn có thể thuộc về chúng ta.
Cha ngồi sụp xuống đất nghỉ ngơi, thân thể lấm lem vết bẩn, quần áo ướt đẫm mồ hôi. Cô con gái nhỏ đưa cho cha một que kem. Anh nhìn con gái với một nụ cười, và sự dịu dàng không che giấu tràn ra ánh mắt.
Tất cả mệt mỏi, khó khăn, vào lúc này, tất cả đều tan biến. Không cần phải giàu có, nhà cao cửa đẹp, chỉ cần người nhà con cái khỏe mạnh, hạnh phúc là đủ.
Cuộc sống luôn là vậy, có quá nhiều đau khổ và không vừa ý, nhưng thiện lương tồn tại khắp mọi nơi, sưởi ấm thế gian.
Trong quán ăn nhanh, một người đàn ông mặc quần áo rách rưới lưỡng lự hồi lâu trước khi bước đến một chiếc bàn trống. Trên bàn còn một số thức ăn thừa, người đàn ông nghĩ rằng khách đã về nên ngồi ăn ngấu nghiến.
Người khách trở ra từ nhà vệ sinh thấy cảnh đó không hề bực mình, ngược lại, anh còn ra quầy hàng mua thêm một chiếc bánh kẹp thịt. Anh cầm lấy bánh mì kẹp thịt đi phía sau người đàn ông kia, vỗ vỗ bờ vai của anh ấy và chỉ xuống đất.
Người đàn ông cúi xuống kiểm tra, khi quay đầu lại, trên bàn có thêm một chiếc bánh mì kẹp thịt mới, nhưng người khách đã bỏ đi mất.
Trong khoảng lặng ấy, hơi ấm chạm vào lòng người.
Trên một con đường dài vô tận, một ông lão ngoài tám mươi tuổi đang chậm rãi chống gậy băng qua đường. 40 giây đèn xanh cho người đi bộ, ông thậm chí còn chưa đi hết nửa quãng đường.
Khi thấy điều này, trung tâm điều khiển đã kéo dài thời gian đèn xanh thêm 97 giây. Ngày càng có nhiều xe chờ đợi, và họ lặng lẽ dừng lại không một lời thúc giục.
Ông lão vừa băng qua đường thì cơn mưa lớn ập đến.
Một người nữ phụ chạy nhanh xuống xe, nhét ô vào tay ông cụ. Xe cộ nối tiếp nhau nổ máy, con đường lại trở lại tấp nập như ban đầu, nhưng sự ấm áp lại lớn dần lên trong lòng vô số người.
Bạn thấy đấy, thế giới này đầy rẫy những khó khăn, vất vả, nhưng khi gặp được tình yêu, mọi thứ dường như lại trở nên ấm áp hơn nhiều.
Có một loại chủ nghĩa anh hùng trên thế giới, đó là vẫn yêu cuộc sống sau khi nhìn thấy bản chất thực sự của cuộc sống. Dù là nghèo khổ hay tủi hờn, dù buồn hay rơi nước mắt, trong nhiều trường hợp, đó cũng là chuyện bình thường trên đời.
Những người thực sự mạnh mẽ luôn cười to hơn khi họ muốn khóc, mang theo nỗi đau và nỗi buồn. Dù thế nào, họ luôn nở một nụ cười tiến về phía trước. Bởi vì có đau khổ, thất vọng và tuyệt vọng, cuộc sống mới có hương vị.
Cũng chính sự lạc quan, mạnh mẽ, ấm áp sinh ra trong hoàn cảnh khó khăn đã tạo nên một cuộc sống tươi đẹp, giàu sức sống. Mong bạn làm việc chăm chỉ cả đời, yêu thương cả đời, có những gì bạn muốn và buông bỏ những gì bạn không thể có được.