Cát liên tục được đưa về phục vụ cao tốc Cần Thơ - Cà Mau
Dù thời gian nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 năm nay kéo dài bốn ngày, nhưng công trường khai thác mỏ cát theo cơ chế đặc thù ở Đồng Tháp phục vụ thi công cao tốc Cần Thơ - Cà Mau vẫn hoạt động liên tục.
100% công nhân làm việc
Tính đến thời điểm này, bảy mỏ cát được tỉnh Đồng Tháp bàn giao theo cơ chế đặc thù thì có hai mỏ cát được nhà thầu xin dừng khai thác. Năm mỏ còn lại vẫn đang hoạt động bình thường và cát được đưa về phục vụ thi công cao tốc Cần Thơ - Cà Mau theo quy định.
Có mặt tại mỏ cát thuộc xã Tân Mỹ và xã Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò, diện tích hơn 32ha được tỉnh Đồng Tháp giao cho Công ty CP Xây dựng Tân Nam, PV Báo Giao thông nhận thấy công trường khai thác vẫn đang hoạt động bình thường dù đang vào kỳ nghỉ lễ.
Anh Trần Văn Toàn (35 tuổi, ngụ huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) - công nhân khai thác cát cho biết, mỏ cát được bố trí hai xáng cạp, với 8 công nhân luân phiên thay nhau làm việc.
"Dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 năm nay bắt đầu từ ngày 31/8 đến ngày 3/9, nhưng toàn bộ công nhân đều ở lại công trường mỏ cát để làm việc với mong muốn cát được đưa về công trường phục vụ thi công cao tốc liên tục, thông suốt", anh Toàn cho biết thêm.
Anh Bùi Văn Tường (23 tuổi, ngụ tỉnh Cà Mau) - công nhân khai thác cát chia sẻ: "Dù từ tỉnh Cà Mau lên tỉnh Đồng Tháp làm việc rất xa và lâu lâu tôi mới về nhà một lần. Thế nhưng, do yêu cầu công việc và mỏ cát làm việc xuyên lễ nên tôi xin ở lại làm việc".
Còn tại mỏ cát được tỉnh Đồng Tháp giao cho Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn trực tiếp khai thác theo cơ chế đặc thù phục vụ thi công cao tốc trục dọc miền Tây, anh Trịnh Ngọc Đông, quản lý mỏ cát cho biết, mỏ cát được bố trí hai xáng cạp với 10 công nhân.
"Trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 năm nay, đơn vị bố trí cho 100% công nhân làm việc xuyên lễ. Nhằm khích lệ tinh thần công nhân làm việc tại công trường mỏ cát, nhà thầu trả lương gấp hai lần, cộng thêm phụ cấp tiền ăn so với ngày làm việc bình thường", anh Đông nói.
Sà lan chạy xuyên lễ 2/9
Cũng theo anh Đông, đến thời điểm này, mỏ cát được tỉnh Đồng Tháp giao cho nhà thầu đã khai thác được hơn 566.000m3 cát. Trung bình mỗi ngày, công ty chở từ 2.500m3 đến 2.700m3 cát về công trường phục vụ thi công cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.
"Để đảm bảo đủ số lượng sà lan có thể xoay vòng liên tục, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn đã bố trí 39 sà lan với nhiều kích cỡ khác nhau, sẵn sàng chở cát về công trường phục vụ cho việc thi công gói thầu cao tốc trục ngang miền Tây cho nhà thầu phụ trách thi công", anh Đông nói.
Anh Đông cho biết thêm, với trữ lượng được cấp theo quy định, mỗi ngày, công trường khai thác cát cần ba sà lan là đã đủ số lượng được phép khai thác. Do vậy, dù ngày thường hay ngày lễ, số lượng sà lan vẫn đủ đáp ứng nhu cầu thi công.
Ông Khổng Văn Được (56 tuổi, ngụ huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) - chủ sà lan chở cát cho Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn cho biết, công trường khai thác mỏ cát làm việc thì sà lan chở cát vẫn hoạt động bình thường, bất chấp đang vào kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9.
"Trung bình mỗi tháng tôi chở khoảng chục chuyến về công trường cao tốc. Mình làm việc cho công trình trọng điểm Quốc gia nên khi công trường làm việc, tôi cũng sẽ làm việc dù ngày lễ hay ngày thường vẫn vậy", ông Được chia sẻ.
Anh Nguyễn Xuân Vũ, quản lý mỏ cát, Công ty CP Xây dựng Tân Nam cho biết, từ khi mỏ cát bắt đầu hoạt động, nhà thầu đã khai thác được trên 553.000m3 cát.
"Trung bình mỗi ngày, công ty khai thác được 2.500m3 cát/ngày. Số lượng này tương đương 80.000m3 đến 85.000m3 cát/tháng. Với số lượng này, công ty cần 4 đến 5 sà lan một ngày là đã đủ chở cát về công trường", anh Vũ nói.
Anh Châu Văn Hiệp (37 tuổi, ngụ thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang) - chủ sà lan chở cát cho Công ty CP Xây dựng Tân Nam cho biết: "Từ khi mỏ cát bắt đầu khai thác, tôi đã tham gia chở cát về công trường cao tốc cho đến nay. Do vậy, sà lan của tôi lúc nào cũng sẵn sàng làm việc dù đang vào kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9".
Dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau kết nối nhiều tỉnh ĐBSCL. Giai đoạn 1, dự án có tổng mức đầu tư hơn 27.200 tỷ đồng, chia làm hai dự án thành phần gồm Cần Thơ - Hậu Giang dài 36,7km, vốn đầu tư trên 9.700 tỷ đồng và đoạn Hậu Giang - Cà Mau dài 72,8km, vốn gần 17.500 tỷ đồng. Công trình khởi công ngày 1/1/2023, dự kiến hoàn thành đầu năm 2026. Tổng nhu cầu cát cho toàn dự án khoảng 18,1 triệu m3. Riêng năm 2023 cần 9,1 triệu m3 và năm 2024 cần 9 triệu m3.