Cắt bỏ cành sâu để cứu cây
Mới đây Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh tổ chức họp báo thông báo tình hình, kết quả công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua và những nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm 2022.
Theo đó, 3 tháng cuối năm, Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh yêu cầu các cơ quan tiến hành tố tụng đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng kinh tế thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. Phấn đấu đến hết năm 2022 sẽ kết thúc điều tra, truy tố các bị can trong các vụ án: Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Sở Giáo dục và Đào tạo; vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất xảy ra tại TP. Điện Biên Phủ; vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản tại xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo.
Cùng với đó là chuyển vụ việc vi phạm quy định về quản lý tài sản Nhà nước tại Công ty Cổ phần Giống lâm nghiệp Trung ương Chi nhánh Điện Biên và Hợp tác xã Him Lam, TP. Điện Biên Phủ đến cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh để xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật. Theo dõi, chỉ đạo xử lý vụ việc liên quan đến trách nhiệm của cán bộ, công chức thuộc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Điện Biên trong thực thi nhiệm vụ, công vụ.
Có thể nói, đây là những vấn đề rất thời sự, rất “nóng”, đang được đông đảo người dân quan tâm. Vì rằng, gần đây, sau khi tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đưa một số vụ án, chương trình, dự án đầu tư cơ sở hạ tầng kéo dài nhiều năm không hoàn thành, tình trạng phá rừng trái phép... vào diện theo dõi, chỉ đạo, bà con tin rằng, không sớm thì muộn, các vụ án sẽ được làm sáng tỏ; không có chuyện “đánh bùn sang ao”.
Vấn đề càng được dư luận quan tâm, khi mới đây cơ quan chức năng khởi tố bắt tạm giam một số cán bộ, viên chức thuộc các phòng, ban chuyên môn và cả lãnh đạo UBND TP. Điện Biên Phủ, thì kỳ vọng của người dân, cán bộ, đảng viên vào công cuộc “đốt lò” tại địa phương càng lớn, có tính cảnh tỉnh, răn đe rất cao. Khẳng định, việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại tỉnh đã “không còn vùng cấm, không có ngoại lệ, không chịu tác động không trong sáng của bất cứ tổ chức, cá nhân nào”.
Dư luận rất đồng tình với chỉ đạo quyết liệt của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng tỉnh, đứng đầu là đồng chí Bí thư Tỉnh ủy. Quan điểm là phải tích cực, khẩn trương; rõ đến đâu xử lý đến đó, sau đó điều tra xử lý tiếp; sai phạm đến đâu, xử đến đó, bất kể người đó là ai. Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, không để lọt tội phạm và cũng không để ai bị xử lý oan sai.
Cũng có ý kiến cho rằng, nếu làm “mạnh tay” sẽ nhụt chí cán bộ, nhất là với các bộ phận đang đảm nhiệm những vị trí “nhạy cảm”. Tuy nhiên, quan điểm của Ban Chỉ đạo là “Xử lý nghiêm cán bộ vi phạm để thanh lọc bộ máy, làm trong sạch bộ máy. Tỉnh có cơ chế, cách làm để bảo vệ cán bộ “dám đột phá, đổi mới” vì tính chung; không vụ lợi cá nhân hay lợi ích nhóm. Biết rằng, mất cán bộ là rất đau nhưng vẫn phải làm. Xử lý một người để cảnh tỉnh nhiều người; cắt bỏ cành sâu để cứu cả cây... Đây là cách làm tốt nhất, hiệu quả nhất để lấy lại, tạo lập lòng tin của nhân dân với tổ chức Đảng, chính quyền.
Thực tế thời gian qua tại tỉnh ta có những vụ án, vụ việc sai phạm, được dư luận xã hội quan tâm, bức xúc, nhưng không được cơ quan chức năng xử lý kịp thời, đến nơi đến chốn, xử lý chưa nghiêm minh, đã làm giảm lòng tin trong một bộ phận người dân với Đảng.
Tới đây, khi các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh làm rõ, có kết luận cụ thể, biết đâu sẽ có thêm cán bộ, đảng viên vi phạm bị xử lý, bị “vào lò”. Tổ chức Đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị nơi cán bộ đó công tác ít nhiều bị ảnh hưởng đến các thành tích, danh hiệu thi đua… vì liên đới trách nhiệm. Cho dù vậy, chúng ta cũng cần nhận thức rõ vấn đề và tạo đồng thuận cao với cách làm của Ban Chỉ đạo. Cần lấy đó làm bài học để tập trung quản lý, chỉ đạo, điều hành công việc và thực thi công việc được tốt hơn, trên tinh thần “đúng việc, tròn vai” và phải thượng tôn pháp luật.