Cắt ghép nội dung của Đài Hà Nội để lừa đảo

Sau khi Đài Hà Nội đăng tải phóng sự Cảnh báo giả mạo luật sư để lừa lấy lại tiền cho các nạn nhân bị lừa đảo, thì mới đây các đối tượng xấu lại sử dụng chính phóng sự này để cắt ghép thành nội dung quảng cáo, lừa đảo.

Những đoạn clip thất thiệt đang lan truyền không chỉ khiến người dân nhầm lẫn, tin sai dẫn đến tiền mất tất mang mà còn làm ảnh hưởng đến hình ảnh của phóng viên cũng như uy tín của Đài Hà Nội. Nếu không đủ tỉnh táo thì bạn sẽ không thể nhận biết đâu là thật đâu là giả.

Đặc điểm nhận dạng các video giả mạo, cắt ghép nhằm mục đích lừa đảo này là:

Video có chất lượng thấp;
Hình ảnh bị chèn thêm logo, các khẩu hiệu quảng cáo hoặc các phương thức liên hệ;
Nội dung kèm theo thường lỗi font, sai chính tả hoặc viết cách điệu để vượt qua phần kiểm duyệt của facebook;
Video sử dụng giọng đọc của AI;
Video không được đăng tải trên các kênh mạng xã hội chính thống của Đài Hà Nội…

Suốt hơn một năm qua, Luật sư Nguyễn An Bình - người được nhắc đến trong đoạn video Cảnh báo của Đài Hà Nội đã nhận được hàng trăm tin nhắn tố cáo.

Luật sư đồng thời đại diện pháp lý cho nhiều nạn nhân làm đơn đến cơ quan chức năng sau khi bị lừa đảo. Tuy nhiên, anh cũng cảm thấy các thủ đoạn đang tinh vi hơn, khó lường hơn.

Luật sư Nguyễn An Bình - người được nhắc đến trong đoạn video Cảnh báo của Đài Hà Nội đã nhận được hàng trăm tin nhắn tố cáo.

Luật sư Nguyễn An Bình - người được nhắc đến trong đoạn video Cảnh báo của Đài Hà Nội đã nhận được hàng trăm tin nhắn tố cáo.

Cũng với thủ đoạn này, các đối tượng lừa đảo mạo danh luật sư đã cam kết với chị Mai Thị Hương (phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy) sẽ lấy lại số tiền 600 triệu đồng chị bị lừa trước đó, chi phí cần bỏ ra là gần 2 triệu để làm hồ sơ.

Tuy nhiên, sau khi chuyển khoản chị Hương không liên lạc được với fanpage này nữa. Đến tận địa chỉ trụ sở mà các đối tượng này cung cấp thì chỉ là một địa chỉ ma.

Nạn nhân bị lừa đảo thường có tâm lý muốn “lấy lại những gì đã mất”, đây chính là kẽ hở để các đối tượng phạm tội lợi dụng, lừa đảo thêm một lần nữa.

Thủ đoạn giả danh cán bộ công an, luật sư, bộ tư pháp cam kết lấy lại tiền cho nạn nhân bị lừa đảo không phải là mới. Bản chất thủ đoạn này là tạo niềm tin cho nạn nhân, sau đó, yêu cầu nạn nhân chuyển tiền.

Tuy nhiên, điều khác biệt là các đối tượng liên tục thay đổi cách thức phạm tội, thậm chí, cắt ghép, lợi dụng chính nội dung cảnh báo lừa đảo của các cơ quan báo chí để chạy quảng cáo lừa đảo.

Người dân cần cảnh giác, tuyên truyền đến người thân, bạn bè tránh mắc bẫy đối tượng xấu; đồng thời, hãy là người sử dụng mạng xã hội thông thái, không tin các nội dung chưa được kiểm chứng và không phải do các kênh thông tin chính thống đăng tải.

Kim Oanh

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/cat-ghep-noi-dung-cua-dai-ha-noi-de-lua-dao-255388.htm