Cắt giảm khí thải là năng lực cạnh tranh mới

Doanh nghiệp có thể cân nhắc lựa chọn đối tác có giải pháp bền vững hơn để xanh hóa chuỗi cung ứng. Ở chiều ngược lại, doanh nghiệp cũng hoàn toàn có thể bị loại khỏi chuỗi cung ứng của đối tác nếu không có các nỗ lực giảm nhẹ cường độ phát thải.

Tại COP26, Việt Nam cùng nhiều quốc gia khác trên thế giới đã đưa ra tuyên bố mạnh mẽ rằng sẽ đưa mức phát thải khí nhà kính về 0 vào năm 2050. Thực hiện các cam kết này, doanh nghiệp cũng bắt buộc phải đưa ra những kế hoạch cắt giảm khí thải carbon của riêng mình.

Bên cạnh đó, các thị trường lớn cũng đang ngày càng đặt nặng tiêu chí về phát thải khí nhà kính đối với sản phẩm, dịch vụ. Tiêu biểu nhất là cơ chế điều chỉnh carbon xuyên biên giới (CBAM) mới được EU công bố áp dụng. Dự kiến, các thị trường như Mỹ, Nhật Bản… cũng sẽ ban hành những cơ chế tương tự CBAM trong tương lai.

Trong bối cảnh đó, cắt giảm khí thải carbon đang dần trở thành yêu cầu bắt buộc trong hoạt động vận hành của doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu và có định hướng xuất khẩu.

Tại hội thảo “Chuyển đổi xanh ngành công nghiệp – EU CBAM và lộ trình trung hòa carbon của Việt Nam”, theo ông Huỳnh Thanh Trung, Giám đốc kiêm đồng sáng lập Công ty CP Leanwares, nhiều tập đoàn đa quốc gia hàng đầu thế giới đã đặt mục tiêu giảm phát thải và trung hòa carbon vào năm 2050, tiêu biểu như hãng đồ thể thao Adidas, tập đoàn xe hơi Ford… Điều này đặt ra áp lực phải giảm phát thải cho cả những công ty nhỏ hơn, nếu không muốn bị “đào thải” ra khỏi chuỗi cung ứng.

Khuyến nghị sớm triển khai thị trường tín chỉ carbon

Cắt giảm khí thải nhà kính như thế nào?

Thực tế cho thấy, khí thải nhà kính phát sinh trong mọi khía cạnh vận hành của doanh nghiệp, từ các hoạt động sản xuất trực tiếp cho đến hoạt động tại văn phòng thực hiện công việc hành chính và các dịch vụ thuê ngoài.

Theo nghị định thư về khí nhà kính, các nguồn phát thải của doanh nghiệp được xác định dựa trên 3 phạm vi, bao gồm phát thải trực tiếp mà doanh nghiệp có thể chủ động kiểm soát (phạm vi 1); phát thải gián tiếp thông qua tiêu thụ năng lượng (phạm vi 2) và phát thải gián tiếp từ những nhà cung ứng trong chuỗi (phạm vi 3).

Thông qua thấu hiểu sâu sắc về quy trình hoạt động, quy trình quản trị của doanh nghiệp, các giải pháp ở phạm vi 1 và phạm vi 2 có thể được thiết lập một cách phù hợp nhất, không chỉ giảm phát thải mà còn có thể tiết kiệm được nguyên, nhiên liệu sử dụng, giảm chi phí vận hành cho doanh nghiệp.

Ông Trương Vĩnh Khang, Trưởng bộ phận phát triển bền vững Viện Tiêu chuẩn Anh (BSI) Việt Nam, lấy ví dụ, có doanh nghiệp sản xuất xi măng đã sử dụng nhiệt lượng dư thừa từ lò nung để sản xuất điện năng, từ đó tiết kiệm được chi phí năng lượng. Hay như câu chuyện của một đơn vị sản xuất gốm đã tiết kiệm được 20 – 25% chi phí nhiên liệu đốt nhờ vào việc phơi khô gốm trước khi nung.

Bên cạnh đó, một số giải pháp khác cũng rất dễ thực hiện và đang được nhiều doanh nghiệp triển khai hiệu quả, có thể kể đến như tái sử dụng nước thải để làm mát, sử dụng nguyên vật liệu tái chế; lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái; tăng cường tuần hoàn vật liệu trong khu công nghiệp…

Doanh nghiệp hoàn toàn có thể bị loại khỏi chuỗi cung ứng của các đối tác nếu như không nỗ lực thực hiện các giải pháp giảm phát thải.

Đối với phạm vi thứ 3, theo ông Khang, các nguồn phát thải rất lớn và đa dạng, khó có thể kiểm soát hết. Để cắt giảm khí thải ở phạm vi thứ 3, doanh nghiệp có thể cân nhắc đàm phán lại, đặt ra yêu cầu đối với các nhà cung ứng, thậm chí thay thế các đối tác hiện tại bằng nhà cung ứng mới có giải pháp giảm phát thải hiệu quả.

Tuy nhiên, chuyên gia BSI lưu ý, điều ngược lại cũng hoàn toàn có thể xảy ra, rằng doanh nghiệp cũng hoàn toàn có thể bị loại khỏi chuỗi cung ứng của các đối tác khác nếu như không nỗ lực thực hiện các giải pháp giảm phát thải.

Bên cạnh thực hiện giảm nhẹ cường độ phát thải trong chuỗi cung ứng, doanh nghiệp có thể “xanh hóa” thông qua thực hiện thêm những dự án thu hồi khí thải carbon, ví dụ như trồng rừng.

Gần đây, trong một sự kiện về kinh tế xanh, đại diện Vinamillk đã tiết lộ, việc 2 cơ sở của công ty được công nhận trung hòa carbon theo tiêu chuẩn quốc tế có sự đóng góp đáng kể của dự án trồng 1 triệu cây xanh đã được công ty triển khai từ nhiều năm trước.

Hoàng Đông

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/cat-giam-khi-thai-la-nang-luc-canh-tranh-moi-1690535505733.htm