Công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực có bước tiến mới

Năm 2024 công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, có bước tiến mới, quyết liệt và hiệu quả hơn cả ở Trung ương và địa phương, được dư luận và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.

Đi sâu làm rõ bản chất để xử lý hành vi tham nhũng

Chính phủ nhận định, kết quả nổi bật là kiên quyết xử lý nghiêm trách nhiệm chính trị của người đứng đầu, cán bộ, lãnh đạo quản lý để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong phạm vi quản lý, phụ trách, vi phạm trách nhiệm nêu gương và những điều đảng viên, cán bộ, công chức không được làm; thực hiện đúng chỉ đạo “kiên quyết, kiên trì, không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ”; truy tố một vụ cảnh tỉnh cả một vùng, một lĩnh vực.

Các cơ quan đã kiên quyết khởi tố, điều tra, xử lý nghiêm một số vụ án tham nhũng, tiêu cực đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, liên quan đến các hành vi sai phạm diễn ra từ nhiều năm trước và cả những sai phạm mới phát sinh, xảy ra trên diện rộng, có tổ chức, cả trong khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước.

Một điểm mới được nhấn mạnh là từ khởi tố ban đầu về các hành vi phạm tội về kinh tế, cơ quan điều tra đã đi sâu làm rõ bản chất vụ án và khởi tố các hành vi phạm tội về tham nhũng; khởi tố nhiều cán bộ cấp cao, cán bộ lãnh đạo, nguyên lãnh đạo chủ chốt của một số địa phương, tiếp tục tạo bước tiến mới trong phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực.

Từ khởi tố ban đầu về các hành vi phạm tội về kinh tế, cơ quan điều tra đã đi sâu làm rõ bản chất vụ án và khởi tố các hành vi phạm tội về tham nhũng. Qua vụ án Vạn Thịnh Phát cho thấy lần đầu tiên đã xử phạt tử hình đối với 1 bị cáo là chủ doanh nghiệp tư nhân về tội Tham ô tài sản. Ảnh: Bị cáo Trương Mỹ Lan (cựu Chủ tịch Vạn Thịnh Phát)

Từ khởi tố ban đầu về các hành vi phạm tội về kinh tế, cơ quan điều tra đã đi sâu làm rõ bản chất vụ án và khởi tố các hành vi phạm tội về tham nhũng. Qua vụ án Vạn Thịnh Phát cho thấy lần đầu tiên đã xử phạt tử hình đối với 1 bị cáo là chủ doanh nghiệp tư nhân về tội Tham ô tài sản. Ảnh: Bị cáo Trương Mỹ Lan (cựu Chủ tịch Vạn Thịnh Phát)

Báo cáo của nhóm nghiên cứu tại Phiên họp toàn thể lần thứ 14 của Ủy ban Tư pháp diễn ra vừa qua cũng đánh giá, các biện pháp phòng ngừa tham nhũng trong năm 2024 tiếp tục được Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ, hiệu quả.

Trong đó, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội và phòng chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Chính phủ tiếp tục lãnh đạo công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế với quyết tâm cao nhằm tạo lập hệ thống cơ sở pháp lý ổn định, thống nhất, đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch, loại bỏ “lợi ích nhóm”.

Nhiều văn bản về quản lý nhà nước được ban hành và quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, tạo cơ sở chính trị, pháp lý quan trọng để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tăng cường công tác kiểm tra, sửa đổi, bổ sung các chính sách, pháp luật, góp phần tháo gỡ các rào cản, vướng mắc trong quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Cần khắc phục bất cập về kiểm soát tài sản, thu nhập

Về thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp, cho rằng, một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng còn có những hạn chế.

Năm 2024, mặc dù số lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng được tiến hành tăng cao hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm 2023 nhưng số vi phạm được phát hiện tăng không đáng kể.

Việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn đã được tăng cường, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những trường hợp kê khai tài sản, thu nhập không trung thực.

Việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn còn hạn chế. Thực tế xử lý các vụ án tham nhũng vừa qua cho thấy nhiều trường hợp sau khi cơ quan cảnh sát điều tra khám xét mới phát hiện khối tài sản lớn không kê khai, không rõ nguồn gốc.

Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế để phòng, chống tham nhũng trong một số trường hợp còn chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu. Chất lượng của một số văn bản còn hạn chế, thiếu tính ổn định; còn tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản quy định chi tiết..

Theo nhận định của nhóm nghiên cứu, thực trạng này là một trong các yếu tố dẫn đến khó khăn trong thực thi pháp luật; cán bộ sợ trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh, sợ sai; đồng thời có thể dẫn đến tình trạng cán bộ lợi dụng các sơ sở của pháp luật để thực hiện hành vi tham nhũng, tiêu cực.

Trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến của các cơ quan của Quốc hội, Ban Dân nguyện tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức vào tháng 8 vừa qua, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, đối với lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, hầu hết các chỉ tiêu được Quốc hội giao trong Nghị quyết số 96/2019/QH14 đều đạt ở mức hoàn thành trở lên.

Công tác phòng, chống tội phạm về trật tự xã hội được tăng cường. Công tác phòng, chống tội phạm về kinh tế, tham nhũng… tiếp tục được chú trọng và đạt nhiều kết quả.

Các vụ án tham nhũng, kinh tế, vụ án được dư luận xã hội quan tâm đều được đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh. Tỷ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế tăng.

PV/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/cong-tac-phong-chong-tham-nhung-tieu-cuc-co-buoc-tien-moi-post1119803.vov