Cắt giảm lãi suất chưa đủ để ổn định nền kinh tế Trung Quốc
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã thực hiện một loạt động thái nới lỏng trong những tuần gần đây, cắt giảm các lãi suất chủ chốt lần đầu tiên trong gần hai năm và khuyến khích các ngân hàng tăng tốc cho vay. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, chính sách tiền tệ nới lỏng ở Trung Quốc sẽ không đủ để ổn định nền kinh tế và cần phải tăng chi tiêu chính phủ nhanh hơn.
PBOC cắt giảm lãi suất cho vay lần đầu tiên sau gần 2 năm
Vào thứ Năm tuần trước (19/1), PBOC đã cắt giảm lãi suất cho vay chuẩn từ 3,8% xuống 3,7% trong bối cảnh lo ngại về sự suy giảm kinh tế của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Lãi suất cơ bản cho khoản vay 5 năm đã được hạ 5 điểm cơ bản từ 4,65% xuống 4,6% - đây là lần cắt giảm đầu tiên kể từ tháng 4/2020, vào thời điểm cao điểm của đại dịch COVID-19 trong nước. Lãi suất cho vay cơ bản (LPR) ảnh hưởng đến lãi suất cho vay của ngân hàng thương mại đối với các khoản vay hộ gia đình và doanh nghiệp trong nước.
Hầu hết các khoản cho vay mới và chưa thanh toán ở Trung Quốc dựa trên LPR một năm, nhưng lãi suất 5 năm ảnh hưởng đến việc định giá các khoản thế chấp mua nhà. Theo Capital Economics, việc cắt giảm lãi suất tiếp tục nỗ lực của PBOC nhằm giảm chi phí đi vay.
“Các khoản vay thế chấp hiện sẽ rẻ hơn một chút, điều này sẽ giúp thúc đẩy nhu cầu nhà ở. PBOC đã thúc đẩy các ngân hàng tăng khối lượng cho vay thế chấp, ”Sheana Yue, nhà kinh tế Trung Quốc cho biết.
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, chính sách tiền tệ nới lỏng ở Trung Quốc sẽ không đủ để ổn định nền kinh tế và cần phải tăng chi tiêu chính phủ nhanh hơn.
Cần chính sách tài khóa tích cực hơn
Yu Yongding, nguyên thành viên Ủy ban chính sách tiền tệ của PBOC, cho biết: “Trong tình hình kinh tế hiện tại, vai trò của PBOC có thể bị hạn chế. ”Ông Yu cho biết trong một cuộc phỏng vấn tuần trước, tác động hiện tại của bất kỳ nới lỏng tiền tệ nào cũng bị hạn chế do nhu cầu tín dụng tương đối yếu.
Bộ Tài chính, cơ quan kiểm soát chi tiêu của Chính phủ, nên đi đầu trong việc thúc đẩy nền kinh tế trong khi PBOC có thể hỗ trợ chính sách tài khóa mở rộng, ông nói.
Ông Yu nói, cho đến khi có sự thay đổi quyết định trong chính sách tài khóa, “việc nới lỏng chính sách tiền tệ nên được hạn chế vì nó không hữu ích lắm, có thể tạo ra các vấn đề khác”, chẳng hạn như tín dụng dư thừa chảy vào các lĩnh vực kém năng suất hơn, chẳng hạn như bất động sản.
Lập trường tài khóa của Trung Quốc đã được điều chỉnh vào năm 2021, với thâm hụt của chính phủ giảm khoảng 40% trong 11 tháng đầu năm ngoái so với cùng kỳ năm 2020.
Vào tháng 12, Bắc Kinh kêu gọi các chính quyền địa phương tăng cường chi tiêu cho cơ sở hạ tầng, nhưng vẫn còn nhiều câu hỏi về cách thức tài trợ vì sự suy thoái của thị trường nhà ở đang hạn chế thu nhập của chính quyền địa phương từ việc bán bất động sản.
Ông Yu cũng ủng hộ chính sách tài khóa tích cực hơn kể từ khi Bắc Kinh cảnh báo nợ chính quyền địa phương bắt đầu làm chậm đầu tư cơ sở hạ tầng từ năm 2017.
Xing Zhaopeng, chiến lược gia cấp cao về Trung Quốc tại Australia và New Zealand Banking Group Ltd cho biết rằng, các vấn đề kinh tế quan trọng của Trung Quốc là hạn chế từ phía cung và cung không đủ cầu, những vấn đề này sẽ không được giải quyết chỉ bằng chính sách tiền tệ.
Bắc Kinh đã thông báo với các chính quyền địa phương rằng họ có thể bắt đầu phát hành tới 1,46 nghìn tỷ nhân dân tệ (230 tỷ USD) trái phiếu “đặc biệt” được sử dụng để tài trợ cho cơ sở hạ tầng. Nhưng họ sẽ không được phép phát hành trái phiếu vượt quá số tiền đó cho đến khi ngân sách quốc gia được phê duyệt vào giữa tháng 3 tới bởi Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc.
Theo ông Yu, việc nới lỏng tài khóa có thể bị trì hoãn cho đến khi kết thúc đại hội. “Có lẽ chúng ta phải đợi, vì thường chỉ sau Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc thì ngân sách mới được đưa ra”.