Cắt bớt công ty con và phép thử trong cuộc vượt dốc của Hoàng Anh Gia Lai (HAG)
Cơ cấu tài chính đã được cải thiện nhiều, nhưng sau 'cú sốc' thua lỗ ngàn tỷ đồng năm 2019, Công ty cổ phần Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (mã HAG, sàn HOSE) vẫn phải gồng mình trong năm 2020 - thời điểm có tính quyết định trong cuộc vượt dốc gian nan.
Thanh lý mảng điện
Mới đây, Hoàng Anh Gia Lai vừa quyết định giải thể Công ty cổ phần Thủy điện Hoàng Anh Sài Gòn (một trong 2 công thủy điện thuộc sở hữu của Hoàng Anh Gia Lai).
Được thành lập vào đầu năm 2018, ngoài lĩnh vực chính là sản xuất điện, công ty này còn đăng ký hoạt động trong nhiều mảng kinh doanh khác nhau như sản xuất hóa chất, buôn bán thiết bị phụ tùng, khai thác cát, đá, sỏi…
Công ty con là Công ty cổ phần Thủy điện Hoàng Anh Gia Lai cũng đã được Hoàng Anh Gia Lai quyết “dứt duyên” thông qua việc chuyển nhượng toàn bộ cổ phần thuộc sở hữu của mình tại đây.
Theo nội dung công bố thông tin của ông Võ Trường Sơn, Tổng giám đốc Hoàng Anh Gia Lai, thì số cổ phần chuyển nhượng là 248,5 triệu cổ phần, chiếm 99,4% vốn điều lệ tại Thủy điện Hoàng Anh Gia Lai.
Theo đó, giá trị cổ phần mà Hoàng Anh Gia Lai chuyển nhượng tại công ty thủy điện này tính theo mệnh giá lên tới 2.485 tỷ đồng.
Thủy điện Hoàng Anh Gia Lai chính là công ty đã từng nhận chuyển nhượng một công ty con khác là Công ty TNHH V&H Corporation (Lào, hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và kinh doanh) từ Hoàng Anh Gia Lai vào quý III/2019. Phần vốn chuyển nhượng chiếm 80% vốn điều lệ của Công ty TNHH V&H Corporation.
Trong chuỗi hoạt động chấm dứt hoàn toàn duyên phận với ngành điện, Hoàng Anh Gia Lai cũng đã làm thủ tục thanh lý cho 2 công ty con khác hoạt động ở nước ngoài là Công ty TNHH Điện Hoàng Anh Attapeu (Viêng Chăn, Lào) và Công ty TNHH Điện Nậm Kông 3 (Attapeu, Lào).
Gian nan còn nhiều
Việc thanh lý các công ty con thuộc ngành điện được coi là giải pháp hợp lý cho Hoàng Anh Gia Lai nhằm giảm bớt sự dàn trải và tập trung vào ngành nghề chủ lực.
Theo đó, Công ty có thể giải quyết được áp lực về tài chính trong ngắn hạn, tạm thời có nguồn năng lượng để tự vực dậy.
Ngày chốt sổ năm 2019, một công ty con đang được Hoàng Anh Gia Lai dồn sức đầu tư là Công ty cổ phần Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico, mã HNG) đã hoàn thành việc mua lại trái phiếu trước hạn từ Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB).
Trước đó, HAGL Agrico đã mua lại trước hạn trái phiếu (đảm bảo bằng tài sản) với tổng giá trị hơn 2.100 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), nhằm tái cơ cấu nợ. Bản thân Hoàng Anh Gia Lai cũng mua lại trước hạn 594 tỷ đồng trái phiếu từ VPBank vào giữa năm 2019.
Những động thái trên tuy phần nào cho thấy, Hoàng Anh Gia Lai đã dần cởi được những rắc rối trong bài toán hóc búa về tài chính, nhưng không vì thế mà khỏa lấp được hết nỗi gian nan còn nặng gánh, nhất là ngay sau cú sốc thua lỗ hơn 1.600 tỷ đồng năm 2019.
Các con số về dòng tiền của Hoàng Anh Gia Lai vẫn cho thấy những gánh nặng “đá tảng”, khi dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh năm 2019 của doanh nghiệp này bị âm tới gần 3.192 tỷ đồng, sau khi đã âm gần 2.918 tỷ đồng trong năm 2018.
Dòng tiền có được từ việc chuyển nhượng vốn góp tại các công ty con đã gỡ khó phần nào cho bài toán cân đối dòng tiền của Hoàng Anh Gia Lai.
Theo báo cáo lưu chuyển tiền tệ năm 2019, dòng tiền thu hồi từ đầu tư góp vốn vào đơn vị khác lên đến 12.459 tỷ đồng và nhờ đó dòng tiền thuần từ hoạt động đầu tư vẫn dương hơn 6.819 tỷ đồng.
Tuy nhiên, mối lo lâu dài đối với Hoàng Anh Gia Lai là giải pháp bán bớt công ty con không thể là lời giải lâu dài về tài chính, nếu Công ty không sớm có giải pháp tài chính bền vững để tạo được dòng tiền ổn định đến từ hoạt động kinh doanh.
Vì vậy, năm 2020 là thời điểm rất quan trọng và cũng là phép thử trong cuộc vượt dốc gian nan của đại gia này.