Cắt lát sức mạnh không quân Mỹ - Trung Quốc

Dù có nhiều tiến bộ nhưng Không quân Trung Quốc vẫn bị xem là chưa thể sánh được với năng lực của Không quân Mỹ. Tuy nhiên, ở một số lĩnh vực, Trung Quốc đã và đang vượt lên.

Báo cáo thường niên năm 2024 của Lầu Năm Góc về sức mạnh quân sự của Trung Quốc đánh giá rằng, mặc dù Không quân Giải phóng quân Nhân dân Trung Quốc (PLAAF) có nhiều tiến bộ, cải thiện năng lực nhanh chóng, nhưng vẫn chưa thể sánh ngang sức mạnh của Không quân Mỹ (USAF).

Tuy nhiên, các nhà phân tích đang đặt câu hỏi, liệu việc Trung Quốc cho ra mắt một loại tiêm kích thế hệ 6 có thể làm thay đổi cán cân quyền lực trên bầu trời theo hướng có lợi cho Bắc Kinh hay không.

Tiêm kích tàng hình J-35A của Trung Quốc.

Tiêm kích tàng hình J-35A của Trung Quốc.

EA Times dẫn một báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ nói Trung Quốc đã gia tăng và mở rộng năng lực của các hệ thống máy bay không người lái (UAS), hiện có thể so sánh với các hệ thống của USAF. Báo cáo cũng nêu bật những tiến bộ của Trung Quốc trong các lĩnh vực như tên lửa không đối không, chiến tranh điện tử, máy bay ném bom và tiêm kích thế hệ 5. Theo bài của cựu thống chế không quân Ấn Độ Anil Chopra trên EA Times, ở một số lĩnh vực, Trung Quốc đang tiến gần đến tiêu chuẩn của Mỹ.

Oanh tạc cơ

Trung Quốc vẫn đang sử dụng dòng máy bay ném bom H-6, được thiết kế từ những năm 1950 (mặc dù đã được nâng cấp đáng kể). Trung Quốc đang vận hành khoảng 180 chiếc loại này. Máy bay ném bom tàng hình H-20 chưa được công khai nhưng dự kiến bắt đầu bay thử vào năm 2025, có khả năng hoạt động vào khoảng năm 2030.

Mỹ sử dụng các loại máy bay ném bom chuyên dụng từ những năm 1920, tích lũy được kinh nghiệm triển khai máy bay ném bom trong Thế chiến II và các cuộc chiến sau đó. Tính đến tháng 9/2023, Mỹ đang vận hành 76 máy bay ném bom B-52H. Dòng máy bay ra đời từ nửa thế kỷ trước đang được nâng cấp động cơ, radar, hệ thống điện tử và vũ khí, dự kiến hoạt động đến những năm 2050.

Máy bay ném bom chiến lược siêu thanh B-1 Lancer, có thiết kế cánh cụp cánh xòe, thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 1974, với 104 chiếc được chế tạo. Ở thời điểm tháng 7/2024, USAF đang có trong tay 45 chiếc B-1B. Ngoài ra, họ còn có 21 máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit. B-2 nổi tiếng với các nhiệm vụ kéo dài hơn 30 giờ nhờ tiếp nhiên liệu trên không. Ngày 16/10/2024, máy bay B-2A tấn công các kho vũ khí ở Yemen, bao gồm các cơ sở ngầm của lực lượng Houthi. Máy bay ném bom tàng hình tối tân B-21 Raider thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 2023. Ba chiếc đã được chế tạo và Mỹ dự kiến sản xuất hơn 100 chiếc. “Rõ ràng Trung Quốc còn một chặng đường dài trước khi có thể bắt kịp Mỹ về máy bay ném bom”, ông Chopra kết luận.

Tiêm kích thế hệ 5 và 6

Trung Quốc đang nhanh chóng xây dựng, cải tiến phi đội máy bay tiêm kích tàng hình J-20 thế hệ 5. Đã có khoảng 300 chiếc được chế tạo. PLAAF đang thay thế các dòng máy bay cũ J-11 và Su-27 bằng J-20, nhờ các tiến bộ trong công nghệ động cơ nội địa, qua đó giảm sự phụ thuộc vào động cơ do Nga sản xuất.

Tốc độ sản xuất J-20 được cho là đã tăng từ 30 lên 100 chiếc mỗi năm. Một số nhà quan sát dự đoán rằng phi đội J-20 của PLAAF có thể vượt 800 chiếc vào năm 2030, và mục tiêu là đạt khoảng 1.500 chiếc vào năm 2035.

Máy bay tiêm kích thế hệ 5 thứ hai, J-35A, ra mắt tại Triển lãm Hàng không Chu Hải 2024, có kích thước nhỏ hơn J-20, tương tự F-35 của Mỹ. Dòng máy bay này cũng sẽ có phiên bản tàu sân bay.

Hiện tại, Trung Quốc vẫn đang phát triển động cơ cho J-20 và đang dần chuyển qua sử dụng phiên bản trong nước, thay thế dần động cơ Nga. J-20 cho đến nay vẫn chưa chứng minh được năng lực trong thực tế, một phần vì chưa có cơ hội. Dòng tiêm kích thế hệ 5 đầu tiên của Trung Quốc lần đầu được đem ra trình diễn tại triển lãm hàng không trong nước vào năm 2016. Tháng 11/2024, Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC) công bố phiên bản J-20 hai chỗ ngồi, được đặt tên là J-20S.

Hiện J-20 vẫn chưa được đưa ra nước ngoài tham gia triển lãm hay diễn tập, chưa được xuất khẩu. Tuy nhiên, tiêm kích này đã bắt đầu thực hiện các cuộc tuần tra quy mô nhỏ ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Theo ước tính của công ty dữ liệu GlobalData Plc (trụ sở tại London), năm 2022, mỗi chiếc J-20 có giá 100 triệu USD và toàn bộ dự án J-20 có chi phí 30 tỷ USD.

Về máy bay thế hệ 5, Mỹ hiện có hơn 180 tiêm kích F-22, mặc dù vậy chúng ít khi được tham chiến. Mỹ có gần 630 chiếc F-35 và dự kiến mua sắm thêm khoảng 1.800 chiếc nữa. Chương trình F-35 sẽ duy trì tốc độ sản xuất ổn định khoảng 156 chiếc mỗi năm trong ít nhất 5 năm tới.

Ngoài ra, chương trình F-35 còn nhận được đơn đặt hàng từ gần 20 quốc gia trên thế giới. Tính đến tháng 7/2024, chi phí trung bình cho mỗi chiếc F-35A là 82,5 triệu USD, 109 triệu USD cho F-35B và 102,1 triệu USD cho F-35C. F-35 đã tham gia các trận chiến ở Trung Đông, bao gồm cả phiên bản F-35 “Adir” của Israel. Mỹ đang dẫn đầu về máy bay và công nghệ thế hệ 5.

Tuy nhiên, ngày 26/12, Trung Quốc cho ra mắt tiêm kích thế hệ 6, vượt lên trước các quốc gia khác. Loại máy bay này được đặt tên tạm thời là “J-36”. Đây là loại máy bay ba động cơ với kích thước lớn hơn J-20. Thông tin chi tiết sẽ được công bố trong những ngày tới. Liệu đây chỉ là một màn phô diễn hay thực sự Trung Quốc đã tích hợp công nghệ thế hệ 6, vẫn còn là câu hỏi chưa có lời giải.

Mỹ vượt xa Trung Quốc về trực thăng quân sự.

Mỹ vượt xa Trung Quốc về trực thăng quân sự.

Các chiến đấu cơ khác

Kho máy bay chiến đấu của Trung Quốc còn có 225 tiêm kích đa nhiệm J-11 và 280 chiếc J-16, cả hai đều được sao chép từ dòng Su-27 của Nga. Ngoài ra, Trung Quốc có 588 tiêm kích J-10, được phát triển từ chương trình Lavi hợp tác với Israel. Trung Quốc cũng vận hành các máy bay Nga như Su-27UBK (32 chiếc), Su-30MKK (73 chiếc) và Su-35 (24 chiếc). Tất cả các máy bay này đều thuộc thế hệ 4. Hải quân Trung Quốc (PLAN) vận hành khoảng 350 máy bay chiến đấu, trong đó đáng chú ý là 72 chiếc J-11B/BS, J-15 và 24 chiếc Su-30MKK.

Trong khi đó, USAF sở hữu gần 375 chiếc F-15, 726 chiếc F-16C và 261 chiếc A-10C tính đến tháng 9/2023. Hải quân Mỹ (USN) có 30 chiếc F-35C và 421 chiếc F/A-18 Super Hornet. Thủy quân Lục chiến Mỹ (USMC) vận hành 87 chiếc AV-8B Harrier II và 138 chiếc F/A-18A/C/D đa nhiệm, cùng với 127 chiếc F-35 B/C.

Về vận tải cơ, Trung Quốc thua xa Mỹ. USAF vận hành 860 máy bay vận tải hạng nặng, USN có khoảng 150 chiếc, trong đó có số lượng đáng kể C-130.

Trung Quốc sở hữu khoảng 260 máy bay vận tải, trong đó có 26 chiếc Il-76 và 70 chiếc Y-20. Tuy nhiên, quy mô hạn chế của đội bay vận tải cho thấy Trung Quốc chưa có tham vọng toàn cầu rõ rệt ở thời điểm hiện tại.

Máy bay hỗ trợ chiến đấu

USAF vận hành 26 máy bay cảnh báo sớm và thu thập tín hiệu điện tử. Họ còn có 14 máy bay tác chiến điện tử, chủ yếu dựa trên khung máy bay C-130, và gần 200 máy bay trinh sát. USAF còn vận hành gần 500 máy bay tiếp nhiên liệu trên không, bao gồm các loại KC-135 Stratotanker, KC-46 Pegasus và KC-130.

USMC có 64 máy bay tiếp liệu trên không KC-130 Super Hercules. USN sở hữu 118 máy bay tuần tra hàng hải P-8 Poseidon và 8 chiếc P-3 Orion. USN còn có gần 170 máy bay tác chiến điện tử, chủ yếu là EA-18 Growler, cùng 83 chiếc trinh sát và tác chiến điện tử E-2 Hawkeye có khả năng hoạt động trên tàu sân bay.

Trung Quốc sở hữu chưa đến 30 máy bay cảnh báo sớm, gồm 11 chiếc KJ-200, 14 chiếc KJ-500 và 4 chiếc KJ-2000. Số lượng này khá khiêm tốn so với khu vực Thái Bình Dương rộng lớn. Trung Quốc cũng có số lượng hạn chế máy bay chuyên dụng, như trinh sát, tác chiến điện tử và tuần tra hàng hải, bao gồm 12 chiếc J-16D EW. “Trung Quốc còn cần nhiều thời gian để bắt kịp Mỹ trong lĩnh vực máy bay hỗ trợ chiến đấu”, tướng Chopra kết luận.

Lục quân Mỹ sở hữu hơn 4.000 trực thăng tấn công và đa dụng. USMC vận hành gần 770 trực thăng. USN sở hữu gần 500 trực thăng. USAF vận hành 420 trực thăng.

Trong khi đó, PLAAF chỉ có khoảng 70 trực thăng tấn công và đa dụng. Lực lượng hàng không Lục quân Trung Quốc vận hành 320 trực thăng tấn công và khoảng 600 trực thăng vận tải, đa dụng hạng trung và hạng nhẹ.

Lực lượng trực thăng Mỹ đã có kinh nghiệm chiến đấu dày dạn kể từ Chiến tranh Việt Nam, Iraq và Afghanistan, trong khi Trung Quốc chưa có kinh nghiệm thực chiến.

Hệ thống UAS

Trong những năm gần đây, Trung Quốc cho ra mắt một loạt UAS tiên tiến, bao gồm Xianglong (máy bay không người lái phản lực), WZ-8 (máy bay không người lái siêu thanh), và GJ-11 (máy bay chiến đấu không người lái tàng hình). Nhiều mẫu UAS của Trung Quốc sở hữu công nghệ thế hệ mới như thiết kế cánh tàng hình.

Họ cũng đang phát triển các hệ thống máy bay không người lái hỗ trợ máy bay có người lái tương tự chương trình Collaborative Combat Aircraft của Mỹ. Tuy nhiên, theo chuyên gia của EA Times, Mỹ vẫn dẫn trước với mức độ tự động hóa cao hơn và khả năng sử dụng các nền tảng không người lái trong tiếp nhiên liệu trên không. Mỹ cũng đã vận hành các tiêm kích không người lái như QF-16.

Trung Quốc đã thể hiện khả năng điều khiển các đội bay drone theo bầy đàn và có khả năng sản xuất hàng loạt drone kamikaze. Nhiều drone này đã được đưa vào sử dụng. Dù vậy, Mỹ có lợi thế rõ rệt về kinh nghiệm vận hành UAS từ các cuộc chiến tranh tại Việt Nam, Kosovo, Iraq, Afghanistan và khu vực Trung Đông. Mỹ đã sản xuất 360 máy bay MQ-1 Predator và hơn 300 chiếc MQ-9 Reaper. USAF còn vận hành 9 chiếc RQ-4 Global Hawk và 20 chiếc RQ-170 Sentinel tàng hình.

Tên lửa không đối không

Trung Quốc có một loạt tên lửa không đối không (AAM) được đánh giá cao. PL-10 là tên lửa chiến đấu trong tầm nhìn (WVR) với tầm bắn 20 km đã được đưa vào sử dụng từ năm 2015. Đây là loại tên lửa “ngang cơ” với loại AIM-9 Sidewinder của Mỹ. Tên lửa không đối không ngoài tầm nhìn (BVR) dẫn đường bằng radar chủ động PL-12 của Trung Quốc với tầm bắn 70-100 km được coi là tương đương với AIM-120 AMRAAM của Mỹ và R-77 của Nga.

Tên lửa không đối không tầm xa dẫn đường bằng radar chủ động PL-15 được cho là có tầm bắn 200-300 km. Nó tương đương với tên lửa Meteor của châu Âu và AIM-120 AMRAAM của Mỹ. PL-17 hoặc PL-20 là tên lửa không đối không ngoài tầm nhìn chủ động được cho là có tầm bắn hơn 400 km và được thiết kế để nhắm vào các khí tài trên không có giá trị cao như máy bay tiếp dầu và máy bay cảnh báo sớm. Chúng được xem là tương đương với loại AIM-174B (Mỹ) và R-37M (Nga).

PL-21 là tên lửa không đối không tầm gần (BVR) dẫn đường bằng radar chủ động được coi là tương đương với AIM-260 JATM của Mỹ và R-37 của Nga. Rõ ràng là về tên lửa không đối không, Trung Quốc đã đạt đẳng cấp thế giới.

Tàu sân bay

Mỹ vận hành tàu sân bay từ năm 1922. USN hiện có 11 tàu sân bay đang hoạt động. 4 tàu nữa sẽ được đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2025 - 2034. Tất cả đều là tàu sân bay có máy phóng máy bay, thu hồi bằng cáp hãm đà (CATOBAR) có lượng choán nước 100.000 tấn và tất cả đều chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Trung Quốc chỉ có hai tàu sân bay cất cánh đường băng ngắn, thu hồi bằng cáp hãm (STOBAR). Cả hai đều có lượng choán nước 60-70.000 tấn. Phúc Kiến, tàu sân bay dạng CATOBAR chạy bằng năng lượng thông thường đầu tiên của Trung Quốc với lượng choán nước 80.000 tấn đang trong thời gian lắp đặt trang thiết bị. Type 004, tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân đầu tiên được cho là đang được đóng. Rõ ràng, Trung Quốc thua xa so với Mỹ về hàng không tàu sân bay.

Nguyễn Xuân Thủy

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/khoa-hoc-ky-thuat-hinh-su/cat-lat-suc-manh-khong-quan-my-trung-quoc-i755582/