Cấp xã sẽ cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho người dân
Khi mô hình chính quyền địa phương hai cấp (cấp tỉnh và cấp xã) đi vào vận hành từ ngày 1/7 tới, cấp xã sẽ là đơn vị tổ chức thực hiện chính sách (từ Trung ương và cấp tỉnh), tập trung vào các nhiệm vụ phục vụ người dân, trực tiếp giải quyết các vấn đề của cộng đồng dân cư, cung cấp các dịch vụ công cơ bản, thiết yếu cho người dân trên địa bàn; các nhiệm vụ cần sự tham gia của cộng đồng, phát huy tính chủ động, sáng tạo của cấp xã.
Nhằm cụ thể các quy định của Hiến pháp năm 2013 (sau khi sửa đổi, bổ sung) về tổ chức chính quyền địa phương theo mô hình hai cấp, tại ngày làm việc thứ ba – Kỳ họp lần thứ 9, Quốc hội khóa XV diễn ra sáng 7/5, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày Tờ trình dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).
Một trong những mục tiêu của dự thảo hướng tới là tiếp tục đẩy mạnh phân quyền, phân cấp giữa cơ quan Nhà nước ở Trung ương với địa phương; giữa chính quyền địa phương cấp tỉnh với chính quyền địa phương cấp xã theo nguyên tắc “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm” để phát huy tính chủ động, sáng tạo của chính quyền địa phương các cấp, nhằm khơi thông mọi nguồn lực để địa phương phát triển, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước trong kỷ nguyên mới.

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà.
Nội dung dự thảo nêu rõ việc sửa đổi các quy định liên quan đến việc tổ chức đơn vị hành chính và mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp. Theo đó, cấp tỉnh giữ như quy định hiện hành (gồm: tỉnh, thành phố)n và tổ chức lại các đơn vị hành chính cấp xã hiện nay để hình thành các đơn vị hành chính cấp xã (mới) gồm: xã, phường và đặc khu (được tổ chức tại hải đảo) để phù hợp với mô hình tổ chức mới.
Dự thảo luật quy định chính quyền địa phương cấp xã thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp huyện và cấp xã hiện nay; được ban hành văn bản quy phạm pháp luật để quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền và phạm vi, nhiệm vụ quản lý của chính quyền địa phương cấp xã. Đồng thời, dự thảo luật quy định căn cứ tình hình thực tiễn, Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền các nhiệm vụ, quyền hạn của mình cho Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã đối với các vấn đề cấp xã thực hiện hiệu quả, sát thực tiễn hơn bảo đảm hiệu lực, hiệu quả trong quản lý Nhà nước và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đặc biệt là việc đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho chính quyền địa phương ở phường để quản lý và phát triển đô thị, phát triển kinh tế đô thị và đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho chính quyền địa phương ở đặc khu để trao quyền tự chủ trong việc quyết định các vấn đề nhằm bảo đảm độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia trên các vùng biển, hải đảo, phát huy lợi thế, tiềm năng kinh tế biển, hội nhập kinh tế quốc tế, bảo đảm thu hút người dân ra sinh sống, bảo vệ và phát triển hải đảo.

Quang cảnh phiên họp.
Dự thảo cũng quy định về cơ cấu tổ chức của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp xã (xã, phường, đặc khu). Hội đồng nhân dân cấp xã có hai ban là Ban Pháp chế và Ban Kinh tế - Xã hội; quy định số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã tối thiểu là 15 đại biểu và tối đa là 35 đại biểu. Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác hoặc bố trí các chức danh công chức chuyên môn để tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý ngành, lĩnh vực ở địa bàn cấp xã, bảo đảm phù hợp với quy mô đơn vị hành chính, mô hình tổ chức, nhiệm vụ, quyền của chính quyền địa phương cấp xã mới (chính quyền địa phương cấp xã thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn hiện nay và các nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp huyện sau khi giải thể).
Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) thay thế Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành (Luật năm 2025) là cấp thiết, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn, nhằm tạo lập hành lang pháp lý để các cơ quan, tổ chức của chính quyền địa phương đi vào hoạt động theo mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp, bảo đảm tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển mới của đất nước.
Thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập cấp xã và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp. Dự kiến, sau sắp xếp, cả nước sẽ có 34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và khoảng 3.300 đơn vị hành chính cấp xã.