Cắt amidan có gây suy giảm miễn dịch?
Khi bác sĩ chỉ định cắt amiđan để bảo vệ sức khỏe, hầu hết người bệnh đều e ngại sợ ảnh hưởng tới hệ miễn dịch hay các biến chứng sau phẫu thuật.
Amidan là hàng rào miễn dịch vùng họng miệng, hoạt động mạnh từ 4 - 10 tuổi, sau đó đến tuổi dậy thì mức độ miễn dịch của amidan giảm rõ và không còn hoạt động mạnh nữa.
Khi amidan chống lại sự xâm nhập ồ ạt của vi khuẩn vào mũi họng vượt quá mức sẽ xảy ra tình trạng viêm amidan. Hậu quả của sự tập trung tiêu diệt vi khuẩn tại amidan thường để lại xác vi khuẩn và xác bạch cầu, mô hoại tử thành các cục mủ rất hôi, lâu lâu rớt ra khỏi amidan.
Khi amidan bị viêm nhiều lần, khả năng chống vi khuẩn bị yếu đi, do chính các ổ viêm nằm trong amidan lại là nơi khởi phát cho những đợt viêm vùng họng. Viêm amidan chiếm tỷ lệ cao ở trẻ em, thường do vi khuẩn gây ra.
Theo PGS. BS Nguyễn Thị Hoài An – nguyên trưởng khoa Tai mũi họng trẻ em, Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa An Việt, các phụ huynh vẫn e ngại khi bác sĩ tư vấn việc con phải cắt amidan. Nhiều người lo sợ con nhỏ quá không trải qua được ca phẫu thuật.
Thực chất, việc cắt amidan này đơn giản, không phức tạp như cha mẹ nghĩ.
Trẻ bao nhiêu tuổi cần cắt amidan? là câu hỏi được nhiều phụ huynh quan tâm. PGS An cho rằng cắt amiđan hoàn toàn không phụ thuộc vào tuổi, mà phụ thuộc mức độ nghiêm trọng của bệnh do amiđan gây ra. Ở trẻ em, phẫu thuật cắt amiđan có thể được thực hiện ở trẻ lớn hơn 2 tuổi.
Cắt amidan có làm suy giảm miễn dịch hay không? PGS An cho rằng, amiđan là một trong những cơ quan miễn dịch ở đường tiêu hóa và hô hấp trên, có chức năng tiết ra một số globuline phòng chống một số bệnh đi vào cơ thể qua đường miệng.
Tuy nhiên, tới nay các nghiên cứu trên thế giới cho thấy khi theo dõi ở người đã được cắt amiđan thì lượng globuline miễn dịch này có sự thay đổi không đáng kể và không hề ảnh hưởng đến chức năng miễn dịch của mỗi người.
PGS An lưu ý, việc cắt amidan thực hiện rất nhanh chỉ mất 30 phút nhưng nó vẫn tiềm ẩn nguy cơ tai biến do gây mê, chảy máu sau mổ.
Để phòng ngừa những tai biến này, người bệnh cần cho bác sĩ biết rõ những tiền căn dị ứng hoặc những bệnh lý nội ngoại khoa đã hoặc đang có. Trong 4 giờ đầu sau khi cắt amidan, người bệnh không nên vận động mạnh và cần phải nằm nghiêng sang một bên không gối đầu để tránh làm tổn thương vết cắt, gây chảy máu. Bệnh nhân cần được theo dõi trong ngày đầu tiên sau khi cắt để tránh nguy cơ xuất huyết sau phẫu thuật.
Đồng thời, sau mổ cần tuân thủ chặt chẽ tư vấn của bác sĩ như kiêng dùng các thức ăn cứng, nóng, chua, cay. Bạn nên ăn các thức ăn lỏng, nguội, mềm trong vòng 15 ngày đầu để tránh chảy máu sau mổ.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/cat-amidan-co-gay-suy-giam-mien-dich-post631596.html