Cắt giảm phải từ gốc
Mục tiêu đặt ra là từ nay đến năm 2026, toàn hệ thống chính trị tinh giản ít nhất 5% biên chế cán bộ, công chức và ít nhất 10% biên chế viên chức hưởng lương ngân sách.
Mới đây, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 40-KL/TW về nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022 - 2026 yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Mục tiêu đặt ra là từ nay đến năm 2026, toàn hệ thống chính trị tinh giản ít nhất 5% biên chế cán bộ, công chức và ít nhất 10% biên chế viên chức hưởng lương ngân sách.
Những cơ quan, tổ chức, địa phương, đơn vị chưa giảm đủ 10% biên chế giai đoạn 2016 – 2021 sẽ vừa phải thực hiện mục tiêu tinh giản giai đoạn 2022 - 2026, vừa phải thực hiện chỉ tiêu giai đoạn 2016 - 2021. Nơi nào thực hiện vượt chỉ tiêu giai đoạn 2016 - 2021 thì phần vượt được tính vào kết quả thực hiện giai đoạn 2022 - 2026.
Tiếp tục tinh giản biên chế là chủ trương rất đáng hoan nghênh bởi việc này không chỉ giảm bớt gánh nặng chi tiêu cho ngân sách mà còn ý nghĩa lớn hơn ở chỗ giúp nâng cao chất lượng và hiệu quả quản trị quốc gia. Tuy nhiên, để đến được đích đó, công cuộc cắt giảm biên chế buộc phải đi đúng đường.
Tính đến cuối tháng 6/2021, tổng biên chế toàn hệ thống giảm 20% so với biên chế được giao năm 2015, vượt mục tiêu đề ra. Bên cạnh thành tích đó, tiến trình cắt giảm biên chế đặt ra nhiều vấn đề về khía cạnh chất lượng.
Chẳng hạn, một số nơi dù đã tinh giản đủ 10% nhưng xuất hiện tình trạng cào bằng giữa các đơn vị. Điều này dẫn đến một số đơn vị khối lượng công việc lớn cần ít nhất là giữ nguyên chỉ tiêu biên chế hiện có, chưa nói đến cần tăng chỉ tiêu biên chế để đáp ứng yêu cầu công tác, thì lại vẫn phải cắt giảm biên chế theo tỷ lệ chung.
Nơi khác - như TP Hồ Chí Minh - dù dôi dư hàng nghìn công chức, viên chức do với số lượng biên chế Trung ương giao nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phục vụ người dân.
Cán bộ của thành phố luôn trong tình trạng quá tải do dân số quá đông. Nếu tính luôn cả số biên chế phường, xã, thị trấn thì trung bình, một công chức của thành phố phải phục vụ 346 người, hơn gấp 2 lần so với cả nước (152 người).
Hoặc ngay trong ngành Giáo dục, nhiều địa phương loay hoay với bài toán thiếu giáo viên nhưng vẫn phải lo cắt giảm 10% theo lộ trình.
Thực chất, biên chế chỉ là hệ quả của bộ máy. Do đó, chỉ khi xác định đúng chức năng của từng khu vực (hành chính, sự nghiệp công, đoàn thể) và tổ chức bộ máy hợp lý chúng ta mới có được vị trí con người - tức là có số lượng biên chế hợp lý. Điều này có nghĩa là giải pháp từ gốc cho vấn đề tinh giản biên chế chính là cải cách bộ máy.
Như vậy, muốn đạt được kết quả thực chất hơn, tinh giản biên chế trong trong giai đoạn tới phải gắn chặt hơn nữa với việc ẩy mạnh cải cách bộ máy theo hướng: Việc gì thị trường, khu vực tư nhân, các tổ chức xã hội làm được thì giao cho các nhóm này, còn Nhà nước chỉ tập trung vào những chức năng cốt lõi của mình và chỉ làm những gì các nhóm trên không làm được. Nếu việc gì Nhà nước cũng “ôm” thì rất khó giảm biên chế, hoặc giảm được về số lượng cũng chưa chắc đã chất lượng tốt.
Quá trình tinh giản cũng cần lưu ý rằng, có những chỗ cần tăng biên chế chứ không phải là cắt giảm và có chỗ đã giảm rồi vẫn có thể giảm thêm – tùy theo yêu cầu của chức năng, nhiệm vụ và các điều kiện khác - miễn là tổng thể biên chế bộ máy sẽ giảm xuống.
Cùng với đó, phải tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo trong từng khâu, từng việc để giảm bớt nhu cầu nhân sự, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước và phục vụ nhân dân.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/cat-giam-phai-tu-goc-post603697.html