Casuco đầu tư cho vụ mía mới 2022-2023
Ngày 9-6, theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hậu Giang cho biết, những ngày qua nông dân trong tỉnh đã xuống giống vụ mía được hơn 3.842 ha, tập trung ở huyện Phụng Hiệp và TP Ngã Bảy. Hiện tại đã thu hoạch được hơn 57 ha mía dùng để ép nước, năng suất đạt 100 tấn/ha; đối với diện tích mía còn lại đang ở giai đoạn phát triển.
Những ngày qua, toàn tỉnh có khoảng 56 ha mía bị các loài sinh vật gây hại như rệp sáp, sâu đục thân, chuột cắn phá… nằm rãi rác trên các ruộng mía ở huyện Phụng Hiệp và TP Ngã Bảy. Trước tình hình trên, ngành chuyên môn khuyến cáo nông dân chăm sóc, vệ sinh ruộng mía tạo thông thoáng để cây mía sinh trưởng và phát triển tốt, hạn chế sinh vật gây hại…
Theo Phòng NN-PTNT huyện Phụng Hiệp, diện tích sản xuất mía nguyên liệu của huyện đến nay hơn 3.600 ha (cao nhất ở tỉnh Hậu Giang); dự kiến khoảng tháng 10-2022 sẽ thu hoạch; đồng thời huyện có kế hoạch giữ vùng nguyên liệu này từ 2.500- 3.000 ha trở lên, nhằm phục vụ cho nhà máy đường ở địa phương hoạt động.
Trong khi đó, lãnh đạo Công ty cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) cho biết, đã lên kế hoạch chuẩn bị chu đáo cho vụ sản xuất mía mới năm 2022-2023. Cụ thể, tính đến ngày 15-5 vừa qua, Casuco đã ký hợp đồng đầu tư mía nguyên liệu ở Hậu Giang cho hơn 871 hộ nông dân, với hơn 814 ha. Giá mua mía sẽ dựa theo thị trường giá đường cát tại thời điểm vào vụ sản xuất, nhưng giá sàn bảo hiểm của mía là 1.000 đồng/kg (tại ruộng, bốc lên phương tiện, với mía đạt 10 chữ đường).
Tổng giá trị đầu tư hơn 18 tỷ đồng, trong đó đầu tư phân bón hơn 10,7 tỷ đồng và chi phí như mía giống, cải tạo đất, chăm sóc, thu hoạch mía, vận chuyển… khoảng hơn 7,25 tỷ đồng. Đồng thời, tiếp tục mở rộng đầu tư vùng nguyên liệu nhằm giúp nông dân an tâm sản xuất.
Phía Casuco cũng xây dựng kế hoạch sửa chữa thiết bị với tổng chi phí 9,2 tỷ đồng, để nhà máy đường hoạt động đảm bảo.
Casuco cho biết, vụ tới đây sẽ phấn đấu sản xuất tối đa nếu vùng nguyên liệu đáp ứng đủ, bởi nhà máy có công suất tới 3.000 tấn mía/ngày…