Cát Tiên: Khai thác tiềm năng phát triển cây ăn trái và chăn nuôi bò
Với những tiềm năng sẵn có, cùng với những định hướng phát triển ngành Nông nghiệp, huyện Cát Tiên đang nỗ lực kêu gọi các doanh nghiệp tìm hiểu cơ hội đầu tư để phát triển vùng nguyên liệu cây ăn trái các loại và phát triển chăn nuôi bò sữa chất lượng cao trên địa bàn.
• NHIỀU DƯ ĐỊA ĐỂ PHÁT TRIỂN
Theo số liệu thống kê, hiện trên địa bàn huyện Cát Tiên có diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 13.107 ha (gồm: diện tích cây lâu năm 6,760 ha, cây hàng năm khác 6.347 ha), diện tích đất lâm nghiệp 27.254 ha.
Đến nay, toàn huyện Cát Tiên đã phát triển diện tích cây ăn trái lên đến 1.047 ha. Trong đó, một số loại cây ăn trái cho hiệu quả kinh tế cao, như: Cây sầu riêng 300 ha với diện tích kinh doanh trên 100 ha, năng suất trung bình 20 tấn/ha, sản lượng khoảng 2.000 tấn/năm; cây chôm chôm 230 ha với diện tích kinh doanh 210 ha, năng suất trung bình 25 tấn/ha, sản lượng 5.250 tấn/năm; cây măng cụt 55 ha với diện tích kinh doanh 55 ha, năng suất 4,5 tấn/năm, sản lượng khoảng 247,5 tấn/năm và còn lại là một số cây ăn trái khác.
Về tổ chức sản xuất, hiện nay, trên địa bàn huyện có 3 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp hoạt động kinh doanh trên lĩnh vực cây ăn trái gồm: HTX cây ăn trái Quảng Ngãi - xã Quảng Ngãi, HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Đức Phổ - xã Đức Phổ, HTX Nông nghiệp Đồng Tâm - xã Đồng Nai Thượng. Thông qua các hình thức chuyển giao khoa học kỹ thuật, tham quan học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, nhiều hộ dân đã áp dụng có hiệu quả kỹ thuật canh tác từ các khâu như: giống, chăm sóc, tưới, bón phân... cho năng suất, chất lượng khá, sản lượng ổn định.
Qua đánh giá, hiện nay, trên địa bàn huyện có tiềm năng lớn để phát triển vùng nguyên liệu của một số loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, cụ thể như: Cây chôm chôm, măng cụt ở xã Đức Phổ; cây sầu riêng, cây bơ xã Đồng Nai Thượng, Phước Cát 2, Tiên Hoàng, Nam Ninh, Đức Phổ; cây bưởi da xanh tại xã Quảng Ngãi… Đây là những địa bàn được đánh giá có điều kiện phù hợp về thổ nhưỡng, quỹ đất để thực hiện chuyển đổi một số cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao. Dự kiến, đến năm 2025, trên địa bàn huyện Cát Tiên sẽ có khoảng trên 1.500 ha cây ăn trái các loại.
Trong khi đó, qua thống kê, tổng đàn bò quý I/2022, trên địa bàn huyện Cát Tiên hiện có 9,802 con/2.703 hộ chăn nuôi. Trong đó, số lượng bò lai là 9,622 con/2,622 hộ chăn nuôi (chiếm 98,16% tổng đàn); nhiều hộ gia đình thường xuyên duy trì tổng đàn từ 10 đến 30 con bò sinh sản, bò vỗ béo, đạt trọng lượng trung bình trên 400 kg, đặc biệt đàn bò thịt giống BBB cho thu nhập ổn định.
Qua khảo sát, hiện nay, một số địa phương như: xã Quảng Ngãi, xã Đức Phổ, xã Phước Cát 2 và thị trấn Phước Cát là địa bàn có điều kiện thổ nhưỡng phù hợp để có thể phát triển thêm diện tích trồng cỏ phục vụ chăn nuôi bò sữa. Ngoài ra, tại các xã Tiên Hoàng, Nam Ninh đều có thể thực hiện chuyển đổi một số diện tích cây lúa kém hiệu quả, hay một số diện tích trồng cây hàng năm hiệu quả kinh tế thấp sang trồng cỏ với tổng diện tích lên đến 650 ha. Bên cạnh đó, địa bàn huyện Cát Tiên có lợi thế nguồn thức ăn từ phụ phẩm nông nghiệp như rơm rạ của trên 9.000 ha lúa, cây ngô trên 400 ha để làm nguồn cung cấp thức ăn thô phục vụ cho phát triển chăn nuôi bò sữa của huyện.
• NỖ LỰC KÊU GỌI ĐẦU TƯ
Với việc xác định tập trung phát triển vùng nguyên liệu cây ăn trái các loại và phát triển chăn nuôi bò sữa chất lượng cao là bước đột phá chiến lược phát triển kinh tế, huyện Cát Tiên đang kêu gọi thu hút các dự án đầu tư quy mô lớn vào địa phương. Qua đó, giúp huyện Cát Tiên khai khai thác tối đa tiềm năng, vừa trở thành động lực lớn, tiếp thêm luồng sinh khí mới vào ngành Nông nghiệp, góp phần hướng tới phát triển nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Hiện, đã có một số doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tìm đến huyện Cát Tiên, bày tỏ mong muốn được đầu tư nhằm tìm hướng phát triển cây ăn trái và chăn nuôi bò sữa trên địa bàn. Ông Phạm Tuấn Hiệp - Phó Tổng giám đốc thường trực Công ty Cổ phần Sữa Đà Lạt chia sẻ: Hiện nay, dư địa để phát triển ngành Chăn nuôi bò sữa trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng là rất lớn. Trong đó, huyện Cát Tiên là địa phương có nhiều điều kiện tự nhiên thuận lợi để đầu tư phát triển chăn nuôi bò sữa. Trong thời gian đến, Công ty Cổ phần Sữa Đà Lạt sẽ thực hiện xúc tiến hỗ trợ nông dân trong chuyển giao công nghệ trong chăn nuôi bò sữa và khai thác bảo quản sữa, tiến đến xây dựng các trạm thu mua sữa trên địa bàn. Đồng thời, doanh nghiệp cũng sẽ nỗ lực xây dựng phương án sản xuất, liên kết với các hợp tác xã, người nông dân trong sản xuất, chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm theo hợp đồng.
Đối với vấn đề phát triển vùng nguyên liệu cây ăn trái các loại gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, ông Đinh Hùng Dũng - Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Ylang Holding chia sẻ: Để thực hiện đạt mục tiêu đã đề ra, UBND huyện Cát Tiên cần phải làm tốt công tác quy hoạch vùng cây ăn trái đặc sản, an toàn, giá trị kinh tế cao. Cùng với đó, phải đánh giá thực trạng sử dụng đất nông nghiệp và điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện để tiến đến xây dựng mã số vùng trồng cho các loại cây ăn trái đặc sản của địa phương
Ông Nguyễn Hoàng Phúc - Chủ tịch UBND huyện Cát Tiên cho biết: Để hiện thực hóa việc phát triển vùng nguyên liệu cây ăn trái các loại và chăn nuôi bò sữa chất lượng cao, trong thời gian đến, huyện Cát Tiên sẽ tập trung đổi mới hình thức tổ chức sản xuất; có các cơ chế thu hút người dân tham gia vào các HTX, tổ hợp tác để áp dụng đồng bộ các biện pháp khoa học kỹ thuật vào trong thâm canh, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, theo hướng ứng dụng công nghệ cao, tạo sản phẩm sạch, sản phẩm hữu cơ, an toàn cho người tiêu dùng; thực hiện cấp mã số vùng trồng đối với những vùng có đủ các điều kiện để nâng cao sản phẩm, đáp ứng nhu cầu các thị trường thông qua các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, ổn định...