Cát Tiên: Tập trung chuyển đổi cây điều

Chuyển đổi những diện tích trồng điều kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác nhằm mang lại giá trị cao hơn, đã và đang là hướng đi được huyện Cát Tiên quyết liệt thực hiện. Thực tế đã chứng minh, ở những vùng chuyển đổi, xuất hiện những mô hình có thu nhập cao hơn nhiều so với cây điều. Tuy nhiên, với hơn 6.000 ha điều hiện có, để thúc đẩy việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở các địa phương trong thời gian tới không phải là chuyện một sớm một chiều.

Chuyển đổi những diện tích trồng điều kém hiệu quả sang trồng sầu riêng đang được nhiều nông dân huyện Cát Tiên thực hiện, mang lại hiệu quả kinh tế cao

Chuyển đổi những diện tích trồng điều kém hiệu quả sang trồng sầu riêng đang được nhiều nông dân huyện Cát Tiên thực hiện, mang lại hiệu quả kinh tế cao

Trong những năm gần đây, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp cùng với sâu bệnh hại đã khiến cho hàng ngàn ha trồng điều của người dân huyện Cát Tiên liên tiếp bị mất mùa. Thêm vào đó, giá cả loại nông sản này cũng không ổn định đã làm cho đời sống của nhiều nông dân trong huyện gặp khó khăn.

Theo số liệu thống kê của Phòng Nông nghiệp huyện Cát Tiên, hiện toàn huyện có diện tích đất canh tác khoảng 13.460 ha; trong đó, riêng diện tích canh tác cây điều là gần 6.300 ha, chiếm 75,68% cây dài ngày, diện tích cho thu hoạch là 5.700 ha, ước năng suất bình quân đạt 7,5 tạ/ha, sảng lượng đạt 4.275 tấn.

Ông Trần Quang Trừng, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Cát Tiên cho biết: Hiện trên địa bàn huyện có đến 34% diện tích đất canh tác của người dân có giá trị sản xuất dưới 50 triệu đồng/ha, hầu hết diện tích này là trồng điều. Nếu tính giá thu mua điều bình quân 30.000 đồng/kg, mỗi ha trồng điều trên địa bàn huyện chỉ cho thu nhập giá trị đạt trên dưới 20 triệu đồng.

Đặc biệt, tại nhiều nơi, giá trị sản xuất của cây điều trên 1 ha còn thấp hơn rất nhiều. Đơn cử, tại xã Gia Viễn, hiện có 475 ha điều, tuy nhiên theo dự ước vụ điều năm nay trên địa bàn xã chỉ đạt sản lượng 5 tạ/ha, giá trị thu nhập chưa đến 15 triệu đồng.

Trong khi đó, mục tiêu của Huyện ủy Cát Tiên đề ra khi thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2015 - 2020 là chỉ còn dưới 20% diện tích sản xuất đạt dưới 50 triệu đồng/ha. Mặc dù, những năm qua, UBND huyện đã xây dựng nhiều kế hoạch, đề án, đồng thời vận động bà con tích cực chuyển đổi các diện tích trồng điều kém hiệu quả các loại cây trồng khác như cây ăn quả và các loại rau màu... Tuy nhiên, do nguồn lực hỗ trợ của địa phương còn hạn chế, nên việc chuyển đổi cây trồng của nông dân gặp không ít khó khăn.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, huyện Cát Tiên đã tích cực chuyển đổi, tái canh cây điều ước đạt 1.288 ha; chuyển đổi diện tích cây điều kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác giai đoạn này ước đạt 743 ha.

Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Chủ tịch UBND huyện Cát Tiên cho biết: Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn huyện vẫn gặp những khó khăn nhất định. Đó là, tình hình thời tiết diễn biến thất thường nên chưa thực hiện theo đúng kế hoạch ban đầu đã đăng ký. Cùng với đó, thị trường tiêu thụ chưa ổn định, đầu ra cho sản phẩm còn bấp bênh nên nông dân ngại chuyển đổi với quy mô lớn, nhất là chuyển đổi các diện tích trồng điều.

Trong những năm tới, huyện Cát Tiên tiếp tục thực hiện Đề án Tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Định hướng của huyện là cơ cấu lại trồng trọt, nâng cao giá trị sản xuất cây trồng truyền thống. Đặc biệt, quyết liệt thực hiện chuyển đổi những diện tích trồng điều kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác nhằm mang lại giá trị cao hơn, từng bước hình thành vùng nguyên liệu, hướng tới phục vụ cho chế biến.

Mục tiêu đến năm 2025, toàn huyện Cát Tiên sẽ chuyển đổi được thêm 1.000 - 1.500 ha từ điều sang các loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn như nhóm cây ăn quả gồm: sầu riêng, bơ, mít Thái, bưởi, chôm chôm...; nhóm cây công nghiệp như: cà phê, cao su, ca cao... Qua đó, giảm diện tích cây điều trên địa bàn toàn huyện từ 6.300 ha xuống còn dưới 5.000 ha, riêng diện tích trồng điều trên đất nông nghiệp còn dưới 2.000 ha.

Trong thời gian tới, Cát Tiên sẽ thực hiện khảo sát toàn bộ lại diện tích đất nông nghiệp, trên cơ sở đó đánh giá để đăng ký chuyển đổi. Đồng thời, lựa chọn những giống cây trồng năng suất cao, giá trị thương phẩm cao, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương; ứng dụng khoa học, kỹ thuật và tổ chức các hội nghị đầu bờ để đánh giá hiệu quả kinh tế trong việc chuyển đổi.

UBND huyện cũng đã chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch hỗ trợ chuyển đổi cây trồng trong năm 2021 và giai đoạn 2021 - 2025. Bên cạnh đó, huyện đề nghị các hội, đoàn thể phối hợp với ngành chuyên môn của huyện, tỉnh tổ chức các lớp chuyển giao khoa học, kỹ thuật; hướng dẫn cách chăm sóc, phòng, chống sâu bệnh trên cây lâu năm, cây ăn quả; hỗ trợ người dân vay vốn với lãi suất thấp, tạo điều kiện cho người dân đầu tư cơ sở vật chất, cây con giống, phân bón để phát triển sản xuất; khuyến khích các tổ hợp tác liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản cho người dân...

HOÀNG SA

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202103/cat-tien-tap-trung-chuyen-doi-cay-dieu-3048213/