Cắt giảm thủ tục, củng cố niềm tin giữa ngân hàng và doanh nghiệp
Vượt qua 16 bộ, cơ quan ngang bộ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã vươn lên vị trí quán quân trên bảng xếp hạng Chỉ số Cải cách hành chính (PAR INDEX) cấp bộ năm 2022 với kết quả là 91,77% (vị trí này năm 2021 thuộc về Bộ Tư pháp). Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tư pháp nằm trong nhóm đầu, có chỉ số cải cách hành chính trên 90%.
Sự “lên ngôi” của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bắt nguồn từ những nỗ lực trong cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của ngành theo tinh thần Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025. Đây cũng là nội dung mà Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thông qua dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (LinkSME), đang hỗ trợ Chính phủ Việt Nam, nhằm thúc đẩy cải cách thể chế, đơn giản hóa các quy định và thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh.
Trong bối cảnh nền kinh tế nước ta chuyển sang một giai đoạn phát triển mới - giai đoạn quyết liệt tái cơ cấu để chuyển đổi mô hình tăng trưởng, hội nhập sâu sắc, toàn diện với khu vực và thế giới, Chính phủ đã thể hiện sự quyết liệt, mạnh mẽ trong hành động khi ban hành và chỉ đạo triển khai Nghị quyết 68/NQ-CP, Nghị quyết số 76/NQ-CP (về Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030) và nhiều nghị quyết về hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh.
Bám sát các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, với mục tiêu xây dựng Ngân hàng Nhà nước hiện đại, tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước luôn coi trọng công tác cải cách hành chính, xác định cải cách hành chính là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu và luôn thể hiện sự quyết liệt, mạnh mẽ, liên tục, từ nhận thức đến hành động, từ Thống đốc đến toàn thể cán bộ công chức và người lao động.
Với quan điểm xuyên suốt của nền hành chính phục vụ là đặt doanh nghiệp, người dân làm trung tâm, trên tinh thần Nghị quyết số 68/NQ-CP, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng rà soát các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh để đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, tạo thuận lợi cho hoạt động của các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp, người dân. Trên cơ sở đó, năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Phương án đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của ngành, trong đó đề xuất đơn giản hóa 6 quy định (gồm 5 chế độ báo cáo và một thủ tục hành chính) thuộc 4 nhóm ngành nghề kinh doanh. Ngày 08/11/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh của Ngân hàng Nhà nước.
Thực hiện Quyết định số 1844/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt phương án cắt giảm điều kiện kinh doanh năm 2021, trong năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đã khẩn trương xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt và ban hành theo thẩm quyền 6 thông tư để cắt giảm, đơn giản hóa 27/27 quy định về hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của Ngân hàng Nhà nước.
Trong năm 2022 và quý I năm 2023, cùng với việc xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để thực thi phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định hoạt động kinh doanh, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành 8 thông tư sửa đổi, bổ sung, đơn giản hóa 35 thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho tổ chức tín dụng và doanh nghiệp, người dân. Trong đó, đơn giản hóa 16 thủ tục, cắt giảm 4 thủ tục thuộc lĩnh vực thành lập và hoạt động ngân hàng; đơn giản hóa 6 thủ tục, cắt giảm 6 thủ tục thuộc lĩnh vực hoạt động ngoại hối; cắt giảm một thủ tục thuộc lĩnh vực thanh toán và đơn giản hóa hai thủ tục ở lĩnh vực tiền tệ.
Ngành đã triển khai Bộ nhận diện thương hiệu tại tất cả Bộ phận Một cửa thuộc Ngân hàng Nhà nước; tổ chức số hóa hồ sơ và tái sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận Một cửa để giảm bớt gánh nặng hồ sơ cho các tổ chức, cá nhân; tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính và kết nối, tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia...
Các tổ chức tín dụng mặc dù là doanh nghiệp nhưng có tính chất phục vụ của loại hình kinh doanh dịch vụ tiền tệ được cải tiến, cắt giảm mạnh mẽ các thủ tục, ứng dụng công nghệ số và dịch vụ trực tuyến tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân trong mọi lĩnh vực giao dịch về tiền tệ, tín dụng, thanh toán.
Từ kết quả thực hiện các chương trình cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, cả ngân hàng và doanh nghiệp đều đạt được những lợi ích to lớn, đã thiết lập mối quan hệ cộng sinh chặt chẽ, cùng tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế; củng cố niềm tin ngày càng vững chắc hơn giữa ngân hàng và doanh nghiệp.
Mọi người dân và doanh nghiệp đều được tiếp cận nhanh chóng, thuận tiện các dịch vụ tài chính, ngân hàng hiện đại, có chất lượng, được chia sẻ lợi ích, được đồng hành lúc thuận lợi và khó khăn. Về phía các ngân hàng cũng có những bước tiến vượt bậc, tăng trưởng mạnh mẽ cả về quy mô và chất lượng, giúp các ngân hàng nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng sức cạnh tranh trong nền kinh tế cả trong nước và quốc tế.
Kinh nghiệm để đạt được những kết quả tích cực về cải cách thủ tục hành chính và cắt giảm điều kiện kinh doanh được Ngân hàng Nhà nước rút ra là phải luôn bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về cải cách hành chính và cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp; bám sát sự chỉ đạo sát sao của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ. Từ đó, xác định chương trình hành động của toàn ngành giai đoạn 10 năm và kế hoạch nhiệm vụ từng năm. Quan điểm và trọng tâm trong điều hành cải cách hành chính của Ngân hàng Nhà nước phải có sự thống nhất từ lãnh đạo cao nhất đến từng cán bộ, nhân viên trong ngành, từ Trung ương đến địa phương và phải thực hiện bền bỉ, kiên trì, liên tục không có điểm dừng.
Bên cạnh đó, thường xuyên, giám sát, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện của các đơn vị trong toàn ngành để đánh giá sát tình hình, kịp thời quán triệt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Định kỳ, Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, Ban Chỉ đạo của ngành đều trực tiếp đi kiểm tra tại các địa phương, các đơn vị về việc tổ chức triển khai các chương trình, kế hoạch cải cách hành chính.
Ngân hàng Nhà nước đã tập trung chỉ đạo triển khai toàn diện 6 lĩnh vực cải cách hành chính, trọng tâm vào 3 trụ cột là cải cách hoàn thiện thể chế trong các lĩnh vực hoạt động ngân hàng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến trên cơ sở hiện đại hóa, đồng bộ hóa hạ tầng cơ sở; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nói chung và công chức, công vụ nói riêng. Tiếp cận ứng dụng nhanh công nghệ số, chuyển đổi số trong các lĩnh vực hoạt động ngân hàng; đưa nhiều sản phẩm tiện lợi, an toàn nhất, có nhiều lựa chọn cho doanh nghiệp và người dân trong các lĩnh vực tiền tệ, tín dụng, thanh toán.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động đề xuất với Chính phủ và chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để thực hiện các chương trình cải cách thủ tục hành chính, các giải pháp để hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.