'Cắt rừng' đến lớp giữa đại ngàn Pù Luông
Khu Cao Sơn, có độ cao chừng hơn 1.000 m so với mực nước biển, nằm trong vùng lõi của dãy đại ngàn Pù Luông (huyện Bá Thước, Thanh Hóa).
Cao Sơn dù chỉ có 3 bản, nhưng chính quyền địa phương phải thành lập một trường học riêng biệt để con, em đồng bào nơi đây được theo học.
Tình yêu nghề ở chốn “nhiều không”
Năm 2007 Trường Phổ thông Cao Sơn (xã Lũng Cao, huyện Bá Thước) được khởi công xây dựng. Thời bấy giờ, vùng đất Cao Sơn chưa có đường giao thông dễ dàng như ngày nay. Hàng trăm người dân địa phương đã phải men theo những con đường mòn nhỏ băng rừng, vượt núi gùi, gánh vật liệu xây dựng từ trung tâm xã lên để xây dựng trường học.
Tháng 8/2008, Trường Phổ thông Cao Sơn được thành lập với 2 cấp học là tiểu học và THCS. Ngày ấy, để đến được trường, các thầy giáo phải gửi xe ở trung tâm xã Lũng Cao, rồi men theo những con đường mòn, vượt núi khoảng 10 km với thời gian gần nửa ngày đi bộ. Ngoài ra, nếu người nào muốn lên Cao Sơn “dễ dàng” hơn, thì chạy xe máy lên xã Nam Sơn, huyện Tân Lạc (tỉnh Hòa Bình) với khoảng cách gần 150 km. Thế nên, hầu hết giáo viên, cán bộ xã và người dân địa phương đều chọn lối... cắt rừng đi bộ lên Cao Sơn.
Đến năm 2015, được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, người ta mở một con đường nối trung tâm xã Lũng Cao lên khu Cao Sơn. Cung đường này có chiều dài chừng hơn chục km, nhưng phải đi qua nhiều ngọn núi, nhiều cánh rừng nguyên sinh. Từ khi khu Cao Sơn có đường giao thông, cuộc sống của người dân nơi đây đã được thay đổi đáng kể. Việc đi lại của giáo viên Trường Phổ thông Cao Sơn cũng đã phần thuận tiện hơn.
Trước khi Trường phổ thông Cao Sơn được thành lập, nhiều giáo viên ở miền xuôi đã được điều động biệt phái lên điểm lẻ này dạy học. Là người đã gắn bó với ngôi trường này 13 năm qua, thầy giáo Trần Ngọc Hải (38 tuổi), quê ở huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) nhớ lại: “Năm 2007, tôi cùng 2 thầy giáo khác lên đây nhận công tác. Lúc bấy giờ, Trường Phổ thông Cao Sơn đang là một điểm trường lẻ. Lớp học ở trên đây được bà con chung tay dựng lên bằng tre, nứa. Giữa chốn rừng núi hoang vu ấy, không có điện chiếu sáng, không sóng điện thoại, không hàng quán.... Lúc ấy, anh em giáo viên muốn mua sắm đồ dùng sinh hoạt, thì phải nhờ bà con, hoặc tự đi bộ 5 km sang bên tỉnh Hòa Bình. Cuộc sống của người dân ở đây khốn khó vô cùng, nên anh em giáo viên cũng chẳng thể nhờ vả được điều gì. Nhưng vì lòng yêu nghề, yêu trò, được sự quan tâm, động viên của người thân, dân bản nên chúng tôi cũng dần quen với cuộc sống ấy”.
Ông Trịnh Văn Dũng – Chủ tịch UBND xã Lũng Cao cho biết, trước kia, khu Cao Sơn là chốn “nhiều không”. Không điện, không đường, không trường, không trạm, không hàng quán, không sóng điện thoại... Những năm 2015 trở về trước, cuộc sống của người dân ở đây vô cùng cực khổ. Bà con muốn xuống trung tâm xã, thì phải đi bộ chừng 4 giờ đồng hồ. Vì thế, nhiều người dân muốn đi xin dấu, giấy tờ gì liên quan ở UBND xã, sẽ phải mất cả một ngày trời. Trong khi đó, giáo viên miền xuôi hoặc là người ở các xã trong huyện được điều động lên Cao Sơn cắm bản, hầu hết phải ở lại cả tháng mới xuống một lần.
“Ngày tôi lên nhận công tác, chứng kiến học sinh nơi đây đến lớp quần áo không đủ ấm, nhiều em còn không có cả giầy dép để đi. Cuộc sống của bà con ở Cao Sơn rất khó khăn, thậm chí nhiều gia đình thiếu đói. Bên cạnh đó, khí hậu ở đó rất khắc nghiệt. Mùa đông, nhiệt độ xuống rất thấp, lạnh tái tê, sương mù bao phủ gần như cả ngày. Nhiều đêm, sau khi ngủ dậy, đi ra ngoài còn thấy cả lớp băng mỏng phủ lên mặt cỏ. Vì thế, các loại cây trồng ở trên đây cũng rất khó phát triển...
Thế nhưng, có điều khá đặc biệt, là dù khó khăn, vất vả như vậy, nhưng bà con ở 3 bản Son, Bá, Mười luôn động viên con, em mình đến trường học chữ. Từ khi có trường mới, số học sinh đến lớp ngày càng tăng, chất lượng giáo dục cũng được nâng lên. Học trò chăm chỉ học tập, là niềm động viên, an ủi để giáo viên cố gắng vượt qua khó khăn, bám trường, bám lớp”, ông Dũng chia sẻ.
Không còn khoác chăn đến lớp
Ông Nguyễn Thế Tài - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Cao Sơn, cho biết, Trường phổ thông Cao Sơn đã được đầu tư khang trang hơn trước. Cơ sở vật chất của nhà trường đã được kiên cố hóa, giáo viên đã có nhà công vụ đoàng hoàng. Học sinh của trường đến lớp ngày càng ổn định hơn, cũng bởi do cuộc sống của bà con đã và đang dần cải thiện. “Điều khác biệt với các ngôi trường khác, đó là từ khi thành lập Trường Phổ thông Cao Sơn, ngôi trường này chưa bao giờ có giáo viên nữ. Vì thế, ngoài công tác dạy học, thì công việc hàng ngày của tập thể giáo viên ở trường, đều do các thầy đảm trách. Từ việc nhỏ nhất trong sinh hoạt như khâu vá, nấu ăn, giặt giũ quần áo, rửa bát, trồng rau... các thầy giáo đều phải tự tay mình thực hiện”, ông Tài chia sẻ.
Nhớ lại những ngày đầu mới lên nhận công tác ở Cao Sơn, thầy Trần Ngọc Hải, tâm sự: “Đối với chúng tôi, mọi thứ xa lạ, bỡ ngỡ. Hàng đêm, nỗi nhớ gia đình, người thân da diết và cứ lớn dần, nhất là những khi trời mưa đường sạt lở tôi lại không về thăm nhà được. Có đợt, chờ đợi cả tháng, chỉ mong một ngày cuối tuần trời tạnh ráo để về thăm gia đình, nhưng do thời tiết khắc nghiệt, nên không thể xuống núi. Các thầy phải đi bộ sang tận Hòa Bình mua mì tôm để ăn tạm qua ngày, đợi người khác về quê mang đồ tiếp tế lên”.
Cũng theo thầy Hải, thời gian dạy học ở Cao Sơn đã để lại nhiều ký ức khó phai đối với mình. Đó là những buổi thầy, học trò đến lớp phải đốt lửa để sưởi ấm rồi mới tiếp tục học bài. “Ngày ấy, nhìn những đứa trẻ đến lớp trong ngày đông giá lạnh, mà chúng tôi cảm thấy xót xa vô cùng. Mùa đông ở trên này lạnh lắm. Nhiệt độ ngoài trời có hôm xuống chừng không độ C. Thế nhưng, đám học trò vẫn kéo nhau đến lớp đều đặn. Mỗi buổi sáng, khi trống trường đã điểm, các thầy giáo lại lo việc tìm củi, đốt một đống lửa ở giữa lớp, để đón học sinh. Có nhiều em, vào lớp học mà không có áo ấm mặc, không có dép để đi. Thậm chí, nhiều em được cha mẹ khoác cho cả một chiếc chăn chiên bên ngoài, để chống chọi với cái lạnh cắt da, cắt thịt khi đến trường”, thầy Hải kể lại.
Ở khu Cao Sơn, hiện có 190 hộ, với 775 nhân khẩu. Trong đó, bản Son có 415 người, bản Mười 254 có người và bản Bá có 106 nhân khẩu. Tuy nhiên, ba bản này vẫn còn tới 143 hộ cận nghèo và 18 hộ nghèo. Tính bình quân, mức thu nhập đầu người của bà con ở đây mới chỉ đạt 23 triệu đồng/người/năm. Nguồn thu nhập chính chủ yếu là từ nông nghiệp và chăn nuôi.
Do cuộc sống còn nhiều khó khăn, nên nhiều người dân ở Cao Sơn phải đi làm ăn xa ở các tỉnh Nghệ An, Hòa Bình, Hưng Yên... “Hiện, khu vực Cao Sơn chưa có điện lưới quốc gia. Nguồn nước sinh hoạt của bà con cũng gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, khí hậu ở đây rất khắc nghiệt. Trình độ dân trí của bà con vẫn còn thấp, nên khả năng tiếp cận thông tin, khoa học kỹ thuật khá chậm. Giá trị đạt được trên diện tích đất canh tác thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung của khu vực... Đó là những “rào cản” làm chậm sự phát triển về kinh tế, văn hóa, xã hội của bà con đồng bào ở khu Cao Sơn”, ông Dũng tâm sự.
Ông Ngân Văn Đức – Trưởng bản Son, cho hay, năm nay, một số gia đình thu hoạch được nhiều ngô. Không còn hộ nào phải lo thiếu đói nữa, mà chỉ lo tích trữ lương thực và mua sắm đồ dùng thôi. Điều mừng nhất là Nhà nước đang đầu tư hệ thống điện lưới lên Cao Sơn. Hơn nữa, giờ đây, có đường giao thông từ Trung tâm xã Lũng Cao nối với khu Cao Sơn. “Tư thương đánh xe lên tận bản để thu hàng nông sản. Hai năm trở lại đây, bà con đã đầu tư, chuyển đổi sang trồng cam, quýt. Có gia đình trồng được 500 gốc cam. Đến mùa thu hoạch, bà con bán với giá từ 20.000 - 25.000 đồng/kg tại vườn. Nhiều hộ trồng cam có thu nhập khá cao”, trưởng bản Đức cho hay.
Cuộc sống của bà con 3 bản đã đổi thay. Chỉ còn vài chục hộ nghèo thôi, không còn hộ nào thiếu đói. Hệ thống trường học cũng được Nhà nước đầu tư, xây dựng khang trang, học sinh được đến trường đúng độ tuổi. Để đạt được những điều đáng ghi nhận như ngày nay là cả một quá trình vượt khó của bà con dân bản, các thầy giáo và học sinh vùng Cao Sơn.