Cát Tiên: Sôi nổi Lễ hội Văn hóa cồng chiêng
Thiết thực hưởng ứng Festival Hoa Đà Lạt lần thứ IX - năm 2022, trong 2 ngày 15 – 16/12, tại xã Đồng Nai Thượng, Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Cát Tiên phối hợp với UBND xã Đồng Nai Thượng đã tổ chức chương trình Lễ hội Văn hóa cồng chiêng.
Trong khuôn khổ chương trình, lễ hội đã tái hiện lại các nghi thức của người đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói chung, người Mạ tại địa phương nói riêng như: Lễ rước vật thiêng, Cúng gọi thần thần lửa, Châm lửa khai hội.
Trong đó, đặc sắc nhất là nghi thức Cúng gọi thần lửa của người Mạ. Từ lâu, ngọn lửa đối với người Mạ là rất thiêng liêng, thắp sáng tâm linh của con người bằng những giá trị rất riêng. Và vì vậy, họ hướng về ngọn lửa như hướng về một thế giới huyền bí từ bao đời nay, giữa không gian núi rừng.
Bên cạnh đó, cồng chiêng đối với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói chung người Mạ nói riêng đã có mặt trong đời sống của từ ngàn đời nay. Cồng chiêng không chỉ là một nhạc cụ đặc sắc và độc đáo mà còn là một linh vật. Đồng bào Mạ tin rằng, trong mỗi mặt chiêng đều có sự ngự vì của thần linh, chiêng càng cổ xưa thì sức mạnh của thần linh càng lớn. Âm thanh cồng chiêng được xem là ngôn ngữ diệu kỳ để con người giao cảm với các vị thần của họ. Thần Chiêng có thể bảo hộ, trợ giúp con người được ấm no, hạnh phúc nhưng cũng có thể giận giữ, trừng phạt nếu ai đó xúc phạm đến sự thiêng liêng của thần. Chiêng - hiện hữu trong mọi ngóc ngách đời sống của người Mạ và trong mỗi giai đoạn của mỗi cuộc đời.
Dưới ngọn lửa đoàn kết của dân tộc Mạ được bùng lên, các đại biểu cùng đông đảo quần chúng Nhân dân đã cũng cùng hát, cùng múa, cùng say bên chóe rượu nồng. Mọi người cùng nắm tay nhau thể hiện tinh thần đoàn kết, đồng lòng xây dựng buôn làng thêm no ấm, cùng nhau xây dựng Cát Tiên ngày càng giàu mạnh.
Bên cạnh đó, lễ hội cũng đã diễn ra sôi nổi với các hội thi như: Thi đan gùi và dệt thổ cẩm, thi kéo co, bắn nỏ, giã gạo.
Lễ hội văn hóa cồng chiêng huyện Cát Tiên năm 2022 nhằm lưu giữ, bảo tồn bền vững giá trị văn hóa truyền thống đặc trưng của dân tộc Mạ, từng bước tạo ra sản phẩm du lịch cho địa phương.
Đồng thời, tuyên truyền đến toàn thể cán bộ và Nhân dân trên địa bàn về những ý nghĩa, mục đích và tầm quan trọng của không gian văn hóa cồng chiêng Tây nguyên là kiệt tác truyền khẩu của nhân loại, được UNESSCO công nhận.