Cắt nguồn đất hiếm, Trung Quốc đánh sập huyền thoại của ngành công nghiệp quân sự Mỹ
'Đây là một trận chiến không có khói súng và Mỹ đã không thể cầm cự trong vòng chưa đầy một tuần', theo nhận định của truyền thông Trung Quốc về đòn cấm xuất khẩu đất hiếm.

Truyền thông Trung Quốc cho rằng họ đã thành công trong "cuộc chiến đất hiếm" nhằm vào Mỹ. Ảnh: Hk01.
"Cú đấm đất hiếm" của Trung Quốc không chỉ đánh trúng vào những điểm then chốt của ngành công nghiệp quân sự Mỹ mà còn phá tan ảo tưởng sai lầm về cái gọi là "thuế đối ứng" của Tổng thống Mỹ Trump.
Ngày 4/4, Trung Quốc đã tuyên bố kiểm soát xuất khẩu đối với 7 loại sản phẩm đất hiếm loại trung bình và nặng, bao gồm Samarium, Gadolinium, Terbi, Dysprosi, Luteti, Scandi và Yttri. Những nguyên tố này có vẻ lạ lẫm với người ngoài nhưng đáng sợ với những người trong ngành.
Chỉ 5 ngày sau khi Trung Quốc giáng đòn mạnh vào ngành đất hiếm, tiếng kêu than từ các ngành công nghiệp liên quan tại Mỹ đã tới tấp vang lên. Hôm 13/4, giới truyền thông Mỹ cuối cùng không thể im lặng được nữa, công khai thừa nhận các ngành công nghiệp liên quan của Mỹ đã rơi vào tình trạng hoảng loạn.

Trung Quốc sử dụng lệnh kiểm soát xuất khẩu đất hiếm để đối phó thuế quan đối ứng của Mỹ. Ảnh: QQnews.
Phạm vi kiểm soát của phía Trung Quốc không chỉ chuẩn xác và nghiêm ngặt mà còn có tính mở rộng. Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc hành động như vậy. Ngay từ năm ngoái, Trung Quốc đã áp dụng lệnh hạn chế xuất khẩu đối với các kim loại quý hiếm như Vonfram, Telua, Bismuth, Molypden và Indium. Lần này, họ chơi "lá bài đánh tiếp" để chặn đường lui của đối phương.
Biểu hiện trớ trêu của ngành công nghiệp Mỹ là họ không dám trực tiếp kêu than vì dính đòn đau mà thay vào đó lại "lo thay cho Trung Quốc" - nói rằng nếu việc xuất khẩu đất hiếm bị gián đoạn trong một thời gian dài, có thể "làm tổn hại đến danh tiếng quốc tế của Trung Quốc".
Ngành công nghiệp quân sự Mỹ bị phanh khẩn cấp
Sức sát thương của đất hiếm trực diện và gây chết chóc hơn nhiều so với trò chơi con số trong cuộc chiến thuế quan.
Chuỗi cung ứng đất hiếm toàn cầu tập trung cao ở Trung Quốc, với đất hiếm trung bình và nặng gần như chiếm địa vị "độc quyền". 17 nguyên tố khoáng chất đất hiếm được sử dụng rộng rãi trong các lĩnh vực quan trọng như quân sự, năng lượng, ô tô và điện tử. Đặc biệt, hệ thống công nghiệp quân sự của Mỹ một khi bị cắt nguồn cung cấp đất hiếm cũng giống như mất đi động mạch.

Trung Quốc hiện là nơi tập trung chuỗi cung ứng đất hiếm toàn cầu. Ảnh: Sina.
Các công ty chế tạo ngành hàng không vũ trụ là những công ty đầu tiên kêu cứu. Vật liệu từ tính vĩnh cửu và hợp kim đặc chủng cần thiết cho hệ thống dẫn đường điện tử và radar của quân đội phụ thuộc rất nhiều vào đất hiếm của Trung Quốc. Theo sát phía sau là các nhà sản xuất ô tô điện. Mặc dù họ nhanh chóng tìm kiếm giải pháp thay thế ở Australia, Canada…nhưng những nơi này sản lượng không đủ hoặc năng lực gia công chế biến thấp.
Những người thực sự lo lắng nhất là các nhà thầu vũ khí của quân đội Mỹ. Dữ liệu cho thấy Mỹ phụ thuộc vào Trung Quốc tới 87% lượng nhập khẩu các nguyên liệu chính như Gali, Germani và Antimon - những kim loại này được sử dụng trực tiếp trong hơn 1.000 hệ thống vũ khí đang hoạt động của quân đội Mỹ. Khi nguồn cung nguyên liệu bị gián đoạn, dây chuyền sản xuất sẽ ngay lập tức dừng hoạt động.
Chuỗi sản xuất chất bán dẫn cũng bị ảnh hưởng, đặc biệt là các máy quang khắc EUV thế hệ tiếp theo đang được quảng bá và thiết bị laser sóng ngắn tiên tiến hơn. Các vật liệu chính của nguồn laser, mục tiêu và hệ thống ống kính đều dựa vào đất hiếm.

Tập đoàn đất hiếm Trung Quốc đã trở thành cơn ác mộng đối với các doanh nghiệp quân sự Mỹ. Ảnh: LTN.
Từ thế chủ động sang bị động
Trong vài năm qua, Mỹ đã không tiếc công sức để ngăn chặn ngành công nghiệp chip của Trung Quốc và sử dụng "cây gậy siết cổ". Tuy nhiên, lần này, tình hình đã thay đổi và đất hiếm đã trở thành yếu điểm của Mỹ.
Hiện nay, khoảng 70% khoáng sản đất hiếm trên thế giới do Trung Quốc khai thác và hơn 90% đất hiếm tinh chế đều có nguồn gốc từ Trung Quốc, đặc biệt là đất hiếm nặng, chiếm 99% tổng lượng đất hiếm trên thế giới. Mỹ cũng có các mỏ đất hiếm nhưng hầu như không có khả năng tự gia công xử lý. Quặng phải được gửi đến Trung Quốc để tinh chế rồi sau đó vận chuyển trở lại Mỹ để sử dụng - đây là một hệ sinh thái gần như phụ thuộc. Một khi Trung Quốc ngừng xuất khẩu, toàn bộ chuỗi cung ứng của Mỹ sẽ bị phá vỡ ngay lập tức và họ sẽ hoàn toàn bất lực.
Ngay cả khi chính phủ Mỹ có dự trữ chiến lược thì cũng chỉ có thể cầm máu ngắn hạn chứ không thể giải cơn khát lâu dài, chưa kể các doanh nghiệp công nghiệp quân sự từ lâu đã quen với "sản xuất dựa trên sử dụng" và không muốn chịu chi phí tồn kho. Nhiều công ty không có đủ nguyên liệu để tồn tại qua cơn địa chấn này.

Theo truyền thông Trung Quốc Mỹ chưa có khả năng tinh chế đất hiếm từ quặng. Ảnh: QQnews
"Kế hoạch đáy biển" của Mỹ
Truyền thông Anh tiết lộ chính quyền Trump đang soạn thảo một sắc lệnh hành pháp để nhấn mạnh về nguồn tài nguyên dưới đáy biển Thái Bình Dương. Mục tiêu là dự trữ một số vật liệu kim loại có thể dùng để sản xuất pin, tên lửa và thiết bị liên lạc nhằm đối phó cuộc khủng hoảng đất hiếm.
Tuy nhiên, "giấc mơ về cơn sốt đào vàng dưới biển sâu" này dường như còn rất xa vời để giải quyết được vấn đề thực sự. Đầu tiên là vấn đề chi phí. Công nghệ khai thác mỏ dưới biển sâu vẫn chưa hoàn thiện và quá trình thương mại hóa tiến triển rất chậm. Thứ hai là vấn đề thời gian. Phải mất ít nhất 5 đến 10 năm để hoàn tất toàn bộ quá trình khai thác, tinh chế, xây dựng nhà máy và sản xuất. Nhưng hiện tại, các công ty Mỹ chỉ có thể tồn tại thêm được vài tuần.
Động thái này không những không cứu vãn được tình trạng đóng cửa ngành công nghiệp quân sự hiện nay mà còn phơi bày sự phù phiếm và vội vã của cái gọi là chiến lược "độc lập chuỗi công nghiệp" của chính quyền Trump.
Không chỉ là “kiểm soát xuất khẩu”
Lệnh cấm đất hiếm của Trung Quốc không chỉ là biện pháp đối phó về mặt công nghệ mà còn là một tuyên bố mang tính chiến lược. Điều này cho thế giới biết một cách rõ ràng: Nếu Mỹ tiếp tục lạm dụng vũ khí thương mại, Trung Quốc sẽ không ngồi yên mà có khả năng, biện pháp và ý chí để chống trả.

Kế hoạch đáy biển - khai thác khoáng sản dưới đáy đại dương của ông Trump bị coi là không thực tế. Ảnh: Hkcd.
Quan trọng hơn, đây là hành động khẳng định chủ quyền và quyền định ra quy tắc. Từ lâu nay, quyền định giá đất hiếm không hoàn toàn nằm trong tay Trung Quốc. Lần này, nhân thời cơ phản công, Trung Quốc cũng đang xây dựng điểm tựa chiến lược vững chắc hơn cho “tài chính hóa tài nguyên” và “chuyển đổi giá trị gia tăng công nghệ”.
Mỹ đối mặt với "thực tế đất hiếm"
Ông Trump giương cao ngọn cờ thuế quan nhằm tái hiện kịch bản cũ của năm 2018, nhưng dường như thời thế nay đã khác. Bằng đòn tấn công bằng đất hiếm, Trung Quốc đã làm phơi bày điểm yếu cốt lõi của hệ thống công nghiệp quân sự hùng mạnh nhất thế giới.
Chỉ trong 9 ngày, ngành công nghiệp quân sự Mỹ đã ở trong tình trạng báo động, các công ty kêu ca oán thán và giọng điệu ngoại giao đã thay đổi từ "gây áp lực" sang "cầu hòa".
Cuộc chiến đất hiếm này không chỉ đơn thuần là một cuộc va chạm thương mại. Đây là lần đầu tiên trong cuộc chơi giữa các cường quốc, Trung Quốc nắm thế chủ động ra tay về chuỗi tài nguyên toàn cầu và đạt được thành công trong cuộc phản công cấp chiến lược.