Cắt khối u tim, cứu cụ bà 80 tuổi có nguy cơ đột tử bất cứ lúc nào
Theo BS.CK2 Phạm Thanh Phong, Phó giám đốc chuyên môn - Giám đốc Trung tâm Tim mạch của Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ, khoa Phẫu thuật tim vừa phẫu thuật cấp cứu 1 trường hợp u tim, cứu sống cụ bà 80 tuổi thoát khỏi nguy cơ đột tử có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Đây là bệnh nhân u tim lớn tuổi nhất mà bệnh viện đã phẫu thuật. Bệnh nhân là cụ bà Đặng Thị D. (80 tuổi, ngụ Q.Thốt Nốt, TP.Cần Thơ) vào viện chiều 29.11. Bệnh phát đã 3 ngày, và bà cụ bị ho khan, nặng ngực, khó thở phải ngồi, điều trị phòng khám tư không giảm nên nhập viện trong tình trạng nặng, nguy kịch với biểu hiện bứt rứt, mệt ho, khó thở phải ngồi.
Kết quả siêu âm tim màu xác định, bệnh nhân có u ở nhĩ trái bám vào thành bên nhĩ trái và lá sau van 2 lá, kích thước 30x25 mm, di động theo nhịp tim, gây lấp gần hoàn toàn lỗ van 2 lá - hở van 3 lá nặng - tăng áp động mạch phổi nặng với nguy cơ đột tử rất cao. Bệnh nhân có tràn dịch màng phổi 2 bên lượng nhiều nên được chọc tháo dịch màng phổi.
Xác định đây là trường hợp bệnh nặng, lớn tuổi có chỉ định mổ tim cấp cứu nên bệnh viện cho hội chẩn nhiều chuyên khoa để có sự chuẩn bị tốt nhất và mổ trong thời gian sớm nhất, tránh nguy cơ đột tử cho bệnh nhân. Bệnh nhân được làm các chẩn đoán tầm soát bệnh lý cơ bản để loại trừ các khối u di căn từ nơi cơ quan khác và chụp kiểm tra mạch vành trước phẫu thuật tim.
Sáng 30.11, êkíp phẫu thuật tim của Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ do BS.CK2 Lâm Việt Triều - Trưởng khoa Phẫu thuật tim làm phẫu thuật viên chính, đã tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân. Các bác sĩ cắt trọn u nhầy, cắt bỏ lá sau van 2 lá, thay van lá bằng van sinh học, sửa van 3 lá Devega, mở màng phổi 2 bên hút nhiều dịch màng phổi. Thời gian phẫu thuật là 5 giờ.
Bệnh nhân đã hồi phục sức khỏe - Ảnh: Phong Phạm
Chiều 3.12, sức khỏe bệnh nhân tiến triển tốt, tỉnh táo, đã chuyển từ phòng hồi sức về phòng Hậu phẫu của khoa Phẫu thuật tim để tiếp tục theo dõi và điều trị. Bệnh nhân hồi phục nhanh chóng, không còn các triệu chứng mệt, khó thở. Siêu âm tim kiểm tra sau mổ thấy không còn sót khối u nào trong các buồng tim, chức năng, hoạt động của tim bình thường.
Theo BS.CK2 Lâm Việt Triều: “U nhầy là u nguyên phát thường gặp nhất ở tim. Tuy là u lành nhưng hậu quả gây ra về mặt huyết động học thường rất nặng, cần phải điều trị ngay, nếu chậm trễ có thể gây tử vong. Dấu hiệu của u nhầy nhĩ trái từ mơ hồ đến rõ ràng. Triệu chứng được ghi nhận nhiều thường gặp nhất là khó thở khi gắng sức (75%).
Nếu nặng hơn, bệnh nhân có thể khó thở phải nằm đầu cao, những cơn khó thở kịch phát về đêm và nặng nhất là phù phổi cấp, một tình trạng cấp cứu đòi hỏi phải điều trị cấp cứu. 20% trường hợp có thể xảy ra ngất, nguyên nhân là u tạm thời làm bít tắc lỗ van 2 lá. Triệu chứng thay đổi khi bệnh nhân thay đổi tư thế”.
Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể gặp các dấu hiệu yếu liệt nửa người hoặc các dấu hiệu thần kinh khác do một phần khối u bung ra và theo dòng máu làm tắc các mạch máu nuôi não. Tuy nhiên, cũng có không ít trường hợp không có triệu chứng cho đến biểu hiện đầu tiên là đột tử.
Theo BS.CK2 Nguyễn Khắc Minh Trường - Phó trưởng khoa Phẫu thuật tim, bệnh u ở tim là bệnh lý không thể dự phòng, bệnh lại có thể xuất hiện ở nhiều lứa tuổi. Vì thế khi có biểu hiện đau ngực, nhịp tim nhanh biểu hiện bằng đánh trống ngực, khó thở, mệt mỏi và đặc biệt gây ngất khi thay đổi tư thế, người bệnh cần khám tại cơ sở y tế chuyên khoa tim mạch để có thể phát hiện bệnh sớm.