Cát đã khan hiếm lại đội giá, nhà thầu vật vã tìm cách xoay sở
Trước tình trạng giá cát 'nhảy múa' và khan hiếm, nhiều nhà thầu phải chạy đôn chạy đáo để mua với giá cao mà vẫn không được.
“Báo động đỏ” về cát xây dựng
Thời gian qua, các nhà thầu thi công trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi gặp khó khăn do cát xây dựng khan hiếm, nhiều đơn vị phải mua với giá cao hơn giá so với giá Sở Xây dựng công bố.
Cụ thể là Công ty TNHH XD và TM Quốc Tiến (mỏ cát thôn Nghĩa Lập, huyện Mộ Đức), giá niêm yết của công ty và giá công bố của Sở Xây dựng là 136.364 đ/m3 (từ tháng 2/2023 trở về trước), nhưng từ 3/2023 đến nay, Công ty lại bán với giá từ 220.000- 300.000đ/m3.
Thậm chí, nhà thầu còn phản ánh có tình trạng bán cát chỉ xuất phiếu thu chứ không xuất hóa đơn, hoặc không mua được cát dù giá cao. Đơn cử như Công ty Cổ phần Xây dựng công trình Quảng Ngãi. Đơn vị này ký kết với chủ đầu tư đến 30/6 hoàn thành công trình, nghĩa là chỉ còn hơn 3 tháng nữa để triển khai thi công, tuy nhiên, làm đủ mọi cách để xoay sở mà vẫn không mua được cát.
Đáng chú ý, thực trạng thiếu cát để thi công cũng đang đẩy Tiểu dự án và tuyến chính cao tốc Bắc - Nam vào nguy cơ chậm tiến độ. Các đơn vị thi công đề nghị tỉnh Quảng Ngãi cần có giải pháp kịp thời bổ sung gấp nguồn cung cát cho thị trường để ổn định tình hình, đồng thời không kéo chậm tiến độ những dự án trên địa bàn.
“Ban nhận được rất nhiều phản hồi từ các nhà thầu về việc cát khan hiếm, khó tiếp cận và giá bán cao. Đặc biệt là những doanh nghiệp nhận các gói thầu phải tiến hành đắp một khối lượng cát lớn để gia cố nền đất yếu”- đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ngãi cho hay.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Hữu Hồng cho biết, qua kiểm tra trong giai đoạn thi công các công trình trên địa bàn tỉnh và báo cáo của các nhà thầu thi công cho thấy, hiện nay vật liệu cát xây dựng rất khan hiếm, giá tăng cao gấp 2,5 đến 3 lần giá các chủ mỏ đã niêm yết, yêu cầu Sở Xây dựng công bố trong tháng 2/2023.
Ông Hồng cũng thừa nhận, tình trạng trên có nguy cơ gây chậm tiến độ các công trình lớn trên địa bàn tỉnh như: 23 khu tái định cư phục vụ cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn; đường ven biển Dung Quất – Sa Huỳnh; các khu tái định cư trên địa bàn các huyện Bình Sơn, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành...
Đâu là giải pháp?
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Quảng Ngãi, nguyên nhân tăng giá cát là do trên địa bàn tỉnh chỉ còn mỏ cát thôn Nghĩa Lập (xã Đức Hiệp, huyện Mộ Đức) được cấp phép khai thác với công suất 59.000m3/năm. Trong khi đó, nhu cầu cát xây dựng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi rất lớn, riêng dự án cao tốc khoảng hơn 1 triệu m3.
Được biết, tỉnh Quảng Ngãi thống nhất 7 mỏ cát trong quy hoạch (1 mỏ đã cấp phép khai thác với công suất 59.000m3/năm, 6 mỏ chưa cấp phép) với tổng trữ lượng khoảng 2,14 triệu m3.
Sau khi trúng đấu giá, các chủ mỏ cát chậm thực hiện các thủ tục cấp phép khai thác. Hiện doanh nghiệp trúng đấu giá quyền khai thác mỏ cát trên sông Trà Khúc, sông Vệ đang xúc tiến việc hoàn thành các thủ tục để UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác. Tuy nhiên, quá trình này phải được thực hiện đảm bảo các trình tự, thủ tục theo quy định.
Theo quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng làm vật liệu xây dựng thông thường tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 được duyệt, tỉnh này có tổng cộng 343 mỏ đất, cát và đá xây dựng. Cụ thể: 77 mỏ đá với tổng trữ lượng dự báo khoảng 230 triệu m3; 98 mỏ cát với tổng trữ lượng dự báo khoảng 22,8 triệu m3 và 168 mỏ đất đồi với tổng trữ lượng dự báo khoảng 108 triệu m3 .
Đề án phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050 tính toán và dự báo đến năm 2025, nhu cầu sử dụng vật liệu đá là 2,03 triệu m3/năm, cát xây dựng là 1,74 triệu m3/năm và đất san lấp là 25 triệu m3/năm.
Để tăng cường công tác quản lý giá khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (đất, đá, cát) trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, đảm bảo ổn định thị trường, Sở Xây dựng Quảng Ngãi kiến nghị UBND chỉ đạo Sở TN&MT khẩn trương, đôn đốc các doanh nghiệp đã trúng đấu giá quyền khai thác các mỏ cát nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép khai thác, đưa mỏ vào hoạt động, kịp thời gỡ khó cho các nhà thầu, chủ đầu tư các công trình, nhất là dự án cao tốc Bắc - Nam.
“Giải pháp ổn định và lâu dài là ngăn chặn khai thác khoáng sản trái phép và tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản, đảm bảo trữ lượng khai thác hàng năm theo như dự báo được duyệt, tránh tình trạng khan hiếm dẫn đến việc lợi dụng nâng giá của các doanh nghiệp”- ông Hồng nói.
Sở Xây dựng cũng đề nghị các sở, ngành có chức năng quản lý giá, thực hiện việc theo dõi, kiểm tra các doanh nghiệp khai thác mỏ có giá bán cao hơn giá kê khai, niêm yết mà sở đã công bố, không lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ có giá trị thanh toán từ 200.000 đồng trở lên cho người mua theo quy định.
Các nhà thầu thi công kịp thời phản ánh thông tin giá mua đất, đá, cát cao hơn giá do Sở Xây dựng công bố cho các sở, ngành chức năng để có biện xử lý hoặc tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo xử lý theo thẩm quyền.