Cất tiền vào bất động sản và hệ lụy

Chính yếu tố đầu cơ vào nhà, đất thời gian qua đã khiến cho thị trường trở nên méo mó, chộp giật, ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế đất nước và tước đi cơ hội được an cư của rất nhiều người.

Lâu nay, nhà, đất luôn được coi là thứ tài sản thừa kế. Tuy nhiên, quan niệm: “người sinh nhưng đất không sinh” đã khiến bất động sản biến thành món hàng để đầu cơ.

Tại một số vùng ven đô, những mảnh đất qua tay nhiều người đến nỗi hàng xóm cạnh bên cũng chẳng biết rõ chủ đất là ai, mà chỉ biết đó là những mảnh đất bị bỏ hoang trong khi người làng thì nhiều, đất lại ngày một ít.

Tại một khu đô thị mới ven đô lâu nay nó còn có tên gọi nữa là “khu đô thị ma” bởi sự hoang hóa. Những dãy nhà tất cả đều đã có chủ, nhưng muốn tìm được chủ một cách nhanh nhất chỉ có thể hỏi qua môi giới bởi nơi này không có hàng xóm. Sự hoang hóa để lại tiếc nuối và nhiều lo lắng.

Nguồn tài nguyên nhà, đất bỏ hoang là một sự lãng phí rất lớn. Nếu làm một phép tính đơn giản: giả sử mỗi căn liền kề đang được rao bán trung bình 17 tỷ đồng, một dãy nhà 20 căn sẽ có giá gần 350 tỷ đồng. Như vậy, hiện có hàng trăm tỷ đồng phơi cho sương gió.

Nguồn tài nguyên nhà - đất bỏ hoang được xác định là một sự lãng phí rất lớn.

Nguồn tài nguyên nhà - đất bỏ hoang được xác định là một sự lãng phí rất lớn.

Tại báo cáo tài chính của 10 doanh nghiệp bất động sản (đã niêm yết trên sàn chứng khoán), tính tới giữa năm 2024, lượng tồn kho BĐS là hơn 269.000 tỷ đồng, trong số này, có nhiều tên tuổi tập đoàn lớn. Cá biệt có doanh nghiệp, theo tính toán của tốc độ bán hiện tại, sẽ cần tới 149 năm mới bán hết được sản phẩm tồn.

Rõ ràng, tiền của dân, của doanh nghiệp bị cất vào nhà, đất hiện rất lớn và bỏ không, trong khi đó, giá bất động sản vẫn tăng phi mã, giá ảo đang tồn tại ở hầu hết các phân khúc. Không bàn tới chiêu trò gây sốt - đẩy giá - thoát hàng mà việc “cất tiền vào BĐS” chính là nguồn cơn gây ra lạm phát, bất bình đẳng, người cần nhà thì giá nhà quá cao so với thu nhập nên không thể với tới.

Việc “cất tiền vào BĐS” chính là nguồn cơn gây ra lạm phát, bất bình đẳng.

Việc “cất tiền vào BĐS” chính là nguồn cơn gây ra lạm phát, bất bình đẳng.

Cũng cần nhìn nhận: một đất nước không thể có nền kinh tế phát triển bền vững, thịnh vượng từ việc cất tiền… vào đất, bởi nó làm hụt dòng tiền đổ vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Hệ lụy kéo theo là không có việc làm, không tạo ra hàng hóa, dịch vụ.

Liên Phương

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/cat-tien-vao-bat-dong-san-va-he-luy-264243.htm