Cắt hơn 80 dòng hàng nông nghiệp phải kiểm tra chuyên ngành trước thông quan từ 20/3
Một số quy định mới về danh mục hàng hóa xuất, nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành trong lĩnh vực nông nghiệp sắp có hiệu lực được ghi nhận là bước tiến lớn bởi việc cắt giảm nhiều dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành trước thông quan.
Bỏ kiểm tra trước thông quan với nhiều hàng kiểm dịch thực vật
Vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư số 01/2024/TT-BNNPTNT quy định bảng mã số HS đối với danh mục hàng hóa thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của cơ quan này.
Kèm theo đó là danh mục hàng hóa xuất, nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Các quy định này sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/3/2024.
Việc ban hành Thông tư 01/2024/TT-BNNPTNT để phù hợp với Thông tư số 31/2022/TT-BTC ngày 08/6/2022 của Bộ Tài chính. Đồng thời, để thực hiện yêu cầu cắt giảm hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành tại các nghị quyết của Chính phủ, cũng như phù hợp với quy định của pháp luật về lâm nghiệp.
Tại Phụ lục II Thông tư số 01 quy định về Bảng mã số HS đối với danh mục hàng hóa nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành trước thông quan thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cắt giảm 80 dòng hàng so với hiện nay.
Các dòng hàng được cắt giảm gồm: 4 dòng hàng kiểm dịch động vật thủy sản thuộc nhóm 15.04 (mỡ và dầu và các phần phân đoạn của chúng, từ cá hoặc các loài động vật có vú sống ở biển, đã hoặc chưa tinh chế, nhưng không thay đổi về mặt hóa học), gồm các mã HS: 1504.10.20, 1504.10.90, 1504.20.10, 1504.20.90 và khoảng gần 80 dòng hàng kiểm dịch thực vật.
Việc cắt giảm các dòng hàng nhằm thực hiện theo yêu cầu của các nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Tăng cường hậu kiểm
Thông tư số 01 cũng bổ sung mới, chuyển một số mặt hàng vào Danh mục hàng hóa nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành sau thông quan.
Cụ thể, tại Phụ lục III Thông tư số 01 quy định về Bảng mã số HS đối với danh mục hàng hóa nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành sau thông quan, thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tăng thêm nhiều dòng hàng so với quy định cũ.
Nếu trước đây chỉ quy định 3 sản phẩm hàng hóa gồm: “Tinh bò sữa, bò thịt”; “Muối công nghiệp”; “Keo dán gỗ có chứa hàm lượng formaldehyde tự do” là hàng hóa nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành sau thông quan, thì từ 20/3 tới đây, Thông tư số 01 đã bổ sung thêm mặt hàng máy, thiết bị dùng trong nông nghiệp (HS 8424: Thiết bị phun dùng trong nông nghiệp) và các mặt hàng thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, sản phẩm thức ăn chăn nuôi vào Danh mục hàng hóa nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành sau thông quan.
Theo phân tích, hàng hóa là thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản; sản phẩm thức ăn chăn nuôi nhập khẩu (gồm: thức ăn truyền thống, thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh) đều áp dụng biện pháp công bố hợp quy “Kết quả chứng nhận của tổ chức chứng nhận đã đăng ký hoặc được thừa nhận theo quy định của pháp luật”.
Biện pháp kiểm tra này không có “Thông báo kết quả kiểm tra đạt yêu cầu của cơ quan kiểm tra chuyên ngành”. Như vậy, các mặt hàng này sẽ không thuộc danh mục hàng hóa nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành trước thông quan nữa, mà chuyển sang Danh mục hàng hóa nhập khẩu phải kiểm tra sau thông quan.
Các loại thức ăn chăn nuôi khác: “Thức ăn đậm đặc”, “Thức ăn bổ sung” vẫn thuộc danh mục hàng hóa kiểm tra nhập khẩu trước thông quan.
Thông tư cũng bổ sung thêm 1 bảng mã số HS đối với danh mục giống cây trồng lâm nghiệp, nâng tổng số danh mục hàng hóa thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lên 27 bảng mã HS.
Ngoài ra, một bảng phụ lục mới cũng được bổ sung nhằm chỉnh sửa những cụm từ “trước thông quan, sau thông quan”, cập nhật những quy chuẩn kỹ thuật mới đối với danh mục hàng hóa phải kiểm tra chất lượng nhằm bảo đảm thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật.
Việc xây dựng Thông tư 01/2024/TT-BNNPTNT là một trong những giải pháp nhằm góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cho tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.