Cắt giảm điều kiện kinh doanh này lại 'mọc' thủ tục khác
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thừa nhận có tình trạng thủ tục hành chính vẫn còn rườm rà, phức tạp, cắt điều kiện kinh doanh này nhưng lại mọc các thủ tục khác gây khó khăn cho doanh nghiệp.,
Tại ngày chất vấn thứ hai, kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, Chính phủ đã cắt giảm 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh; cắt giảm, đơn giản hóa 6.776/9.926 thủ tục kinh doanh.
Tuy nhiên, ông Dũng thừa nhận, thủ tục hành chính vẫn còn rườm rà, phức tạp. Đặc biệt, có những trường hợp, cắt điều kiện kinh doanh này nhưng lại mọc các thủ tục khác. Cắt giảm điều kiện kinh doanh này lại chuyển sang thành tiêu chuẩn và quy chuẩn. Điều này đang gây rào cản, khó khăn rất lớn cho người dân, doanh nghiệp.
Thực tế cũng cho thấy, sau 3 năm thực hiện, việc cắt giảm điều kiện kinh doanh của các bộ, ngành vẫn chưa thực chất khi vẫn còn tồn tại điều kiện kinh doanh bất hợp lý.
Theo nhiều chuyên gia, đa số các điều kiện kinh doanh được cắt bỏ chủ yếu dưới hình thức đơn giản hóa, ít cắt bỏ. Hiện vẫn còn một số điều kiện kinh doanh không cần thiết, bất hợp lý, không đạt hiệu quả quản lý, thiếu rõ ràng.
Đáng nói hơn, sau khi cắn giảm, nhiều dự thảo nghị định mới của các bộ, ngành thậm chí còn tiềm ẩn nguy cơ đưa các "giấy phép con" trở lại bằng nhiều cách khác nhau.
Đơn cử như báo cáo của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho thấy, dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 86 về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô đã mở rộng thêm các điều kiện kinh doanh chứ không chỉ cắt bỏ.
Dự thảo này cắt bỏ 12 điều kiện nhưng bổ sung 85 điều kiện. Trong đó 64 điều kiện bổ sung mới, 21 điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Giao thông vận tải.
Chuyên gia Phạm Chi Lan: Có thể áp dụng cơ chế 'máy chém' để cắt giảm giấy phép con
Bên cạnh đó, mặc dù đã đạt được một số hiệu quả nhất định, song những vướng mắc về rào cản về điều kiện kinh doanh vẫn còn phổ biến. Đặc biệt, cảm nhận của doanh nghiệp về hiệu quả cải cách điều kiện kinh doanh vẫn còn hạn chế.
Khảo sát của VCCI về mức độ hài lòng từ người nộp thuế năm 2019 cho thấy, có hơn 20% doanh nghiệp chưa thực sự hài lòng về cải cách thủ tục hành chính của cơ quan thuế trong năm qua. Đó chính là dư địa mà cơ quan thuế cần tiếp tục cải cách trong thời gian tới, cũng là sự trông đợi của người dân và doanh nghiệp với những nỗ lực tiếp theo của ngành thuế.
Để việc cắt giảm các điểu kiện kinh doanh được hiệu quả hơn, theo ông Dũng, Thủ tướng đang chỉ đạo các cơ quan tiếp tục rà soát lại. Cụ thể, trước hết, các bộ ngành phải kiểm soát ngay từ khâu dự thảo, phải nâng cao chất lượng dự thảo.
Thứ hai, các bộ ngành phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để công khai hóa trong việc để các doanh nghiệp giám sát, người dân giám sát và quan trọng là phải thực hiện được quy trình về thủ tục hành chính, làm sao để thực sự cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Thứ ba, tiếp tục đổi mới lề lối làm việc và xử lý hồ sơ trên điện tử theo Nghị định 45.
Thứ tư, huy động sự tham gia của Hội đồng tư vấn cải cách hành chính.
Bên cạnh đó,ông Dũng cũng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh ứng dụng dịch vụ công trực tuyến thông qua Cổng Dịch vụ công quốc gia, Nhiều dịch vụ công và thủ tục hành chính đã được giải quyết không qua tiếp xúc giữa người thực hiện và cơ quan hành chính nhà nước.
Cổng Dịch vụ công quốc gia là “một cửa duy nhất” trên môi trường điện tử kết nối, tương tác giữa người dân, doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước để tra cứu thông tin, thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Sau gần một năm thực hiện (từ ngày 9/12/2019), Cổng Dịch vụ công quốc gia đã tích hợp, cung cấp gần 2.200 dịch vụ công trực tuyến trên tổng số gần 7.000 thủ tục hành chính tại 4 cấp chính quyền.
Sau hơn 9 tháng kể từ ngày khai trương, ngày 19/8/2020, Cổng Dịch vụ công quốc gia đạt mốc 1.000 dịch vụ công; tiếp đó, đến tháng 10 đạt thêm 1.000 dịch vụ công nữa. Như vậy, trong gần 2 tháng, số dịch vụ công đã tăng trên 400% so với 9 tháng trước đó. Chi phí xã hội tiết kiệm được khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến là trên 6.700 tỷ đồng/năm.
Sau gần 8 tháng triển khai Cổng Dịch vụ công quốc gia đã kết nối với 10 ngân hàng, đơn vị cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cho phép cá nhân, tổ chức thanh toán trực tuyến qua tài khoản/thẻ ngân hàng với 40/46 ngân hàng.